Họa sĩ Thu Trần: Nếu chỉ là hội họa giá vẽ sẽ không thỏa mãn niềm đam mê của tôi

Họa sĩ Thu Trần ví chị như con tằm cần mẫn trên cánh đồng nghệ thuật, cánh đồng ấy mỗi ngày một phì nhiêu bởi sức sáng tạo bền bỉ của chị để tạo ra một không gian nghệ thuật của riêng mình. Với chị, nếu chỉ là hội họa giá vẽ sẽ không thỏa niềm đam mê, chị ham muốn thực hiện những thứ bay bổng trong sự kết nối với thời trang nghệ thuật, sắp đặt địa hình...

- Sau triển lãm sắp đặt “Tiếng gọi” gây ấn tượng tại Tuần lễ Sáng tạo Hà Nội ở nhà ga xe lửa Gia Lâm, họa sĩ Thu Trần tiếp tục Nam tiến bằng một sắp đặt về lụa mang tên “Tằm”. Chị có thể chia sẻ về triển lãm mới của mình?

Họa sĩ Thu Trần.

Họa sĩ Thu Trần.

+ Sau “Tiếng gọi” tôi cũng có nhiều dự án của riêng mình và lần này tôi háo hức mang tơ lụa của mình tới Sài Gòn. Ngàn vạn đời nay là thế “Con tằm vẫn kiếp con tằm… giăng tơ” nhưng có ai hiểu được muôn ngàn sợi tơ ấy đã vươn tới nhiều chiều không gian trong đời sống của con người, đặc biệt trong tinh thần nghệ thuật của nhiều nghệ sĩ trên thế giới.

Trải qua những cuộc thử nghiệm trên sợi tơ tằm, một miền miên viễn ở những triển lãm sắp đặt thực địa, sắp đặt hội họa trong triển lãm cá nhân... tôi mong muốn mang tới thành phố Hồ Chí Minh một “Tằm” vẫn là “Tằm” và trên những sợi tơ vàng óng kia, sợi tơ nói hộ tinh thần nghệ thuật của tôi qua sự trải nghiệm... về “Tằm”.

Tằm sẽ là sợi dây kết nối giữa câu chuyện truyền thống và hiện đại, là câu chuyện nghệ thuật đương đại, soi rọi những thước đo giá trị văn hóa từ muôn đời... hình ảnh người phụ nữ ươm tơ dệt vải, đến sợi dây kết nối văn hóa tri thức của con đường tơ lụa trên biển, trên sa mạc tới những cuộc chiến tranh về tơ lụa khắp thế giới…

Với chất liệu và không gian mới nhưng nhỏ hơn “Tiếng gọi” và tôi như hoàn thiện những cụm tơ lụa của mình trong một thời gian rất ngắn, cần nhanh và hiệu quả. Mượn hình bóng của tác phẩm “Trở về” đã thực hiện trên núi Chiềng Đi – Vân Hồ, Sơn La năm 2021, để tìm lại ý niệm của cá nhân mình, mong tạo ra một nhận diện “Tằm” mới trong người đàn bà của “Chinh phụ ngâm”... một điều gì đó khắc khoải bên những ngàn dâu xanh ngắt... nơi biết bao người đàn bà Việt đợi chờ, hy vọng vào những chiều không gian huyền hoặc phía xa xa ấy.

- Thực tế không phải đến bây giờ mà ngay từ triển lãm “Giăng tơ” 2019 ở Hội An, chị đã bắt đầu câu chuyện với tơ, với tằm. Nó như sợi dây kết nối tình yêu với cội nguồn dân tộc của chị ngày một rõ hơn?

+ Có thể nói về tơ tằm như nói về tình yêu với quê hương như ruộng lúa, nương dâu… những hình ảnh đó gắn liền với tâm thức người Việt. Tôi là người con đất Việt, tôi yêu chúng từ khi nào tôi không rõ nữa. Đi dọc dài đất nước với biết bao làng nghề truyền thống đang bị mai một… Sợi tơ rất đắt và công sức để làm ra tơ, đũi rất khó khăn, nhọc nhằn. Nước ta hiện nay chỉ còn mấy cơ sở sản xuất như nhà máy dệt lụa tại Bảo Lộc - Lâm Đồng, Nha Xá, Vạn Phúc và các cơ sở vừa vừa như làng Nam Cao, Thái Bình, công ty tơ tằm Mỹ Đức, Hà Nội…

Tôi vẫn mong thấy câu chuyện tơ lụa được phát triển tươi đẹp hơn. Làng nghề thủ công được phát triển trở lại. Tôi thấy lòng mình nhói đau và khát khao trong tôi về với cội nguồn dân tộc mỗi ngày một rõ hơn, con đường tơ lụa chính là con đường để đi tới sự phát triển cho biết bao ước mơ.

- Vì sao chị lựa chọn các chất liệu vải, tơ tằm trong hành trình sáng tạo nghệ thuật của mình?

+ Tôi rất sợ vẽ lụa, đó là cảm giác ban đầu khi đi học đại học và cao học, tôi biết mình không hợp với việc vẽ lụa nên tôi không bao giờ quan tâm tới lụa. Nhưng duyên hay số phận bám vào đầu tôi về tơ lụa lúc nào không hay, là những mảnh vải ban đầu vẽ cho khách, nhưng trong đầu tôi cứ nghĩ tới vẽ tranh, mãi thế người ta rất khó chịu với việc tôi áp chế họ theo cách vẽ của tôi trên lụa, rồi họ cũng chấp nhận dần dần, và trong vườn của tôi đã chắp cánh cho tôi tình yêu với lụa.

Lối vẽ mạnh mẽ của tôi trong lụa lại gợi cho tôi biết bao chân trời trong sáng tạo của mình. Nếu chỉ là hội họa, giá vẽ sẽ không thỏa niềm đam mê của tôi, tôi ham muốn thực hiện những thứ bay bổng, khát vọng trong những câu chuyện trình diễn thời trang nghệ thuật, sắp đặt tại địa hình… Chính khu vườn khế đầy nắng gió, mưa bão ấy cho tôi không gian mới liên tục, nên câu chuyện lụa biến thành chủ đề chính trong hành trình sáng tạo của tôi. Cũng chính những miền sáng tạo mới ấy lại cho tôi biết tìm về đặt câu hỏi thế nào là phong cách cá nhân, thế nào là bản sắc dân tộc, thế nào là phương Đông, thế nào là con đường tơ lụa.

Mãi mãi một miền không ra khỏi guồng tơ, từ miền ngược, trở về xuôi, từ trên rừng xuống dưới biển, tôi đã lăn lộn như vậy để tìm hiểu câu chuyện thú vị cùng hành trình tơ lụa với bà con các vùng miền nơi tôi đến.

Một góc triển lãm của họa sĩ Thu Trần.

Một góc triển lãm của họa sĩ Thu Trần.

- Họa sĩ Vũ Đình Tuấn nhận xét rằng: “Chị đã tìm thấy niềm hạnh phúc trong sáng tạo, với ước nguyện nhận phước báu từ thiên nhiên để chuyển hóa, và trả về tự nhiên những giá trị nhân văn”. Còn chị thì sao?

+ Tôi ư? Điều đầu tiên tôi tìm thấy là sự bình an trong tâm hồn mình, tôi biết yêu nghệ thuật và yêu thương con người. Bạn hãy thử hỏi mình xem, mình có bao giờ biết ước mơ những điều cao đẹp không, biết thế nào là cống hiến không, cao hơn nữa là hoài bão và có lý tưởng để làm những điều lớn lao không? Tôi biết những đứa trẻ ở nơi nào đó cần có những san sẻ, cần giúp chúng ước mơ, cần biết yêu thương, người già neo đơn, không nơi nương tựa cần giúp đỡ. Tôi biết con đường nghệ thuật sẽ dẫn tôi đến những nơi đó để mang lại những niềm vui bé nhỏ cho ai đó, đó là hạnh phúc.

- Các tác phẩm của chị có sự kết nối mạnh mẽ với mẹ Thiên nhiên. Phải chăng, việc sinh ra và lớn lên ở núi rừng Sơn La đã có ảnh hưởng đến thế giới sáng tạo của chị?

+ Tôi không sinh ra ở rừng, nhưng tôi lớn lên từ rừng, với tôi rừng chính là đất mẹ thiêng liêng vô cùng! Rừng đã cạn kiệt, trông chờ vào những thế hệ tiếp theo ư, chính chúng ta hãy làm việc đó để rừng trở lại.

Chứng kiến dòng sông Đà cạn kiệt có thể lội qua sông vào mùa khô, suy nghĩ logic về khí hậu dịch chuyển vạn vật đổi thay, đó cũng là thứ tác động mạnh mẽ đến tôi. Ký ức về rừng nguyên sinh, tươi đẹp, bốn mùa giao hòa, khiến tôi được tiếp thêm nguồn năng lượng. Tôi nhớ những bà mẹ, những cô gái trồng bông dệt vải trong ký ức, đó là những hình ảnh làm hành trang cho tôi trong quá trình sáng tạo.

Tằm như đưa thông điệp tới tâm hồn chúng ta: “ ... hãy sống thật tốt đẹp hơn, nương náu vào mẹ trái đất, yêu dòng nước ngọt mát lành, hãy làm cho trái đất xanh hơn, nhắc nhở chúng ta về bầu không khí đang dịch chuyển dần, rằng trái đất đang nóng dần lên và chúng ta sẽ đi đâu, nương tựa nơi đâu, nếu không còn bầu thiên nhiên kia nữa!".

Tằm sinh ra sợi tơ kỳ diệu mềm mại mà muôn vàn tinh túy... là sợi dây thiên nhiên bền chắc, nhắc nhở chúng ta hãy sống hòa thuận với thiên nhiên, với mẹ tạo hóa.

- Xuất hiện không sớm nhưng chị liên tục trình làng các dự án từ năm 2017 đến nay, cho thấy sức sáng tạo bền bỉ và đầy năng lượng của chị. Tên các triển lãm của chị có vẻ nhẹ nhàng, là “Thu”, là “Trở về”, “Giăng tơ” nhưng ngắm cách chị vẽ, tôi cảm nhận thấy sự mạnh mẽ, quyết liệt? Có sự đối lập nào đó trong chị chăng?

+ Tôi vẫn tâm niệm rằng khi con gái tôi vào đại học tôi mới tham gia hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp, nên từ năm 2014 đến nay tôi lao vào vẽ như điên. Tôi sợ già không còn năng lượng sáng tạo như khi còn trẻ, nên tôi đã làm gấp gáp, lúc nào cũng trong tình trạng tăng tốc. Nhiều khi tôi sợ chính tôi.

Nhưng có một điều tôi biết những thứ làm nên sự bền bỉ trong hành trình thực hành nghệ thuật của tôi là do những năm tháng tích lũy kiến thức từ nhỏ, từ cái hiệu sách trong thị trấn nhỏ ấy, những cuốn sách cha mua cho tôi đọc. Quá trình thực hành tìm ra thế giới bên ngoài rồi quay trở lại với chính mình là một quá trình không hề đơn giản, tôi phải dồn hết sức lực của mình mới mong tìm được rõ ngọn nguồn tâm thức của trái tim mình với nghệ thuật đến đâu.

Những điều chất chứa trong cá nhân lại là những điều đơn giản nhất và cũng là khó khăn nhất, nếu tôi không thực hành nghệ thuật, thì những khối chất chứa ấy sẽ tan vào đâu?

- Cảm ơn cuộc trò chuyện của chị.

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/doi-song-van-hoa/hoa-si-thu-tran-neu-chi-la-hoi-hoa-gia-ve-se-khong-thoa-man-niem-dam-me-cua-toi-i731477/