Hỗ trợ phụ nữ khẳng định vị thế trên thương trường

Nhiều năm qua, những sản phẩm của các doanh nghiệp tại quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng do chị em phụ nữ làm chủ đã phần nào khẳng định được vị thế trên thương trường. Tuy nhiên, để những doanh nghiệp nữ phát huy hết tiềm năng, thế mạnh vốn có của mình nhằm đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển về kinh tế-xã hội tại địa phương đòi hỏi có sự hỗ trợ tích cực từ các hội, đoàn thể, các cơ quan chức năng trong việc kết nối, tìm kiếm, mở rộng thị trường, quảng bá, giới thiệu sản phẩm.

Các doanh nghiệp nữ tham quan trao đổi, kết nối, quảng bá sản phẩm.

Tại chương trình xúc tiến thương mại nhằm đưa các sản phẩm mang tính đặc trưng của Ngũ Hành Sơn vào các kệ hàng của các siêu thị lớn được tổ chức vào ngày 2-4-2024, ông Lê Quang Thanh-Phó Giám đốc Siêu thị Co.opmart Đà Nẵng cho biết: Trong bối cảnh nỗ lực phát triển nông thôn và thúc đẩy sản xuất hàng hóa chất lượng cao, sự hợp tác giữa Co.opmart Đà Nẵng, các cơ quan chức năng tại Ngũ Hành Sơn và các cơ sở chế biến sản phẩm OCOP đã mở ra cơ hội mới đầy hứa hẹn. Việc trao đổi, hợp tác chặt chẽ với các cơ sở chế biến sản phẩm OCOP, Co.opmart Đà Nẵng không chỉ giúp các nhà sản xuất tiếp cận thị trường mà còn đảm bảo những sản phẩm chất lượng này sẽ được người tiêu dùng chấp nhận. Việc kết hợp nguồn lực và sự hợp tác chặt chẽ giữa nhà sản xuất và Co.opmart Đà Nẵng là một điển hình về cách mà các tổ chức và doanh nghiệp có thể cùng nhau đóng góp vào việc thúc đẩy phát triển bền vững, tạo ra những giá trị tích cực đóng góp vào việc nâng cao chất lượng cuộc sống và thu nhập cho cộng đồng địa phương.

Theo chị Nguyễn Thị Oanh - Giám đốc HTX Nông sản sạch Đô 37, quá trình khởi nghiệp gặp không ít khó khăn nhưng thật may mắn khi nhận được sự hỗ trợ tích cực, kịp thời từ Phòng Kinh tế, Hội Phụ nữ quận Ngũ Hành Sơn nên từng bước những khó khăn đã được tháo gỡ… Từ đó, nhiều sản phẩm của cơ sở chế biến nông sản sạch Đô 37 được mọi người biết đến, có thể tiêu thụ mang doanh thu lớn cho doanh nghiệp… Tương tự, chị Vũ Thị Hồng Ngọc, phường Hòa Hải, chia sẻ: may mắn trong hành trình khởi nghiệp là nhận được sự tiếp sức và hỗ trợ từ Hội Liên hiệp Phụ nữ và Phòng Kinh tế quận. Những buổi tập huấn chuyên đề, tham quan thực tế tại các cơ sở đạt sản phẩm OCOP trên địa bàn đã giúp doanh nghiệp học hỏi rất nhiều bài học kinh nghiệm cũng như cách tiếp cận những tư duy mới trong sản xuất, kinh doanh…

Nói về quá trình đồng hành cùng những doanh nghiệp nữ trong quá trình khởi nghiệp, bà Nguyễn Thị Hải Vân-Chủ tịch Hội LHPN quận Ngũ Hành Sơn, trao đổi: Để giúp những phụ nữ có quá trình khởi nghiệp “suôn sẻ”, nhiều năm qua, Hội LHPN - Phòng Kinh tế phối hợp tổ chức các hội thi ý tưởng khởi nghiệp, tập huấn chuyên đề “Phụ nữ khởi nghiệp thời đại 4.0” cho các nữ chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ, chủ mô hình phát triển kinh tế, ý tưởng khởi nghiệp, các nữ tiểu thương trên địa bàn quận và thành lập Nhóm Phụ nữ khởi nghiệp quận Ngũ Hành Sơn. Nhiều ý tưởng đã được hiện thực hóa và được quận hỗ trợ tiếp cận các chương trình chính sách khuyến nông, khuyến công, giúp khẳng định thương hiệu, nhiều sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP và tăng trưởng về quy mô sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ.

Các doanh nghiệp nữ tham quan các gian hàng tại Siêu thị Co.opmart Đà Nẵng.

Phó Chủ tịch UBND quận Ngũ Hành Sơn Mai Niên, khẳng định, các cơ quan chức năng đánh giá cao những đóng góp của lực lượng nữ thương nhân trong phát triển kinh tế của quận, các sản phẩm khởi nghiệp của các chị đã hướng đến thân thiện môi trường, sản phẩm hữu cơ đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng. Đó là kết quả của sự đồng hành và hỗ trợ của các phòng ban chuyên môn đối với một số cơ sở khởi nghiệp nhằm nâng tầm những sản phẩm thuần túy nông nghiệp trở thành những sản phẩm đặc trưng, đạt chuẩn như OCOP để phát huy thế mạnh của địa phương.

Thực tế cho thấy, Ngũ Hành Sơn là địa phương tiên phong thực hiện các chương trình kết nối cho nhóm phụ nữ khởi nghiệp tham quan, học tập thực tế tại các cơ sở sản xuất có các sản phẩm OCOP 4 sao, 5 sao tại một số địa phương và thông qua các lễ hội cho phép trưng bày các sản phẩm OCOP nhằm tạo sự gắn kết giữa các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư, quảng bá sản phẩm và giới thiệu tiềm năng văn hóa, du lịch… của địa phương nói riêng, thành phố nói chung đến với du khách thập phương. Thông qua lễ hội không chỉ nâng cao hình ảnh thương hiệu OCOP thành phố Đà Nẵng đối với khách du lịch trong nước, quốc tế mà còn khơi dậy các tiềm năng, sản vật, giá trị ẩm thực văn hóa vùng miền, từ đó góp phần nâng cao hình ảnh du lịch của địa phương.

Có thể nói, thông qua các hoạt động kết nối, tìm kiếm, mở rộng thị trường, quảng bá, giới thiệu sản phẩm…, các cơ quan chức năng tại Ngũ Hành Sơn đã đạt được những kết quả nhất định trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp nữ khởi nghiệp. Hy vọng, với việc triển khai đồng bộ các biện pháp cùng sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng sẽ lan tỏa sâu rộng tinh thần khởi nghiệp trong các tầng lớp phụ nữ và tạo cho chị em phụ nữ cơ hội được học hỏi, gắn kết và tự tin tiến tới xây dựng mạng lưới khởi nghiệp bền vững…

M.T

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/ho-tro-phu-nu-khang-dinh-vi-the-tren-thuong-truong-post293124.html