Hình thành văn hóa giao thông 'đã uống rượu, bia thì không lái xe'

Thông tin từ Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT), Công an tỉnh cho biết, trong 5 ngày nghỉ lễ 30/4 - 1/5 vừa qua, toàn tỉnh xảy ra 2 vụ tai nạn giao thông (TNGT) làm 1 người chết, 3 người bị thương. So với cùng kỳ năm 2023 giảm 80% số vụ (2/10 vụ), giảm 50% số người chết (1/2 người), giảm 72,7% số người bị thương (3/11 người).

Thông tin từ Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT), Công an tỉnh cho biết, trong 5 ngày nghỉ lễ 30/4 - 1/5 vừa qua, toàn tỉnh xảy ra 2 vụ tai nạn giao thông (TNGT) làm 1 người chết, 3 người bị thương. So với cùng kỳ năm 2023 giảm 80% số vụ (2/10 vụ), giảm 50% số người chết (1/2 người), giảm 72,7% số người bị thương (3/11 người).

Tổ công tác đặc biệt của Công an tỉnh tăng cường tuần tra, kiểm soát trên địa bàn thành phố Hòa Bình kể cả khi thời tiết bất lợi.

Theo Thượng tá Đinh Thị Thu Hằng, Phó trưởng phòng CSGT, kết quả này là sự cố gắng, nỗ lực, quyết tâm rất lớn không chỉ của lực lượng CSGT mà của toàn lực lượng Công an từ tỉnh đến xã, phường, thị trấn với mục tiêu giảm thiểu TNGT đến mức thấp nhất, kịp thời ngăn chặn những nguyên nhân chính dẫn đến TNGT ngay từ cơ sở.

Đánh giá của lực lượng chức năng cho thấy, thời gian qua, một trong những nguyên nhân dẫn đến các vụ TNGT nghiêm trọng nhiều vụ có liên quan đến rượu, bia. Thống kê từ tháng 6/2022 - 12/2023, số người chết và bị thương vì TNGT đường bộ trên địa bàn tỉnh có liên quan đến rượu, bia chiếm khoảng 20% tổng số người chết và bị thương, trong đó, 80% là lỗi do người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn.

Thượng tá Đinh Thị Thu Hằng, Phó trưởng phòng CSGT cho biết: Với quyết tâm ngăn chặn và kéo giảm TNGT, đảm bảo trật tự an toàn giao thông (TTATGT), không để xảy ra các vụ TNGT liên quan đến rượu, bia, trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 vừa qua, Phòng CSGT, Công an các huyện, thành phố đã huy động tối đa lực lượng, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát trên các tuyến giao thông trọng điểm; bố trí lực lượng làm tốt công tác chỉ huy, điều khiển giao thông trong các giờ cao điểm, tại tuyến, địa bàn có nguy cơ cao xảy ra ùn tắc giao thông, đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn. Theo đó, lực lượng CSGT toàn tỉnh đã huy động 173 tổ tuần tra, kiểm soát với gần 900 lượt cán bộ, chiến sỹ tham gia.

Qua tuần tra kiểm soát, lực lượng CSGT đã phát hiện, lập biên bản 841 trường hợp vi phạm; tạm giữ 454 phương tiện (9 ô tô, 445 mô tô, xe máy), tước 134 giấy phép lái xe. So với kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5/2023 tăng 217 trường hợp (814/564). Đáng nói, trong 841 trường hợp vi phạm TTATGT bị lực lượng chức năng phát hiện, lập biên bản thì có 187 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn, chiếm 22,2%. Đây cũng là vi phạm đứng thứ 2 trong các lỗi vi phạm chủ yếu được lực lượng Công an phát hiện trong dịp nghỉ lễ, chỉ đứng sau vi phạm về tốc độ với 236 trường hợp. Đáng nói hơn, trong các trường hợp vi phạm nồng độ cồn có 3 trường hợp là học sinh, người dưới 18 tuổi. Thống kê trên cho thấy vi phạm về nồng độ cồn vẫn chiếm tỷ lệ cao. Trong khi đây được xác định là một trong những nguyên nhân chính, nguy cơ cao gây TNGT.

Thực tế hiện nay, người tham gia giao thông đều biết lỗi vi phạm nồng độ cồn bị phạt rất nặng. Nhưng trong 5 ngày nghỉ lễ mà có 187 trường hợp bị xử lý thì đó là điều đáng lo ngại về ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người dân. Bởi lẽ, thời gian qua, việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nhất là các quy định về xử lý vi phạm nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông được tăng cường, triển khai mạnh mẽ, ý thức của nhiều người được nâng lên. Nhưng với hơn 20% trường hợp vi phạm TTATGT liên quan đến rượu, bia bị xử phạt trong 5 ngày nghỉ lễ cho thấy không phải ai cũng chấp hành nghiêm chỉnh.

Để làm tốt hơn nữa công tác này, theo luật sư Trần Dũng Tiến, Đoàn Luật sư tỉnh, trong thời gian tới, cùng với việc duy trì xử lý quyết liệt vi phạm nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông của lực lượng Công an thì các ngành, các cấp, các địa phương cần tiếp tục triển khai, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật sâu rộng hơn. Để làm sao suy nghĩ "đã uống rượu, bia thì không lái xe” chuyển thành hành động, thực sự trở thành nét văn hóa khi tham gia giao thông. Đồng thời, cơ quan chức năng cần nghiên cứu bổ sung chế tài, đa dạng hóa hình thức xử phạt tạo thêm sự răn đe. Có như vậy mới giảm được những vụ TNGT đáng tiếc liên quan đến rượu, bia, nồng độ cồn không chỉ trong dịp lễ, Tết.

Mạnh Hùng

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/217/188999/hinh-thanh-van-hoa-giao-thong-da-uong-ruou,-bia-thi-khong-lai-xe.htm