HLV Troussier: Bóng đá Trung Quốc luôn muốn phép màu ngay lập tức
HLV Philippe Troussier chỉ ra những hạn chế của bóng đá Trung Quốc và tin vào cơ hội giành thêm điểm của tuyển Việt Nam vòng loại thứ ba World Cup 2022.
Ngày đầu năm mới, HLV Philippe Troussier chia sẻ với Zing về những tín hiệu lạc quan sau trận thắng của tuyển Việt Nam trước Trung Quốc ở vòng loại thứ ba World Cup 2022. Với kinh nghiệm làm việc ở Trung Quốc và cả Việt Nam trong nhiều năm, nhà cầm quân người Pháp hiểu điều gì còn thiếu ở các nền bóng đá đang phát triển.
Ông Troussier từng hai lần từ chối dẫn dắt tuyển Trung Quốc. Ông cũng từng huấn luyện hai CLB Trung Quốc là Shenzhen Ruby (2011) và Hangzhou Greentown (2015). Dù mới chia tay U19 Việt Nam, chiến lược gia sinh năm 1955 luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho bóng đá Việt Nam.
Kỳ vọng rất cao nhưng kiên nhẫn có hạn
- Phóng viên: Ông dự đoán thế nào về tương lai của tuyển Trung Quốc sau thất bại trước Việt Nam? Chiếc ghế tạm quyền của HLV Li Xiaopeng sẽ ra sao?
- Tôi cho rằng HLV Li Xiaopeng sẽ khó lòng tiếp tục công việc sau trận thua trước Việt Nam. Dĩ nhiên, áp lực công chúng và truyền thông đòi hỏi sự thay đổi là rất lớn. Với kinh nghiệm làm việc của tôi ở Trung Quốc, những quyết định như vậy sẽ chỉ đến từ bên ngoài bóng đá. Hãy nhớ về trường hợp của Li Tie, cậu ta làm không tồi nhưng rốt cuộc không thể trụ lại sau những mâu thuẫn với lãnh đạo Liên đoàn Bóng đá Trung Quốc (CFA).
Đây là vấn đề nổi cộm của nhiều nền bóng đá tại các nước đang phát triển, khi sự kỳ vọng là rất cao nhưng tính kiên nhẫn lại khá hạn chế. Họ trông đợi mọi HLV phải tạo ra phép màu ngay lập tức sau một thời gian ngắn nhậm chức với nguyên liệu dựa trên nền tảng của nền bóng đá phát triển không thực sự bền vững. Tôi nghĩ Trung Quốc nhiều khả năng sẽ bổ nhiệm một HLV đến từ Đông Âu, vốn có sự thích nghi và điều chỉnh khá tốt với môi trường bóng đá và thể chế Trung Quốc.
- Ông từng có thời gian tương đối dài làm việc tại Trung Quốc, liệu ông có thể chia sẻ sâu hơn về trải nghiệm bản thân và nếu CFA đưa ra lời mời dẫn dắt ĐTQG, ông có nhận lời không?
- Tôi từng được tiếp cận bởi CFA hai lần trong quá khứ, lần thứ nhất vào năm 2003 và lần thứ hai vào năm 2006. Tuy nhiên ở cả hai thời điểm đó, tôi đều từ chối bởi cảm thấy chưa thực sự sẵn sàng. Rốt cuộc, tôi đặt chân tới Trung Quốc vào năm 2011 và làm việc với CLB Thẩm Quyến trong 3 mùa giải. Dù tiềm lực của CLB ở thời điểm đó chưa giúp tôi hiện thực hóa toàn bộ ý tưởng của mình, nhưng qua những gì được chứng kiến, tôi cảm nhận được tiềm năng và khát vọng bóng đá nơi người Trung Quốc.
Tôi là người luôn cống hiến hơn 100% sức lực và trí lực bản thân cho bất kỳ đơn vị nào mà tôi cam kết làm việc. Dĩ nhiên, nếu đầy đủ điều kiện và thời cơ hội tụ, tôi chắc chắn sẽ xem xét kỹ lưỡng bất kỳ đề nghị nào trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.
- Trở lại với ĐTQG Việt Nam, ông kỳ vọng thế nào về màn trình diễn trong hai trận đấu vòng loại World Cup sắp tới gặp Oman và Nhật Bản?
- Thắng lợi trước Trung Quốc ngay ngày mồng 1 Tết Âm lịch là dấu hiệu an lành và đầy tích cực cho bóng đá Việt Nam trong năm 2022 và cả tương lai nữa. Bảy trận thua liên tiếp là kết quả đáng thất vọng trước những đối thủ hàng đầu châu lục. Nhưng với rất nhiều kinh nghiệm quý báu được tích lũy, bóng đá Việt Nam có thể tạm thời gạt nỗi buồn qua một bên.
Với thể thức mở rộng của VCK FIFA World Cup 2026 và số suất tham dự dành cho các đội tuyển châu Á gia tăng, 3 điểm trước Trung Quốc cho thấy Việt Nam đủ năng lực cạnh tranh vị trí thứ 4 hoặc thứ 5 trong bảng đấu. Tôi đã theo dõi trận lượt đi với Oman và cho rằng Việt Nam hoàn toàn có khả năng giành điểm, thậm chí là thắng lợi trên sân nhà.
Cầu thủ Việt Nam phải ra nước ngoài
- Có ý kiến cho rằng hai trận cuối vòng loại thứ ba World Cup của ĐTQG Việt Nam chỉ còn mang ý nghĩa thủ tục, nên dành sự ưu tiên cho các cầu thủ U23? Mục tiêu quan trọng của bóng đá Việt Nam trong năm 2022 này là bảo vệ huy chương vàng SEA Games 31 vào tháng 5. Quan điểm của ông về ý kiến này?
- Tôi không cho rằng đó là một ý tưởng hợp lý. Việt Nam nên duy trì đội hình gồm nhóm quân số mạnh nhất nhằm tiếp tục giành lấy kết quả khả quan và bồi đắp thêm sự tự tin sau chiến thắng trước Trung Quốc. Ưu tiên sử dụng cầu thủ trẻ sẽ khiến kết quả thi đấu có thể không như kỳ vọng và hệ quả là động lực từ thắng lợi hiện tại bị cắt đứt.
Chúng ta cũng không nên quên rằng dù vòng loại World Cup sẽ kết thúc vào tháng 3, ĐTQG Việt Nam còn đó đấu trường châu lục rất quan trọng là Asian Cup 2023. Nếu muốn tái lập kỳ tích vào tới tứ kết, thậm chí tạo ra những chiến tích táo bạo hơn, Việt Nam cần bắt đầu quá trình chuẩn bị ngay từ bây giờ. Những đợt thi đấu quốc tế được FIFA quy định trong năm 2022 vào tháng 6 và tháng 9 tới đây cũng cần được coi trọng và tạo cơ hội tối đa cho cầu thủ cọ xát bằng những trận giao hữu với đối thủ chất lượng.
- Qua hai trận gần nhất của ĐTQG Việt Nam gặp Australia và Trung Quốc, sự trở lại sau chấn thương của tân đội trưởng Đỗ Hùng Dũng là hạt nhân trong lối chơi đội tuyển, vượt qua cả tầm ảnh hưởng thường thấy của Nguyễn Quang Hải. Suy nghĩ của ông thì sao?
- Bản thân tôi không muốn khen ngợi riêng bất kỳ cá nhân nào bởi bóng đá là môn thể thao tập thể, nơi thành công chỉ được tạo dựng dựa trên sự tương tác phối hợp giữa các cầu thủ. Dĩ nhiên, Quang Hải vẫn đã và đang là cầu thủ đưa ra những quyết định hợp lý và hiệu quả nhất, nhưng riêng một mình tiền vệ Hà Nội thôi là không đủ. Tôi nhận thấy bộ ba tiền vệ Quang Hải, Hùng Dũng và Hoàng Đức là điểm nhấn rõ nét giúp Việt Nam tự tin hơn với việc kiểm soát bóng trong cả hai trận vừa qua.
Cả ba cá nhân này đều sở hữu sự khéo léo và thông minh trong lối chơi, hoàn toàn xứng đáng với cơ hội thử sức tại nước ngoài. Trình độ hiện tại của họ, tôi cho rằng V.League đã là sân chơi dưới tầm. Họ cần những môi trường trui rèn chất lượng hơn để tiếp tục nâng tầm bản thân, qua đó trở về và giúp ĐTQG Việt Nam tiến lên đồng bộ. Thành tích tập thể là một chuyện nhưng thành công tại nước ngoài sẽ là một thành tựu lịch sử mà thế hệ cầu thủ như Quang Hải nên đi tiên phong thiết lập.
- Trong trận gặp Trung Quốc nói riêng và các trận đấu vòng loại ba nói chung, chúng ta được thấy phần nào sự thua thiệt về thể chất, thể hình của cầu thủ Việt Nam khi đối đầu với những đối thủ hàng đầu châu lục, hầu hết đều sở hữu ít nhiều cá nhân nhập tịch hoặc sinh ra tại nước ngoài. Quan điểm của ông về việc tăng cường nhập tịch và chiêu mộ cầu thủ gốc gác Việt Nam cho ĐTQG thế nào?
- Về mặt pháp lý và quy định FIFA, một cầu thủ bất kỳ có gốc gác Việt Nam hoặc sinh sống dài lâu tại đất nước Việt Nam đều đủ điều kiện đại diện cho ĐTQG. Dưới góc độ chuyên môn, tôi không hề có sự phân biệt đối xử nào trong việc sử dụng cầu thủ có nguồn gốc khác nhau, miễn là cậu ta đáp ứng được năng lực và có sự tôn trọng với màu cờ sắc áo bản thân đang đại diện.
Đội tuyển Pháp quê hương tôi thành công nhờ vào sự đa dạng chủng tộc bậc nhất thế giới, đó là một ví dụ rõ nét. Tuy nhiên, chúng ta cần chú ý tới những rắc rối tiềm tàng có thể xảy ra. Không ai chất vấn những cầu thủ Việt kiều hoặc nhập tịch khi đội chiến thắng đâu, tin tôi đi. Nhưng vấn đề sẽ xảy đến khi kết quả không ưng ý ập tới. Chúng ta có thể nhìn vào chính tấm gương của Pháp hay cả Đức với Mesut Ozil.
- Trong sự nghiệp huấn luyện của mình, ông từng đối diện với vấn đề tương tự chưa?
- Cá nhân tôi từng đối diện với vấn đề này trong những nhiệm kỳ cầm quân tại châu Phi và Tây Á, nơi số cầu thủ nhập tịch hoặc sinh ra tại nước ngoài luôn nhận về kỳ vọng cao nhất nhưng đồng thời dễ trở thành mục tiêu bị chỉ trích nhất. Do đó, số cầu thủ này nên được nhận diện càng sớm càng tốt và tích hợp cùng đội ngũ bản địa từ cấp độ tuyển trẻ. Việc này cho phép sự hòa nhập và điều chỉnh tốt hơn với môi trường có nhiều khác biệt.
Trong thời gian dẫn dắt U19 Việt Nam, tôi đã thiết lập được bản danh sách cầu thủ Việt kiều khá dày. Số cá nhân này đang lưu trú và chơi bóng rải rác trên khắp thế giới từ Mỹ, Pháp, Đức, Ba Lan và cả Australia nữa. Đáng tiếc là rào cản về di chuyển khi Covid-19 ập tới cũng như việc thiếu những giấy tờ đầy đủ nhằm chứng minh quốc tịch Việt Nam của phần đông cầu thủ này khiến công việc chưa được tiến hành.
Tôi biết tới một vài trường hợp khá nổi bật như Filip Nguyễn chẳng hạn. Cậu ta chưa thể đại diện cho ĐTQG Việt Nam vì vướng mắc thủ tục pháp lý. VFF cũng khá tích cực hỗ trợ các HLV trong việc nhận diện nhóm tài năng đặc biệt này nhưng mọi người phải hiểu VFF chỉ là cơ quan quản lý bóng đá thôi. Dù sao, chúng ta vẫn cần hy vọng và giữ sự chú ý tới số cầu thủ mà tôi nghĩ sẽ giúp cải thiện đáng kể chất lượng đội tuyển này.
- Cảm ơn ông vì cuộc trao đổi.