Hoạt động tình báo của phụ nữ trong nội chiến Hoa Kỳ

Trong cuộc nội chiến Hoa Kỳ (1861-1865), nhiều phụ nữ tích cực tham gia hoạt động xã hội - gây quỹ cho quân đội, may quần áo cho binh lính, giải phóng nô lệ và... làm tình báo. Trong hoạt động tình báo, phụ nữ đóng vai trò cực kỳ quan trọng, trước hết vì họ ít bị nghi ngờ.

Trong thời đại của các “quý ông”, nam giới chỉ nhìn thấy ở phụ nữ những con người sành điệu, thông minh, quyến rũ, nhưng ít có khả năng lừa dối. Và nhiều nữ điệp viên đã khôn khéo lợi dụng tình cảm đó.

Lợi thế của các nữ điệp viên

Hóa ra, trong Nội chiến Hoa Kỳ, có rất nhiều phụ nữ hoạt động tình báo cho cả Liên minh miền Nam lẫn Liên bang miền Bắc. Nhiều người đã để lại dấu ấn đáng chú ý trong lịch sử tình báo. Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi chỉ xin giới thiệu hai gương mặt “tương phản” nhất: Belle Boyd, một phụ nữ quý tộc làm việc cho Liên minh miền Nam và Harriet Tubman, một phụ nữ da đen làm việc cho Liên bang miền Bắc.

Nữ điệp viên Belle Boyd.

Tham gia hoạt động tình báo ở cả hai phe là những phụ nữ thuộc mọi tầng lớp và lứa tuổi trong xã hội - từ các nữ quý tộc đến con gái của những công nhân và nông dân bình thường chạy trốn bố mẹ để tìm kiếm sự phiêu lưu. Một số điệp viên là những người giác ngộ về tư tưởng, số khác xây dựng mạng lưới tình báo của riêng mình, số thứ ba được các Cơ quan Tình báo Liên bang hoặc Liên minh chủ động tuyển mộ. Nhiều người giấu tên thật, nhưng cũng có nhiều người hoạt động công khai. Hơn nữa, một số phụ nữ thậm chí còn lớn tiếng tuyên bố quan điểm của mình, thường đối lập với chế độ được thiết lập tại khu vực hoạt động của họ.

Nhưng ngay cả những phụ nữ công khai tuyên bố về tư tưởng của mình cũng thường làm việc thận trọng đến mức không phải ai cũng bị phát hiện làm gián điệp. Bởi thật khó nghi ngờ một phụ nữ dễ thương - một nữ y tá, ca sĩ, và thậm chí một nữ nô lệ da đen… có tư tưởng thù địch. Trong số những người cung cấp thông tin cho các cơ quan tình báo cũng có những phụ nữ lẳng lơ. Ban lãnh đạo của cả hai Cơ quan Tình báo đều thừa nhận rằng thông tin giá trị nhất được cung cấp bởi những cô gái phục vụ các sĩ quan và quan chức cao cấp. Nhiều “khách hàng” cao cấp vốn hay bép xép, và đơn giản là không thể giữ mồm giữ miệng “trong lúc cao hứng”, họ kể với bạn tình của mình về những bí mật quốc gia và các chiến dịch quân sự quan trọng đã được hoạch định.

Vì vậy, phụ nữ thuộc các tầng lớp xã hội khác nhau thường khai thác được những thông tin có giá trị hơn nhiều so với nam giới. Đồng thời, họ ít mạo hiểm mạng sống của mình hơn: nếu một điệp viên nam bị phát hiện vào thời đó thường bị treo cổ, thì trong suốt cuộc chiến tranh, không một nữ điệp viên nào bị xử tử. Hình phạt lớn nhất đối với các nữ điệp viên bị bắt thường là bỏ tù hoặc trục xuất khỏi đất nước.

Nữ điệp viên Harriet Tubman.

Nữ điệp viên Belle Boyd

Ví dụ điển hình nhất về thái độ khoan dung của những kẻ phản đối phụ nữ làm tình báo là câu chuyện về nữ điệp viên trẻ người miền Nam Belle Boyd. Ngay từ đầu cuộc chiến, cô gái 17 tuổi này đã công khai thể hiện thái độ của mình với Liên bang miền Bắc - cô bắn chết một người lính Liên bang vì đã xúc phạm mẹ cô và đe dọa sẽ lục soát nhà họ. Belle bị đưa ra tòa vì tội giết người; tuy nhiên, cô được xử trắng án vì lý do bảo vệ danh dự của mình và danh dự của gia đình, và vụ giết người được cho là vô ý. Tin vào sự miễn tội của mình, ngay lập tức Belle bắt đầu tham gia hoạt động gián điệp.

Qua những người hầu của mình, Belle liên lạc với sĩ quan tình báo miền Nam, Đại tá Turner Ashby, người đã dạy cô cách viết mật mã và khuyên cô giấu thông tin trong tóc cho an toàn. Sử dụng sự quyến rũ nữ tính của mình, Belle làm quen với viên tướng Liên bang miền Bắc James Shields. Mặc dù biết rất rõ thái độ đáng ngờ của cô gái đối với miền Bắc, trong các cuộc đàm đạo, các sĩ quan miền Bắc thường xuyên tiết lộ bí mật quân sự cho cô, ngay lập tức Belle mã hóa thông tin và chuyển cho người miền Nam.

Mùa xuân năm 1862, khi quân đội miền Nam của Tướng Thomas Jackson tiến vào thung lũng Shenandoah, rất gần thành phố của cô, Belle đã đích thân đến địa điểm đóng quân và chuyển cho bộ chỉ huy tất cả những thông tin mà cô có được lúc bấy giờ.

Vì vậy, không có gì ngạc nhiên là ngay sau khi Belle về nhà, lính quân cảnh đã ập đến vây bắt cô. Bị buộc tội làm gián điệp, Belle lại bị đưa ra xét xử, nhưng chỉ bị quản thúc tại gia: người phản biện xã hội thường xuyên của cô, Tướng James Shields, đã đứng lên bênh vực Belle. Ông nói rằng việc buộc tội Belle Boyd làm gián điệp quả là ngu ngốc; bằng hành động ngoại giao của mình, cô gái đã thể hiện tư tưởng yêu hòa bình và mong muốn hòa giải hai phe...

Để “cảm ơn sự bênh vực”, Belle bướng bỉnh tiếp tục hoạt động gián điệp của mình, ngay cả khi bị quản thúc tại gia, vẫn như xưa cô lợi dụng tính ba hoa và ngây thơ của “người bảo trợ” James Shields và các sĩ quan khác để thu thập thông tin. Và cô lại bị bắt: một điệp viên miền Nam được cử đến lấy thông tin của cô hóa ra là điệp viên hai mang - thực chất, anh ta là nhân viên của Cơ quan Tình báo miền Bắc.

Đại tá Turner Ashby.

Belle lại vào tù với tội danh làm gián điệp; bây giờ đích thân Lafayette Baker, người đứng đầu Cơ quan Tình báo Liên bang miền Bắc, thẩm vấn cô. Bằng chứng về hoạt động gián điệp đã rõ ràng. Nếu là đàn ông chắc chắn cô đã bị treo cổ; tuy nhiên, Belle chỉ bị ngồi tù, và tháng 8/1862, cô được trả về miền Nam để trao đổi với điệp viên miền Bắc Hattie Lawton, bị quân miền Nam bắt giữ. Tại Richmond, thủ phủ của tiểu bang Virginia, người ta đã lập hàng rào danh dự để đón cô, còn dàn nhạc thành phố đã chơi một bản dạ khúc...

Nhưng ngay cả sau khi bị trục xuất về miền Nam, Belle vẫn không yên lòng: ẩn dưới một cái tên khác, cô trở lại miền Bắc để tiếp tục làm gián điệp cho Liên minh miền Nam! Tháng 6/1863, cô lại bị phát hiện và bị bắt. Và một lần nữa: thay vì chui vào dây thòng lọng, cô chỉ bị tù; tuy nhiên, một thời gian sau, cô được trả tự do hoàn toàn vì bệnh tật! Năm 1864, Belle kết hôn với Sam Harding, một sĩ quan hải quân giải ngũ. Cặp vợ chồng mới cưới chuyển đến Anh, và tại đây, hoạt động gián điệp của cô gái ưa phiêu lưu nhiều lần bị phát hiện, nhưng chưa bao giờ bị treo cổ, cuối cùng cũng chấm dứt...

“Sự cao thượng” của các quý ông thời bấy giờ đã nhiều lần cứu Belle Boyd thoát chết vì hoạt động gián điệp. Tuy nhiên, sẽ không quá lời khi nói rằng không một “sự cao thượng” nào có thể cứu người đối lập của cô, nữ điệp viên miền Bắc người da đen Harriet Tubman thoát giá treo cổ trong trường hợp cô bị bắt giữ.

Tướng James Shields.

Nữ điệp viên Harriet Tubman

Là nô tỳ của chủ đồn điền Edward Broadus ở Maryland. Năm 24 tuổi, Harriet Ross kết hôn với John Tubman, một người da đen tự do (trở thành Harriet Tubman), nhưng đồng thời cô vẫn là tài sản của chủ nhân. Lo sợ sớm muộn gì chủ đồn điền cũng sẽ bán mình cho người khác, Harriet rủ chồng bỏ trốn ra Bắc; thế nhưng, John không đồng ý, thậm chí còn dọa mách với ông chủ. Vì vậy, tháng 9/1849, Harriet bỏ đi một mình.

Khi đang làm người giúp việc ở Pennsylvania, Harriet tham gia phong trào bãi nô với mục tiêu giải phóng nô lệ, và gia nhập hội kín “Đường sắt ngầm”. Hội này chuyên tổ chức các cuộc chạy trốn của nô lệ da đen từ các bang miền Nam ra các bang miền Bắc và Canada.

Mạo hiểm với tự do của mình và có thể cả mạng sống, Harriet bắt đầu tổ chức những chuyến đi về miền Nam để đưa những người thân của mình chạy trốn ra miền Bắc. Tổng cộng, trước khi bắt đầu cuộc Nội chiến, Harriet Tubman đã đưa hơn 300 nô lệ ra miền Bắc! Tức giận vì thiệt hại, các chủ đồn điền yêu cầu chính phủ bắt giữ Harriet, hứa thưởng hàng chục nghìn USD cho kẻ nào bắt được cô; tuy nhiên, Harriet đã kịp trốn thoát cho đến khi kết thúc hoạt động bí mật của mình.

Người đứng đầu Cơ quan Tình báo Liên bang miền Bắc Lafeyette Baker.

Khi Nội chiến bắt đầu, Harriet Tubman ngay lập tức tình nguyện gia nhập quân đội miền Bắc. Lúc đầu, cô làm y tá: Thế kỷ XIX “cao quý” quả là không thể hình dung rằng phụ nữ lại tham gia chiến tranh, nhưng sau đó Harriet đã thuyết phục ban chỉ huy rằng cô biết rõ địa hình và những con đường bí mật từ thời tham gia hội “Đường sắt ngầm”, nên có thể mang lại nhiều lợi ích hơn khi được do thám trong trại địch.

Thế là Tubman trở thành nữ tình báo quân đội và thường xuyên đi vào hậu phương của người miền Nam. Làn da đen của cô khiến những người lính da trắng tỏ ra khinh thường, họ coi cô chỉ là một người hầu. Còn những người nô lệ da đen thì tin tưởng cô đến mức họ đã cung cấp cho Harriet rất nhiều thông tin về quân số và địa điểm đồn trú của quân đội miền Nam, cũng như về trang bị vũ khí, công sự và tâm trạng của những người nô lệ da đen đang phục vụ quân đội miền Nam.

Nhờ những thông tin đó, năm 1863, Harriet Tubman đã tổ chức được một cuộc đột kích vào phía sau phòng tuyến của kẻ thù: vượt qua sông Combuy, quân Liên bang do Harriet chỉ huy đã giải phóng hơn 700 nô lệ da đen bị người miền Nam tuyển mộ để phục vụ quân đội và đưa họ vượt sông tới vị trí của đơn vị mình. Sau đó, khoảng 500 người da đen được trả tự do đã tự nguyện gia nhập quân đội Liên bang miền Bắc.

Trong quân đội miền Bắc, Harriet mang biệt danh "Tướng Tubman". Ngay cả các sĩ quan da trắng cũng kính trọng cô. Họ cho rằng Tubman “là đại diện xuất sắc nhất của chủng tộc mình. Cô không biết đọc biết viết, nhưng có tài chỉ huy và hoàn thành mọi nhiệm vụ với sự tính toán lạnh lùng, tầm nhìn xa, sự kiên nhẫn và sáng suốt, điều mà ngay cả những người da trắng cũng mơ ước”.

Thật tiếc, về sau, lời khen ngợi này thậm chí cũng không giúp cô được công nhận là cựu chiến binh. Người phụ nữ lớn tuổi đã đóng vai trò quan trọng trong công cuộc giải phóng nô lệ và cả thời kỳ Nội chiến đã bị từ chối nhận lương hưu dành cho cựu chiến binh. Chỉ vào năm 77 tuổi, Harriet mới bắt đầu được hưởng tiền trợ cấp; nhưng không phải vì công lao của bà, mà với tư cách góa phụ của người chồng đã khuất, cũng là một cựu chiến binh trong cuộc chiến đó...

Kim Thanh Hằng

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/ho-so-mat/hoat-dong-tinh-bao-cua-phu-nu-trong-noi-chien-hoa-ky-i730673/