Hòa Bình đề xuất giải pháp gì để phát triển cụm công nghiệp?

Đánh giá cao văn bản pháp luật mới ban hành về phát triển cụm công nghiệp, tuy nhiên lãnh đạo UBND tỉnh Hòa Bình đề nghị cần sớm có văn bản hướng dẫn.

Theo ông Quách Tất Liêm - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình, những tháng đầu năm 2024, chung bối cảnh của cả nước, sản xuất công nghiệp của Hòa Bình gặp nhiều khó khăn, đã ảnh hưởng đến thu ngân sách của địa phương.

6 tháng đầu năm chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm ước đạt 33.150 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt kết quả tích cực. Giá trị xuất khẩu ước đạt 969.607 triệu USD, tăng 26,48% so với cùng kỳ năm trước; nhập khẩu ước đạt 684,165 triệu USD, tăng 17,42% so với cùng kỳ năm trước.

Ông Quách Tất Liêm – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình

Ông Quách Tất Liêm – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình

Lãnh đạo UBND tỉnh Hòa Bình cũng cho hay, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định "phát triển kết cấu hạ tầng" là một trong những nhiệm vụ đột phá chiến lược để phấn đấu đưa tỉnh Hòa Bình "đến năm 2030 là tỉnh phát triển thuộc nhóm dẫn đầu trong khu vực Trung du và Miền núi phía Bắc". Trong đó đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 diện tích đất các khu, cụm công nghiệp chiếm khoảng 1% diện tích đất tự nhiên của tỉnh.

Để thực hiện được mục tiêu trên, Hòa Bình đã chủ động xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh, bao gồm: Nghị quyết số 67/2017/NQ-HĐND về Chương trình hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hòa Bình; Quyết định số 191/QĐ-UBND về việc kiện toàn Hội đồng đánh giá lựa chọn chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hòa Bình…

Những quy định, chính sách trên đã tạo ra hành lang pháp lý thống nhất quản lý cũng như thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp và đầu tư sản xuất trong các cụm.

Đặc biệt, theo quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hòa Bình quy hoạch 38 cụm công nghiệp với tổng diện tích 2.209,03 ha trong đó có 17 cụm đã có trong quy hoạch trước (9 cụm công nghiệp giữ nguyên diện tích, 7 cụm công nghiệp mở rộng diện tích, 1 cụm công nghiệp giảm diện tích) và 21 cụm công nghiệp bổ sung mới.

Hiện, 15/21 cụm công nghiệp đã được UBND tỉnh quyết định thành lập với diện tích là 705,05 ha, tổng vốn đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp được phê duyệt là 5.394,529 tỷ đồng.

Trong đó, có 11 cụm công nghiệp do doanh nghiệp làm chủ đầu tư hạ tầng với tổng diện tích đất là 580,415 ha; thu hút đầu tư 40 dự án thứ cấp đầu tư sản xuất kinh doanh với tổng diện tích đã cho thuê là 91,12 ha; tổng số vốn đăng ký khoảng 3.600 tỷ đồng.

Theo ông Quách Tất Liêm, việc triển khai xây dựng các cụm công nghiệp đã đáp ứng được yêu cầu phát triển, tạo ra môi trường về mặt bằng để thu hút các nhà đầu tư hạ tầng, các doanh nghiệp sản xuất trong và ngoài địa phương, góp phần làm tăng năng lực sản xuất, đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện công nghiệp hóa công nghiệp nông thôn.

Xây dựng nhà máy trong cụm công nghiệp Tiên Tiến, thành phố Hòa Bình. Ảnh ĐH

Xây dựng nhà máy trong cụm công nghiệp Tiên Tiến, thành phố Hòa Bình. Ảnh ĐH

Dù vậy, trong quá trình triển khai công tác phát triển và quản lý cụm công nghiệp Hòa Bình vẫn gặp một số vướng mắc. Trong đó, công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, thu hồi đất, tái định cư còn gặp nhiều khó khăn, diện tích đất cụm công nghiệp đã được giải phóng mặt bằng mới chiếm 23,69%.

Thời gian để nhà đầu tư hoàn thành các thủ tục như đất đai, xây dựng, môi trường… sau khi được UBND tỉnh quyết định giao chủ đầu tư để tiến hành xây dựng kéo dài làm ảnh hưởng đến công tác thu hút các doanh nghiệp thứ cấp đầu tư hoạt động sản xuất trong cụm công nghiệp.

Hầu hết các cụm công nghiệp không có quy hoạch khu tái định cư cho người dân khi bị thu hồi đất phục vụ phát triển công nghiệp, không có quy hoạch hạ tầng xã hội.

Lãnh đạo UBND tỉnh Hòa Bình cũng nhấn mạnh, Nghị định số 32/NĐ-CP về Quản lý, phát triển cụm công nghiệp sẽ giúp tháo gỡ một phần quan trọng những vướng mắc trên. Do đó, ông cũng đề nghị Bộ Công Thương sớn ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định, giúp địa phương chủ động trong thu hút đầu tư, phát triển cụm công nghiệp.

Ngoài ra, lãnh đạo UBND tỉnh Hòa Bình cũng đề nghị, các cấp tăng cường công tác rà soát các quy định của pháp luật về đất đai; chính sách đất đai; chính sách về đền bù giải phóng mặt bằng; giá thuê đất… để đảm bảo tính thống nhất, phù hợp với thực tiễn; nghiên cứu, đề xuất bổ sung một số cơ chế, chính sách, giải pháp và tổ chức thực hiện có hiệu quả hơn trong công tác bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng tại các cụm công nghiệp…

Tiếp tục rà soát điều chỉnh, điều chỉnh quy hoạch chi tiết các cụm công nghiệp đáp ứng yêu cầu xây dựng phát triển và thu hút đầu tư; bố trí quỹ đất xây dựng khu tái định cư, khu nhà ở công nhân, nhà văn hóa, nhà trẻ và các công trình phụ trợ đảm bảo phục vụ nhu cầu thiết yếu cho công nhân trong các cụm công nghiệp; tăng cường quy chế phối hợp quản lý nhà nước; quản lý chặt chẽ quy hoạch các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Nâng cao năng lực và đổi mới, đa dạng các hình thức, hoạt động xúc tiến đầu tư theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào ngành, lĩnh vực phù hợp với tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Chủ động, trực tiếp tiếp xúc với doanh nghiệp, nhà đầu tư để kêu gọi thu hút đầu tư vào địa bàn; tiếp tục kêu gọi các nhà đầu tư chiến lược, có tiềm lực kinh tế trong và ngoài nước đến khảo sát, tìm hiểu cơ hội đầu tư các dự án có quy mô lớn, công nghệ tiên tiến, sử dụng tiết kiệm tài nguyên, thân thiện với môi trường, qua đó tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về số lượng, chất lượng, hiệu quả đầu tư.

Hải Linh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/hoa-binh-de-xuat-giai-phap-gi-de-phat-trien-cum-cong-nghiep-321145.html