Hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất: Nâng giá trị ngành công nghiệp

– Từ năm 2021 đến nay, các cấp, ngành đã tích cực tham mưu UBND tỉnh triển khai hiệu quả công tác tuyên truyền, thực hiện các chương trình, đề án hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN), từng bước nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, góp phần tăng giá trị ngành công nghiệp.

Công nhân tại Công ty TNHH MTV Xe điện DK Việt Nhật thực hiện lắp ráp xe điện

Công nhân tại Công ty TNHH MTV Xe điện DK Việt Nhật thực hiện lắp ráp xe điện

Theo thống kê của ngành công thương, hiện trên địa bàn tỉnh có khoảng 200 doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) hoạt động trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp; tập trung ở các lĩnh vực như: khai thác, sản xuất, chế biến vật liệu xây dựng; chế biến nông, lâm sản; sản xuất, chế tạo máy; khai khoáng… Trước năm 2021, việc ứng dụng KHCN vào sản xuất đã được một số doanh nghiệp quan tâm triển khai, tuy nhiên hàm lượng ứng dụng còn thấp.

Trước thực tế đó, năm 2022, UBND tỉnh phối hợp với Bộ KHCN tổ chức Hội thảo “Phổ biến chính sách kết nối hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm, chuyển giao, làm chủ, ứng dụng và đổi mới công nghệ” nhằm tiếp tục tuyên truyền các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng, đổi mới công nghệ; nhu cầu hợp tác chuyển giao, ứng dụng và đổi mới công nghệ phục vụ phát triển sản phẩm chủ lực của tỉnh. Đồng thời, chỉ đạo Sở KHCN phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức hội nghị tập huấn phổ biến kiến thức chung về nâng cao năng suất, chất lượng cho doanh nghiệp, HTX trên địa bàn tỉnh; Sở Công Thương tổ chức 2 hội nghị tuyên truyền về công tác khuyến công, giới thiệu các chương trình hỗ trợ ứng dụng công nghệ, máy móc, dây chuyền hiện đại vào sản xuất để nâng cao nhận thức của các chủ doanh nghiệp, HTX về ứng dụng KHCN trong sản xuất.

Từ năm 2021 đến nay, các ngành như: công thương, KHCN, kế hoạch và đầu tư… đã chủ trì và phối hợp tổ chức 10 hoạt động tuyên truyền trực tiếp và lồng ghép về ứng dụng KHCN vào sản xuất công nghiệp. Qua khảo sát, hơn 80% chủ các doanh nghiệp, HTX đã quan tâm đến việc dành nguồn lực đầu tư ứng dụng KHCN và khoảng 50% doanh nghiệp, HTX đã từng bước đầu tư nâng cấp dây chuyền, chuyển giao công nghệ sản xuất hiện đại để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Đi đôi với tuyên truyền, các ngành liên quan tiến hành khảo sát nhu cầu công nghệ của các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất trên địa bàn và tham mưu UBND tỉnh triển khai các dự án, đề án hỗ trợ doanh nghiệp, HTX ứng dụng KHCN vào sản xuất. Từ năm 2022 đến nay, UBND tỉnh đã phê duyệt 6 dự án về áp dụng các giải pháp công nghệ nâng cao năng suất, chất lượng để hỗ trợ 62 doanh nghiệp, HTX hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp.

Điển hình như hỗ trợ 3 doanh nghiệp tham gia Dự án “Hỗ trợ xây dựng mô hình điểm áp dụng đồng bộ các hệ thống quản lý chất lượng, công cụ cải tiến năng suất chất lượng, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất, chất lượng phù hợp với điều kiện của tổ chức, doanh nghiệp”. Bà Bùi Thị Bích Đào, Giám đốc Công ty TNHH MTV Xe điện DK Việt Nhật cho biết: Được sự quan tâm của UBND tỉnh và các ngành liên quan, công ty đã được hỗ trợ đào tạo nâng cao nhận thức chung và cấp chứng chỉ cho 20 cán bộ, nhân viên về Hệ thống quản lý tích hợp ISO 9001:2015, ISO 14001:2015, ISO 45001:2018; được hỗ trợ công cụ cải tiến năng suất chất lượng (công cụ quản lý tinh gọn LEAN) và chứng nhận tiêu chuẩn cho sản phẩm xe đạp điện. Nhờ đó, công ty có gần 30 mẫu xe đã và đang lắp ráp với hơn 80 mã hàng, màu sắc đa dạng, phong phú với 4 dây chuyền lắp ráp, 12 máy móc, thiết bị kiểm tra xuất xưởng; tạo việc làm ổn định cho khoảng 200 lao động với thu nhập trên 9 triệu đồng/người/tháng.

Cơ sở sản xuất khô heo mác mật, thôn Bình Thượng, xã Chiêu Vũ, huyện Bắc Sơn ứng dụng máy móc hiện đại vào sản xuất theo đề án hỗ trợ từ vốn khuyến công địa phương năm 2022

Cơ sở sản xuất khô heo mác mật, thôn Bình Thượng, xã Chiêu Vũ, huyện Bắc Sơn ứng dụng máy móc hiện đại vào sản xuất theo đề án hỗ trợ từ vốn khuyến công địa phương năm 2022

Từ năm 2022 đến nay, UBND tỉnh đã phê duyệt 6 dự án về áp dụng các giải pháp công nghệ nâng cao năng suất, chất lượng để hỗ trợ 62 doanh nghiệp, HTX hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp, như đề án:“Hỗ trợ chứng nhận sản phẩm, hàng hóa phù hợp với tiêu chuẩn/quy chuẩn kỹ thuật; xây dựng tiêu chuẩn cơ sở và công bố hợp chuẩn, hợp quy”; “Thúc đẩy áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất, chất lượng cơ bản và đặc thù cho ngành, lĩnh vực đối với một số tổ chức trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn”…

Đặc biệt, từ năm 2021 đến nay, Sở Công Thương đã hỗ trợ chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo cho doanh nghiệp, HTX từ nguồn vốn khuyến công được 25 đề án cho 25 doanh nghiệp, HTX với tổng số tiền trên 4,7 tỷ đồng. Điển hình như thực hiện đề án khuyến công quốc gia năm 2021, sở đã hỗ trợ Công ty Cổ phần Tân Thịnh Phát LS (huyện Hữu Lũng) ứng dụng thành công và đưa vào vận hành dây chuyền công nghệ mới trong sản xuất gạch không nung. Ông Quản Trọng Lĩnh, Giám đốc Công ty cho biết: Được hỗ trợ kinh phí từ nguồn vốn khuyến công quốc gia, cùng với vốn đối ứng trên 3 tỷ đồng của công ty, chúng tôi đã đầu tư sản xuất gạch không nung với dây chuyền sản xuất tự động hóa cao, sản lượng lớn, tỷ lệ thành phẩm đạt chất lượng sau khi nén ép cao (97%), công suất 15.000.000 viên/năm với nhiều chủng loại kích cỡ gạch đảm bảo theo quy chuẩn chất lượng. Sản phẩm của công ty đã đáp ứng được nhu cầu của thị trường, qua đó, tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh và tạo việc làm cho 10 lao động địa phương với thu nhập bình quân trên 5 triệu đồng/người/tháng.

Từ những giải pháp, chương trình được các ngành tham mưu triển khai đã góp phần hỗ trợ doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất công nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, góp phần đưa tổng giá trị ngành sản xuất công nghiệp của tỉnh tăng dần hằng năm. Thể hiện ở chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2022 tăng 7,13% so với năm 2021; tốc độ giá trị tăng thêm ngành công nghiệp năm 2022 tăng 10,97% so năm 2021. Chỉ số sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh 9 tháng năm 2023 tăng 7,05% so với cùng kỳ năm 2022.

Ông Đinh Kỳ Giang, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Thời gian tới, sở tiếp tục phối hợp với các ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh tăng cường xúc tiến đầu tư vào một số ngành công nghiệp có tiềm năng, thế mạnh của tỉnh như chế biến nông, lâm sản, thực phẩm, năng lượng tái tạo, gia công, chế biến gắn với hoạt động xuất, nhập khẩu; ưu tiên phát triển ở các khâu ứng dụng công nghệ cao, tiết kiệm nhằm tạo ra giá trị gia tăng cao gắn với các quy trình sản xuất thông minh, tự động hóa. Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, ứng dụng thành tựu KHCN vào sản xuất, ứng dụng công nghệ, thiết bị tiên tiến, đảm bảo hoạt động sản xuất đạt chất lượng, hiệu quả.

Thực tế cho thấy, mặc dù lĩnh vực sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế nhưng với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, sự vào cuộc của các ngành chức năng cũng như mỗi doanh nghiệp, HTX trong việc thực hiện các giải pháp để thúc đẩy sản xuất, tin rằng, ngành công nghiệp Lạng Sơn sẽ dần khởi sắc, góp phần vào sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.

KIM CHI

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/kinh-te/623910-ho-tro-ung-dung-khoa-hoc-cong-nghe-vao-san-xuat-nang-gia-tri-nganh-cong-nghiep.html