Hòa Bình đồng bộ các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông

Sở Giao thông Vận tải tỉnh Hòa Bình đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, kiềm chế tai nạn giao thông. Qua đó, tình hình trật tự an toàn giao thông giai đoạn 2021 - 2023 đạt được những kết quả tích cực.

Tập trung nâng cao chất lượng hạ tầng giao thông

Thời gian qua, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Hòa Bình đã bám sát sự chỉ đạo của Bộ Giao thông Vận tải, Tỉnh ủy, UBND tỉnh; đồng thời, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương nỗ lực triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Chất lượng kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư, chất lượng công trình xây dựng bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật; công tác kiểm soát tải trọng được tăng cường. Qua đó, kéo giảm tình trạng phương tiện quá khổ, quá tải lưu hành trên địa bàn. Tình hình tai nạn giao thông qua các năm được kiềm chế.

Đoàn khảo sát của Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình làm việc tại Trung tâm Kiểm định xe cơ giới tỉnh. Ảnh: N. Hường

Đoàn khảo sát của Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình làm việc tại Trung tâm Kiểm định xe cơ giới tỉnh. Ảnh: N. Hường

Nhằm tiếp nhận, xử lý kịp thời các thông tin về tình hình trật tự an toàn giao thông do người dân cung cấp, Sở Giao thông Vận tải tỉnh đã công khai số điện thoại đường dây "nóng" tại các tuyến đường, các bến xe, các phương tiện vận tải khách và duy trì 24/24h nhằm tiếp nhận thông tin tình hình trật tự an toàn giao thông. Sở cũng ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, chấn chỉnh công tác đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ tới các cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch lái xe để kịp thời thực hiện các quy định mới, nâng cao hơn nữa chất lượng công tác đào tạo, sát hạch…

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020 - 2025, tỉnh đã và đang tranh thủ các nguồn ngân sách và hỗ trợ từ Trung ương, phát huy nội lực địa phương đầu tư các công trình trọng điểm như: đầu tư hoàn chỉnh (giai đoạn 2) đường cao tốc Hòa Lạc - TP. Hòa Bình; đường cao tốc TP. Hòa Bình - Mộc Châu; đường nối TP. Hòa Bình - Kim Bôi; đường 433; đường 450; đường 436...

Đến nay, một số dự án công trình giao thông đã hoàn thành đưa vào sử dụng như: Cầu Trắng (TP. Hòa Bình); Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới và trung tâm đào tạo lái xe mô tô hạng A1 (giai đoạn 1); Đường kết nối từ QL.6 vào đường Chi Lăng - TP. Hòa Bình và cầu Hòa Bình 2. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện một số dự án công trình giao thông khác do Sở làm chủ đầu tư như: đường nối từ đường Trần Hưng Đạo đến xã Dân Chủ kết nối với QL.6 và cải tạo nâng cấp ĐT.436 đoạn Km0 - Km7, cầu Chum Km35+045, ĐT.436 và dự án Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới và Trung tâm Đào tạo lái xe mô tô hạng A1 (giai đoạn 2).

Đối với dự án đầu tư hoàn chỉnh (giai đoạn 2) đường cao tốc Hòa Lạc - TP. Hòa Bình, Sở đã phối hợp tham mưu cho UBND tỉnh đề nghị, Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Hòa Bình là cơ quan có thẩm quyền đối với Dự án Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6 đoạn Xuân Mai - Hòa Bình và Dự án đường Hòa Lạc - Hòa Bình (Dự án giai đoạn I theo hình thức BOT); giai đoạn II mở rộng đường Hòa Lạc - Hòa Bình hoàn chỉnh cao tốc theo hình thức PPP theo nội dung đã được Thủ tướng Chính phủ thống nhất giao cho tỉnh Hòa Bình tại Thông báo số 18/TB-VPCP ngày 25.1.2021 của Văn phòng Chính phủ. Đến nay, tại Công văn số 395/TTg-CN ngày 12.5.2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã có ý kiến chấp thuận với các nội dung đề xuất của UBND tỉnh Hòa Bình.

Kiến nghị khắc phục bất cập trong các băn bản quy phạm pháp luật

Trên địa bàn tỉnh Hòa Bình hiện có 6 tuyến đường quốc lộ, 21 tuyến đường tỉnh; 75 tuyến đường huyện; 113 tuyến đường đô thị và khoảng 9.000 đường giao thông nông thôn. Tỉnh cũng có 2 tuyến sông có khả năng khai thác vận tải thủy nội địa là sông Đà và sông Bôi; 3 cảng, 15 bến thủy nội địa và 3 bến khách ngang qua sông đạt tiêu chuẩn. Kinh phí thực hiện công tác quản lý, bảo trì các tuyến quốc lộ, đường tỉnh được ưu tiên đầu tư. Từ 1.1.2021 - 31.8.2023, tổng số tiền thực hiện công tác sửa chữa định kỳ các tuyến đường đạt trên 499 tỷ đồng.

Tuy nhiên, do địa bàn đi lại khó khăn nên cán bộ làm công tác tuyên truyền mất nhiều thời gian trong quá trình tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật. Nguồn kinh phí dành cho hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật còn hạn hẹp nên việc tổ chức chưa triển khai được thường xuyên, liên tục... Đặc biệt là những hạn chế, bất cập trong các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến giao thông đường bộ, đường thủy.

Tại buổi làm việc của Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình về việc thực hiện chính sách, pháp luật về giao thông đường bộ trên địa bàn, đại diện Sở Giao thông Vận tải tỉnh kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Giao thông đường bộ năm 2008. Trong đó, bổ sung nhóm hành vi liên quan đến việc không chấp hàng việc xử phạt hoặc lừa dối, không thành khẩn phối hợp với cơ quan chức năng xử lý vi phạm; bổ sung xe của lực lượng Thanh tra giao thông là xe ưu tiên; quy định rõ những xe được gắn logo hoặc phù hiệu thực hiện công tác ứng cứu lụt, bão, tình trạng khẩn cấp; triển khai thực hiện quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, hoạt động vận tải. Đồng thời, đề nghị Bộ Giao thông Vận tải bố trí kinh phí hoàn thành Kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ.

Ghi nhận những kiến nghị, đề xuất của ngành giao thông vận tải về những bất cập, chồng chéo trong việc thi hành chính sách, pháp luật về giao thông trên địa bàn tỉnh, Phó trưởng Đoàn chuyên trách, Phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Đặng Bích Ngọc cho biết, Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ tổng hợp đầy đủ các kiến nghị, đề xuất để gửi đến Quốc hội và cơ quan chức năng sớm nghiên cứu, tháo gỡ.

TRẦN TÂM

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/dia-phuong/hoa-binh-dong-bo-cac-giai-phap-bao-dam-trat-tu-an-toan-giao-thong-i346121/