Học ngành Kỹ thuật môi trường, sinh viên được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ

Nhu cầu nhân lực ngành Kỹ thuật môi trường có trình độ chuyên môn cao, chuyên nghiệp, thậm chí là sinh viên mới tốt nghiệp hiện nay là rất lớn.

Với cơ hội việc làm đa dạng cùng sự quan tâm từ Nhà nước, mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, ngành Kỹ thuật môi trường đang dần nhận được sự quan tâm nhiều hơn của xã hội.

Đào tạo kỹ sư môi trường là rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Vân Hà - Trưởng khoa Môi trường (Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh) nhận định, chức năng của Kỹ thuật môi trường bao gồm nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ; khảo sát, thiết kế, thi công và vận hành hệ thống xử lý chất thải; quản lý môi trường và an toàn của các dự án; thương mại các thiết bị kiểm soát môi trường; và thực thi các quy định và quy chuẩn môi trường.

Sinh viên ngành Kỹ thuật môi trường Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh trong tiết học tham quan thực tế (Ảnh: NTCC).

Có thể thấy rằng, kỹ thuật môi trường có vai trò rất quan trọng trong việc phát triển các quy trình và cơ sở hạ tầng hệ thống loại bỏ chất thải, kiểm soát tất cả các loại ô nhiễm như nước, không khí, đất, tiếng ồn và nhiệt, … từ các nguồn thải và trong môi trường; tái tạo lại các thành phần môi trường và đảm bảo năm chức năng chính của môi trường (gồm cung cấp vật chất, nơi cư trú, nơi tái sản xuất, cung cấp thông tin và lưu trữ xử lý chất thải) và ngăn ngừa, ứng phó và khắc phục các sự cố môi trường.

Đây là một nghề chuyên nghiệp và cao quý với mục tiêu bảo vệ sức khỏe con người, phòng ngừa ô nhiễm và suy thoái tài nguyên nước, không khí và đất, góp phần hướng tới sự phát triển bền vững. Và ngành học Kỹ thuật môi trường là đào tạo ra các kỹ sư môi trường để thực hiện những nhiệm vụ trên.

“Trong câu hỏi nhập môn ngành Kỹ thuật môi trường, chúng tôi thường hỏi sinh viên là “Hãy hình dung nếu trên thế giới này không có các kỹ sư môi trường thì sẽ như thế nào?”. Và câu trả lời ngắn gọn là “Hành tinh sẽ rất ô nhiễm, môi trường sẽ suy thoái, các rủi ro và sự cố môi trường tăng và chất lượng cuộc sống ngày càng xấu đi”. Qua đó cho thấy, chức năng và mức độ cần thiết của những kỹ sư môi trường”, Phó Giáo sư Hà chia sẻ.

Cô Hà cho hay, hiện nay, nhu cầu nhân lực ngành Kỹ thuật môi trường trên thị trường lao động rất cao, đặc biệt là nhân sự có trình độ chuyên môn cao, chuyên nghiệp, thậm chí là sinh viên mới tốt nghiệp.

Ngoài vai trò của nhân lực ngành Kỹ thuật môi trường cần thiết trong việc giải quyết các vấn đề môi trường như loại bỏ chất thải, kiểm soát các chất ô nhiễm, theo Điều 53 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã nêu rõ quy định về bảo vệ môi trường các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có xả thải khí và nước thải lưu lượng lớn phải bố trí nhân sự phụ trách về bảo vệ môi trường được đào tạo chuyên ngành môi trường. Vì vậy nhu cầu tuyển dụng của xã hội đối với tình hình thực tế hiện nay là rất lớn.

Ngoài ra, cũng theo Luật Bảo vệ môi trường 2020, các chính sách ưu đãi và hỗ trợ phát triển kinh tế môi trường cụ thể như: ưu đãi hỗ trợ bảo vệ môi trường (Điều 141), phát triển kinh tế tuần hoàn (Điều 142), công nghiệp môi trường (Điều 143), sản phẩm dịch vụ thân thiện môi trường (Điều 145), hay mua sắm xanh (Điều 146); cam kết của Chính phủ ở COP26 về phát thải ròng bằng không; các chính sách về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, chiến lược tăng trưởng xanh...sẽ tạo điều kiện cho nhu cầu nhân lực ngành Kỹ thuật môi trường tăng vọt trở lại với các ưu đãi mức lương hấp dẫn và cơ hội việc làm đa dạng phong phú sau khi tốt nghiệp.

Mỗi năm, số sinh viên sau khi tốt nghiệp ngành Kỹ thuật môi trường của Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh có việc làm đúng ngành đào tạo thường chiếm khoảng hơn 85%.

Không những vậy, cơ hội làm việc của sinh viên sau khi tốt nghiệp ngành Kỹ thuật môi trường cũng đa dạng và có nhiều cơ hội phát triển.

Theo đó, sau khi tốt nghiệp, người học có thể làm các công việc khảo sát, tư vấn, thiết kế, thi công, vận hành, giám sát, cải tạo các công trình xử lý chất thải (nước thải, khí thải, chất thải rắn) hay tại các công trình cung cấp và tái tạo các thành phần môi trường (nước, không khí, đất, sinh vật) và khắc phục sự cố môi trường;

Ngoài ra, các em có thể làm giám sát/quản lý/thiết kế các công trình xử lý, dự án về tiết kiệm năng lượng/năng lượng tái tạo hoặc biến chất thải thành năng lượng; khởi nghiệp các doanh nghiệp tư vấn hoặc chuyển giao công nghệ bảo vệ môi trường, công ty xử lý chất thải...

Cụ thể, những vị trí việc làm của người học sau khi tốt nghiệp ngành học này có thể kể đến như kỹ sư môi trường; Chuyên gia kiểm soát tuân thủ môi trường; Chuyên viên tư vấn trong nước và quốc tế; Cảnh sát Môi trường (cần đào tạo thêm về nghiệp vụ công an); Chuyên viên môi trường tại các đơn vị trong và ngoài Nhà nước; Chuyên viên sales dự án/ thiết bị / các sản phẩm phục vụ công tác bảo vệ môi trường; Chuyên gia Mô hình hóa; Chuyên viên phụ trách sức khỏe - môi trường tại các doanh nghiệp; Chuyên viên nghiên cứu, giảng dạy về môi trường tại các viện, trường đại học, doanh nghiệp .

Ngoài ra, sinh viên tốt nghiệp ngành Kỹ thuật môi trường có rất nhiều cơ hội nhận học bổng đi du học tại các nước phát triển. Tiềm năng phát triển cho các vị trí làm việc và cơ hội thăng tiến trong ngành Kỹ thuật môi trường là rất lớn nếu ứng viên làm việc lâu, tích lũy kinh nghiệm và đáp ứng các kỹ năng mềm về ngoại ngữ, kỹ năng tin học văn phòng và các phần mềm chuyên dụng (AutoCad, Revit, Mô hình hóa, …).

Cần có đòn bẩy để gia tăng nhân lực chất lượng cao học tập và hoạt động trong ngành Kỹ thuật môi trường

Dù nguồn nhân lực kỹ sư môi trường có tầm quan trọng và cần thiết như vậy, thế nhưng, theo cô Hà, những năm gần đây, việc tuyển sinh ngành Kỹ thuật môi trường của trường lại thấp so chỉ tiêu tuyển sinh, số lượng người học dự tuyển ngành cũng giảm so với giai đoạn trước đây.

Cô Hà thông tin, nguyên nhân của việc khó tuyển sinh ngành học Kỹ thuật môi trường chủ yếu là do cộng đồng chưa thực sự hiểu vai trò, tầm quan trọng của ngành; hơn nữa, trên thực tế, chế độ đãi ngộ của nhân sự ngành này cũng chưa được tốt.

Ảnh minh họa: nguồn website Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh).

Không những vậy, do quan điểm nhìn nhận trước đây, ngành Kỹ thuật Môi trường vẫn bị đánh giá là một ngành “khổ” khi phần lớn công việc phải tiếp xúc với môi trường “bẩn”; “độc hại” gây nên định kiến khi quyết định lựa chọn ngành học đối với học sinh. Trong một doanh nghiệp, bộ phận phụ trách môi trường cũng thường bị xem nhẹ hơn bộ phận kinh doanh sản xuất vì quan điểm “bảo vệ môi trường không sinh lợi nhuận” hoặc né tránh trách nhiệm bảo vệ môi trường.

Tuy nhiên, với xu hướng các vấn đề môi trường toàn cầu đang diễn ra mạnh như biến đổi khí hậu, nóng lên toàn cầu, giảm phát thải CO2, …, ngành Kỹ thuật môi trường đang dần được nhìn nhận tích cực hơn; tự bản thân ngành đang phát triển mạnh mẽ hướng tới ngành công nghiệp môi trường đã tạo được “lợi nhuận”, “lợi ích” và góp phần giải quyết các vấn đề khủng hoảng môi trường toàn cầu.

Bên cạnh đó, sự quyết tâm phát triển kinh tế môi trường của Chính phủ Việt Nam và các chính sách hỗ trợ ưu đãi bảo vệ môi trường; các cam kết quốc tế của chính phủ về bảo vệ môi trường là động lực thay đổi quan điểm xã hội về Kỹ sư môi trường.

Và để thúc đẩy được vấn đề này phát triển mạnh mẽ hơn nữa, rất cần thiết có sự quan tâm của các ban, ngành có liên quan nhằm có chiến lược truyền thông rộng rãi hơn nữa để tuyên truyền các vấn đề về môi trường trọng điểm cho xã hội.

Từ đó, giúp xã hội và cộng đồng hiểu rõ tầm quan trọng của các vấn đề môi trường có ảnh hưởng trực tiếp đến từng cá nhân và toàn thể cộng đồng, nhân loại; tăng cường được sự đồng thuận và hỗ trợ từ xã hội và cộng đồng. Điều này cũng là đòn bẩy để thu hút nhân lực – đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao - học tập và hoạt động trong ngành Kỹ thuật môi trường.

Cũng theo cô Hà, là đơn vị trực thuộc Bộ tài nguyên và Môi trường với chức năng nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực tài nguyên và môi trường chất lượng cao cho xã hội; xếp hạng 64 trong bảng xếp hạng các trường đại học tại Việt Nam năm 2022, có ưu thế cạnh tranh trong tuyển sinh ngành Kỹ thuật môi trường so với các trường đại học khác đào tạo cùng lĩnh vực, song Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh cũng chịu nhiều áp lực từ quan điểm ngành nghề của xã hội.

Có nhiều chính sách đặc biệt hỗ trợ cho người học

Về công tác đào tạo, cô Hà cho biết, hiệnNhà trường đã đạt được chứng nhận kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục, công nhận 7 ngành đào tạo của trường đã đạt chất lượng của Bộ Giáo dục đào tạo. Trong đó, ngành Kỹ thuật môi trường là ngành đầu tiên được công nhận.

Năm 2018, Nhà trường đã mở đào tạo thạc sĩ đối với ngành học này, đến nay đã có hơn 6 khóa đào tạo và dự kiến mở chương trình đào tạo tiến sĩ Kỹ thuật môi trường vào cuối năm nay, tuyển sinh năm 2024.

Có thể thấy rằng, các chương trình đào tạo ngành Kỹ thuật môi trường của Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh không chỉ đảm bảo cung cấp cho sinh viên những kiến thức cơ sở và chuyên ngành mà còn rèn luyện kỹ năng đạo đức nghề nghiệp, xây dựng thái độ tự chủ và chịu trách nhiệm với tinh thần học tập suốt đời.

Bên cạnh đó, Nhà trường luôn định kỳ thực hiện khảo sát, thu thập các thông tin cần thiết và quan trọng liên quan đến nhu cầu của xã hội, của ngành nghề, của đơn vị sử dụng nhân lực và của chính người học đối với khối kiến thức và kỹ năng mà chương trình đào tạo của ngành Kỹ thuật môi trường; ghi nhận ý kiến phản hồi từ các bên liên quan như người học, cựu sinh viên, doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức phi chính phủ, các doanh nghiệp, các chuyên gia có uy tín của ngành trong nước và quốc tế đều được tiếp thu để rà soát, hiệu chỉnh và cập nhập chương trình đào tạo liên tục.

Trong lần cập nhật mới gần nhất, Nhà trường đã tăng các học phần thực hành/thực tập nhằm tăng cơ hội rèn luyện thực tế cho người học; bổ sung các học phần mới nhằm cập nhập các vấn đề thực tế cần thiết cho người học và tăng cường phối hợp với Doanh nghiệp ở các chương trình thực tập sinh...

Không những vậy, Nhà trường còn tăng cường cải tạo cơ sở vật chất hiện hữu để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của chương trình đào tạo, đồng thời, Trường đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường đầu tư xây dựng cơ sở mới rộng rãi, khang trang phục vụ cho công tác đào tạo trong tình hình mới;

Nhiều đề tài nghiên cứu khoa học và dự án sự nghiệp bảo vệ môi trường do Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Khoa học và Công nghệ giao cho Nhà trường đã hỗ trợ nhà trường chuyển hướng sang phát triển công nghiệp môi trường, tiếp cận các xu hướng công nghệ mới hiện đại như công nghệ xanh, công nghệ tiết kiệm năng lượng và cắt giảm rác thải cacbon, mở ngành đào tạo mới liên quan.

Hơn nữa, Nhà trường còn có nhiều chính sách hỗ trợ sinh viên của trường như chính sách miễn giảm học phí cho các sinh viên thuộc đối tượng được miễn giảm, cấp học bổng cho các sinh viên đạt điểm khá giỏi trong các học kỳ trong suốt quá trình học, tạo nhiều sân chơi bổ ích cho sinh viên như Hội thi Tương lai xanh của khoa Môi trường đã gây được tiếng vang lớn tại Thành phố Hồ Chí Minh; cung cấp cơ hội cho sinh viên tham gia trao đổi sinh viên tại các trường đại học lớn trên thế giới như tại Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan,...; thường xuyên tổ chức ngày hội việc làm tại trường nhằm tăng cơ hội cho sinh viên tiếp xúc với các doanh nghiệp, tạo thuận lợi tìm kiếm việc làm phù hợp sau khi tốt nghiệp.

Ngoài ra, nhà trường còn cấp kinh phí tăng cường nghiên cứu khoa học, đặc biệt nghiên cứu khoa học cấp sinh viên; đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu chuyển đổi công nghệ trong đào tạo; mở rộng mạng lưới hợp tác đào tạo các trường đại học; thông qua mạng lưới cựu sinh viên để đảm bảo việc làm cho sinh viên mới tốt nghiệp; đồng thời nâng tầm và vị trí xếp hạng trường trong các trường đại học trong và ngoài nước.

Theo chia sẻ từ em Thùy Trang, hiện đang sinh viên ngành Kỹ thuật Môi Trường (Trường Đại học Tài nguyên Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, sau 3 năm theo học tại trường, em đã được trang bị đầy đủ những kỹ thuật thực hành về nghề nghiệp như kỹ thuật tái chế và cách xử lý các nguồn tài nguyên đang bị ô nhiễm; kỹ thuật thiết kế, thi công bảo vệ, vận hành công trình xử lý nước cấp, nước thải, khí thải cũng như các kỹ năng về dự báo, phát hiện những vấn đề môi trường đã và đang xảy ra.

Thùy Trang nói thêm, tất cả kiến thức mà em tiếp nhận từ các môn học đều là lần đầu và mới mẻ, thế nhưng nhờ những phương pháp giảng dạy, truyền đạt và phân bố làm việc nhóm của các thầy cô giảng viên trong khoa đã giúp cho việc tiếp thu kiến thức mới đối với em trở nên dễ dàng và thú vị hơn.

Hơn nữa, không chỉ mỗi giờ học trên lớp, các thầy cô trong khoa còn luôn dành thời gian để hỗ trợ các vấn đề mà sinh viên thắc mắc sau giờ học.

Bên cạnh đó, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh cũng luôn tạo điều kiện cho sinh viên toàn trường nói chung và sinh viên ngành Kỹ thuật môi trường nói riêng được trải nghiệm tham quan thực tế tại các công ty; tham gia các triễn lãm cũng như các vấn đề liên quan đến ngành môi trường để các bạn được học hỏi thêm những kiến thức áp dụng cho công việc sau này.

Tường San

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/hoc-nganh-ky-thuat-moi-truong-sinh-vien-duoc-huong-nhieu-chinh-sach-ho-tro-post242745.gd