Hỗ trợ thiết thực để phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ

Những năm qua, dù trung ương đã ban hành nhiều chính sách nhằm khuyến khích phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ (KH&CN) như giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn giảm tiền thuê đất, hỗ trợ hoạt động nghiên cứu, thương mại hóa kết quả KH&CN, vay vốn với lãi suất ưu đãi… nhưng việc phát triển doanh nghiệp KH&CN vẫn gặp nhiều khó khăn. Mới đây, tại Quyết định 1048/QĐ-UBND về chương trình thị trường KH&CN, doanh nghiệp KH&CN tỉnh Quảng Trị đến năm 2030, UBND tỉnh đặt mục tiêu phấn đấu từ nay đến năm 2030, mỗi năm hình thành ít nhất 1-2 doanh nghiệp KH&CN. Để đạt mục tiêu này, bên cạnh chính sách của trung ương, cần có chính sách hỗ trợ phát triển riêng của địa phương.

Quảng Trị hiện có 3.361 doanh nghiệp nhưng chỉ có 5 doanh nghiệp được công nhận là doanh nghiệp KH&CN (Công ty TNHH Pun Coffee, Công ty TNHH Dược liệu hữu cơ An Xuân, Công ty TNHH Nhiên Thảo, Công ty Cổ phần Tổng công ty Thương mại Quảng Trị, Công ty TNHH DAVICS).

Nguyên nhân khó phát triển loại hình này do doanh nghiệp trên địa bàn phần lớn có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, tiềm lực tài chính hạn chế, không đủ điều kiện để đầu tư, nghiên cứu phát triển ý tưởng, sản phẩm KH&CN. Hiện nay, dù có nhiều chính sách ưu đãi được ban hành nhưng trên thực tế, doanh nghiệp KH&CN vẫn chưa được hưởng đầy đủ ưu đãi theo quy định nên nhiều doanh nghiệp không “mặn mà” thực hiện thủ tục để được công nhận doanh nghiệp KH&CN.

Ví dụ như khó khăn khi làm thủ tục để hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp vì vướng mắc liên quan đến các quy định của ngành thuế. Hoặc về ưu đãi tín dụng, doanh nghiệp KH&CN có tài sản trí tuệ nhưng không thể đem tài sản này ra thế chấp vay vốn ngân hàng nên đến nay mới có được 2 doanh nghiệp KH&CN được vay vốn để đổi mới công nghệ từ Quỹ Phát triển KH&CN tỉnh. Bên cạnh đó, việc đăng ký trở thành doanh nghiệp KH&CN cũng có những khó khăn mà không phải doanh nghiệp nào cũng đáp ứng được, chẳng hạn như: doanh nghiệp phải chứng minh quyền sở hữu, sử dụng hợp pháp kết quả nghiên cứu KH&CN; giải trình quá trình ươm tạo và làm chủ KH&CN.

Nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong phát triển doanh nghiệp KH&CN, tháng 3/2019, Chính phủ ban hành Nghị định số 13/2019/NĐ-CP về doanh nghiệp KH&CN thay thế Nghị định 80/2007/NĐ-CP. Quá trình triển khai thực hiện Nghị định 13/2019 gặp một số vướng mắc, tháng 11/2021, Bộ KH&CN ban hành Thông tư số 10/2021/TT-BKHCN (hiệu lực từ ngày 20/1/2022) hướng dẫn thực hiện nghị định này. Tháng 8/2021, Chính phủ cũng ban hành Nghị định 80/2021/ NĐ-CP Quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó có hỗ trợ đối với doanh nghiệp KH&CN, khởi nghiệp sáng tạo.

Tuy nhiên, đến nay hầu hết các chính sách hỗ trợ của trung ương về lĩnh vực này doanh nghiệp vẫn chưa được tiếp cận. Vì vậy cơ quan quản lý nhà nước cần tạo cầu nối để tiếp tục tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp. Trước hết, cần đẩy mạnh tuyên truyền giúp doanh nghiệp hiểu rõ, hiểu đúng về các tiêu chí cần đạt, quyền lợi được hưởng các ưu đãi, từ đó hướng dẫn thủ tục cho doanh nghiệp tiếp cận các chính sách. Cần có sự phối hợp của các ngành liên quan trong việc hướng dẫn doanh nghiệp KH&CN hưởng chính sách ưu đãi về miễn giảm thuế, tín dụng, thuê đất…

Bên cạnh chính sách của trung ương, tỉnh cần có cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện dự án ươm tạo, hoàn thiện, làm chủ công nghệ, trực tiếp sản xuất sản phẩm từ kết quả KH&CN. Cùng với ngân sách nhà nước cần đẩy mạnh xã hội hóa các nguồn vốn để hỗ trợ thực hiện các dự án KH&CN. Ưu tiên sử dụng các nguồn lực KH&CN để hỗ trợ doanh nghiệp KH&CN tham gia thực hiện các nhiệm vụ hoàn thiện công nghệ và ứng dụng công nghệ thuộc các lĩnh vực là thế mạnh của tỉnh.

Ngoài ra, tiếp tục tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn về doanh nghiệp KH&CN và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; tổ chức sàn giao dịch công nghệ - thiết bị nhằm hỗ trợ, trao đổi thông tin, tạo môi trường thuận lợi cho quá trình chuyển giao, đổi mới công nghệ, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp.

Ngành chức năng, chính quyền các cấp cần xác định phát triển doanh nghiệp KH&CN ở từng ngành, lĩnh vực và từng địa phương phải gắn với tái cơ cấu nền kinh tế gắn số lượng với chất lượng, làm cho doanh nghiệp KH&CN thực sự trở thành nền tảng, động lực phát triển sản xuất hàng hóa có giá trị gia tăng và sức cạnh tranh cao.

Thường xuyên đánh giá và cập nhật kịp thời cơ chế chính sách phù hợp với thực tiễn của sự phát triển. Tổ chức khảo sát, phân loại các tổ chức, cá nhân hoạt động KH&CN có tiềm lực hình thành doanh nghiệp KH&CN. Xây dựng cơ sở dữ liệu về việc thành lập, số lượng, tình hình hoạt động và phát triển doanh nghiệp KH&CN, doanh nghiệp KH&CN tiềm năng trên địa bàn.

Tư vấn, hỗ trợ về xác lập, bảo hộ, khai thác và phát triển tài sản trí tuệ cũng như thủ tục về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đo lường chất lượng; thử nghiệm, hoàn thiện sản phẩm mới, mô hình kinh doanh cho doanh nghiệp tiềm năng, doanh nghiệp KH&CN. Tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp tiến hành trích lập Quỹ Phát triển KH&CN của doanh nghiệp và duy trì cho vay Quỹ Phát triển KH&CN tỉnh.

Rà soát hỗ trợ ươm tạo doanh nghiệp có tiềm năng nhằm đáp ứng điều kiện để thành lập doanh nghiệp KH&CN. Hỗ trợ doanh nghiệp đăng ký tham gia nhiệm vụ KH&CN các cấp, qua đó nâng cao năng lực nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, đổi mới công nghệ, thiết bị nâng cao chất lượng, giá trị, gia tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa.

Cùng với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, ngành chức năng, doanh nghiệp chủ động tìm hiểu, đầu tư đổi mới, sáng tạo, ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất, góp phần tăng năng lực cạnh tranh trên thị trường.

Mai Lâm

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/van-de-binh-luan/ho-tro-thiet-thuc-de-phat-trien-doanh-nghiep-khoa-hoc-va-cong-nghe/179299.htm