Hòa giải viên chia sẻ kinh nghiệm trong công tác hòa giải
Sau 30 năm trong quân ngũ, trở về cuộc sống đời thường ở phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội, cựu chiến binh Quách Ngọc Phong đã tích cực tham gia xây dựng địa phương. Hiện, ông là Bí thư Chi bộ 7, Đảng bộ phường Phú Thượng kiêm Tổ trưởng tổ hòa giải số 7 thuộc tổ dân phố số 7, là một hòa giải viên có nhiều đóng góp tích cực cho công tác hòa giải trên địa bàn quận Tây Hồ.
Ông Quách Ngọc Phong chia sẻ, trong cuộc sống, rất khó tránh khỏi những va chạm, mâu thuẫn, tranh chấp giữa các thành viên trong gia đình và trong cộng đồng dân cư. Những mâu thuẫn, tranh chấp này nếu không giải quyết kịp thời thì từ mâu thuẫn nhỏ sẽ thành mâu thuẫn lớn, từ tranh chấp dân sự thuần túy có thể chuyển thành vụ án hình sự, gây mất đoàn kết trong nội bộ Nhân dân, ảnh hưởng lớn tới an ninh trật tự ở cơ sở.
“Tôi cho rằng, hoạt động hòa giải là cách thức tốt đẹp được lựa chọn để giải quyết xích mích giữa các cá nhân, gia đình trong cộng đồng dân cư, góp phần phát huy giá trị tốt đẹp trong văn hóa dân tộc, tăng cường tình làng, nghĩa xóm. Hoạt động hòa giải có hiệu quả sẽ góp phần cho công tác dân vận của Đảng, giảm bớt vụ việc mâu thuẫn trong cộng đồng dân cư, giảm bớt số vụ việc dân sự khiếu kiện hành chính, tranh chấp, xét xử tại tòa án; giảm bớt gánh nặng cho chính quyền cơ sở, tăng cường tình cảm, sự chia sẻ giúp đỡ lẫn nhau; mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho Nhân dân, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, ông Phong nói.
Xuất phát từ những đặc điểm lịch sử, truyền thống, tâm lý, hòa giải được xem là phương án trước hết và tối ưu để giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp trong nội bộ Nhân dân. Vì thế hòa giải ở cơ sở là một hoạt động mang tính xã hội tự nguyện, tự quản, đã trở thành đạo lý truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta.
Tại tổ dân phố số 7, phường Phú Thượng hoạt động hòa giải ở cơ sở trong những năm qua đã nhận được sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền, sự chỉ đạo, hướng dẫn trực tiếp của cơ quan tư pháp, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên. Đặc biệt là sự tham gia đầy đủ, nhiệt tình và trách nhiệm của các hòa giải viên qua các năm để góp phần hàn gắn những rạn nứt, xóa bỏ những mâu thuẫn, vun đắp sự hòa thuận trong từng gia đình, cộng đồng dân cư.
Trong thời gian qua, Tổ hòa giải số 7 đã hòa giải thành công nhiều vụ việc, chủ yếu là tranh chấp đất đai và xích mích, mâu thuẫn gia đình. Đặc biệt có vụ tranh chấp đất đai đã có đơn ra chính quyền, nhiều lần hòa giải không thành, khi tổ hòa giải của ông Phong tiếp nhận hồ sơ từ cơ quan tư pháp phường giao lại, tiến hành hòa giải và đã hòa giải thành công. Đơn được rút, tình cảm gia đình được hàn gắn…
Ông Quách Ngọc Phong cho biết: “Thông qua các vụ hòa giải tôi mới thấy được sự phức tạp và khó khăn của hòa giải viên khi hòa giải một vụ việc nào đấy. Bởi trong công tác hòa giải, không phải lúc nào mình cũng đưa những điều đã học hoặc áp dụng Luật Hòa giải mà thành công, thực tế đã chứng minh có những vụ tưởng không thể thành công thì lại bắt đầu bằng những điều đơn giản.
Chúng tôi cho rằng, hòa giải xuất phát từ sự hiểu biết pháp luật, sự chân thành và biết vận dụng sáng tạo tình cảm vào công tác hòa giải thì sẽ dẫn đến thành công. Bởi mục tiêu cao nhất và cuối cùng của công tác hòa giải là nhằm hóa giải các tranh chấp, giữ gìn, bảo vệ mối đoàn kết trong cộng đồng dân cư”.
Nhờ vậy, công tác hòa giải đã khẳng định được vị trí, vai trò và hiệu quả của mình ở tổ dân phố, góp phần giữ gìn đoàn kết trong Nhân dân, củng cố, phát huy những tình cảm và đạo lý truyền thống tốt đẹp trong gia đình và cộng đồng, phòng ngừa, hạn chế vi phạm pháp luật, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội.
“Trong 10 năm qua tổ dân phố số 7 luôn là tổ văn hóa, không có điểm nóng về trật tự an ninh, bà con sống đoàn kết gắn bó, tình làng nghĩa xóm được cùng cố, không có các vụ việc khiếu kiện tụ tập đông người, các chủ trương chính sách của đảng, pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương được thực hiện nghiêm cũng là nhờ làm tốt công tác hòa giải ở cơ sở”, ông Quách Ngọc Phong nhấn mạnh.