Học sinh vào rạp xem phim 18+: Trách nhiệm của ai?

Các cơ quan đang làm rõ chuyện học sinh xem phim 18+ đối với phim Mai.

Mặc dù đã có quy định về việc đảm bảo tuổi vào xem phim đúng như dán nhãn, tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng việc này vẫn chủ yếu dựa trên ý thức của khán giả và của các cụm rạp.

Xử lý người đứng đầu rạp nếu có sai phạm

Trước đó, ghi nhận của các cơ quan báo chí cho thấy nhiều khán giả dưới 18 tuổi vẫn “vô tư” vào rạp xem phim Mai của Trấn Thành. Đây là phim dán nhãn phim 18+ (T18 - dành cho khán giả từ 18 tuổi trở lên). Chuyện này không chỉ diễn ra với phim Mai.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Lê Thanh Liêm, Chánh Thanh tra Bộ VH-TT&DL, cho biết việc kiểm tra, đôn đốc các rạp chiếu phim phải làm đúng quy định, đảm bảo tuổi vào xem phim đúng như dán nhãn là việc làm thường xuyên.

“Nếu các rạp không làm nghiêm ngặt, khi kiểm tra nếu phát hiện sai phạm, chúng tôi sẽ xử lý. Việc này được ghi cụ thể ở quy định phổ biến phim trong rạp chiếu phim, phổ biến phim trên không gian mạng. Người đứng đầu rạp chiếu phim sẽ chịu trách nhiệm trong việc kiểm soát độ tuổi của người xem phim” - chánh thanh tra Bộ VH-TT&DL nói.

Ông Liêm cũng cho biết Thanh tra bộ đã chỉ đạo Thanh tra Sở VH&TT TP.HCM kiểm tra việc báo chí phản ánh.

 Khán giả mua vé xem phim Mai tại một rạp trên đường Trần Quang Khải (quận 1, TP.HCM) vào chiều 22-2. Ảnh: VĂN HÀ

Khán giả mua vé xem phim Mai tại một rạp trên đường Trần Quang Khải (quận 1, TP.HCM) vào chiều 22-2. Ảnh: VĂN HÀ

Giải thích thêm về vấn đề này, luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng luật sư Tinh Thông Luật (Đoàn Luật sư TP.HCM), cho biết: Thông tư 05/2023/TT-BVHTTDL quy định sáu mức phân loại phim, được xếp từ thấp đến cao.

Loại T18 như nhãn dán của Mai là phim được phổ biến đến người xem từ đủ 18 tuổi trở lên. Việc hiển thị mức phân loại phim phải bảo đảm cung cấp được thông tin về mức phân loại phim và nội dung cảnh báo trong khoảng thời gian đủ để người xem tiếp nhận thông tin.

Đối với phim được phổ biến trong rạp chiếu phim; tại trụ sở cơ quan ngoại giao, cơ sở văn hóa nước ngoài được thành lập tại Việt Nam; phim được phổ biến trên các phương tiện công cộng và các phương tiện nghe nhìn khác, phải hiển thị nội dung cảnh báo bằng chữ viết hoặc lời nói trước khi bắt đầu phổ biến phim. Vị trí hiển thị cảnh báo ngay sát phía dưới biểu tượng mức phân loại phim.

“Kiểm tra người vào xem phim thì chỉ có cách chính xác nhất là kiểm tra CMND hoặc CCCD thì mới biết chính xác độ tuổi. Ngoài ra thường đánh giá vào khuôn mặt, vóc dáng của người xem, tuy nhiên cách đánh giá này chỉ là cảm tính, thường chỉ khi có nghi ngờ nhân viên soát vé mới kiểm tra.” Nhà báo VIỆT VĂN, thành viên Hội đồng Trung ương thẩm định và phân loại phim truyện

“Về chế tài xử phạt, trước đây Nghị định 38/2021 quy định phạt tiền 30-40 triệu đồng đối với hành vi phổ biến phim cho khán giả không đúng độ tuổi theo quy định hoặc để khán giả không đúng với độ tuổi theo quy định vào rạp xem phim (theo điểm c khoản 4 Điều 8).

Tuy nhiên, hiện nay mức phạt này đã được nâng lên. Theo Nghị định 128/2022 thì hành vi không bảo đảm người xem phim đúng độ tuổi theo phân loại phim bị phạt 60-80 triệu đồng (theo điểm c khoản 5 Điều 10)” - luật sư Diệp Năng Bình nói.

Kiểm tra bằng cách nào?

Xoay quanh vấn đề này, nhà báo Việt Văn, thành viên Hội đồng Trung ương thẩm định và phân loại phim truyện (hay còn được gọi là hội đồng duyệt phim), cho rằng việc đánh giá người xem có đúng độ tuổi xem phim hay không phải kiểm tra CMND/CCCD.

Cũng với quan điểm này, chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long nói: Thực tế giới trẻ ngày nay (học sinh, lứa tuổi vị thành niên) phát triển rất nhanh. Cho nên các quy định về độ tuổi của khán giả xem phim bị “lỗi thời” so với sự phát triển của xã hội hiện tại.

“Tôi nghĩ với các phim dán nhãn 18+ ngoài rạp có nội dung còn khá nhẹ nhàng so với những thứ mà các bạn trẻ tiếp cận hằng ngày trên mạng. Cho nên một bộ phim được ra rạp nghĩa là đã được dành cho số đông rồi, cho dù có gắn mác 18+ hay không đi nữa” - ông Nguyễn Ngọc Long đưa quan điểm.

Ông Long cũng cho rằng việc các rạp phim lơ là trong khâu kiểm duyệt độ tuổi của khách hàng bắt nguồn cả yếu tố khách quan và chủ quan.

Xét về mặt khách quan, rất khó để bắt 100% khách hàng phải trình giấy tờ tùy thân trước khi vào rạp xem phim, bởi vì như vậy sẽ làm “phiền” khách hàng khi mà số lượng người xem phim trên 18 tuổi nhiều hơn số người dưới 18 tuổi.

Tuy nhiên, nhiều phụ huynh cho rằng đã có quy định về độ tuổi xem phim thì buộc các rạp phim phải thực hiện dựa trên giấy tờ tùy thân. Nếu rạp nào không thực hiện theo thì chế tài. “Tôi không thể yên tâm nếu con gái lớp 10 của tôi lén gia đình đi xem phim Mai” - chị Nhất Nguyên, một phụ huynh, cho biết.

Các rạp phim không phản hồi

Chúng tôi đã liên lạc với đại diện các cụm rạp Lotte và Galaxy để hỏi về vấn đề kiểm soát người vào xem phim theo độ tuổi nhưng các đơn vị đều không có phản hồi. Riêng CGV phía Nam cho biết việc này thì lên fanpage của đơn vị để tìm hiểu quy định và không trả lời gì thêm. Theo tìm hiểu của chúng tôi, các rạp chiếu phim của CGV có dán thông báo: Quý khách hàng xem phim được phân loại T13, T16, T18 vui lòng mang theo giấy tờ tùy thân có ảnh nhận diện và ngày tháng năm sinh để đảm bảo việc tuân thủ theo quy định. CGV Việt Nam có quyền yêu cầu khách hàng xuất trình giấy khai sinh, CCCD, thẻ học sinh, thẻ sinh viên, giấy phép lái xe hoặc các giấy tờ tùy thân khác để xác định độ tuổi quý của khách hàng. Ban quản lý cụm rạp chiếu phim CGV Cinemas có quyền kiểm tra và từ chối khách hàng nếu không đúng quy định về độ tuổi.

V.THỊNH - V.HÀ

VIẾT THỊNH

Nguồn PLO: https://plo.vn/hoc-sinh-vao-rap-xem-phim-18-trach-nhiem-cua-ai-post777209.html