Hỏi-Đáp pháp luật: Việc hòa giải trong phòng, chống bạo lực gia đình được quy định như thế nào?

Bạn đọc Lê Thị Vân Khánh ở xã Sông Ray, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai, hỏi: Việc hòa giải trong phòng, chống bạo lực gia đình được quy định như thế nào?

Trả lời: Vấn đề bạn hỏi được quy định tại Điều 17 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình. Cụ thể như sau:

1. Hòa giải trong phòng, chống bạo lực gia đình là việc người tiến hành hòa giải hướng dẫn các bên tự nguyện giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp giữa các thành viên gia đình để không làm phát sinh, tái diễn hành vi bạo lực gia đình.

Hòa giải trong phòng, chống bạo lực gia đình không thay thế biện pháp xử lý người có hành vi bạo lực gia đình.

2. Việc hòa giải trong phòng, chống bạo lực gia đình phải bảo đảm các nguyên tắc sau đây:

a) Chủ động, kịp thời, kiên trì;

b) Tôn trọng sự tự nguyện của các bên và an toàn của người bị bạo lực gia đình;

c) Khách quan, bình đẳng, có lý, có tình, phù hợp với quy định của pháp luật và truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam;

d) Bảo đảm bí mật thông tin về đời sống riêng tư của các thành viên gia đình được hòa giải;

đ) Tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của người khác; không xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng.

* Bạn đọc Trần Xuân Minh ở xã Hùng Tiến, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình, hỏi: Đề nghị tòa soạn cho biết, pháp luật quy định như thế nào về trình tự gia hạn giấy phép lao động (GPLĐ) đối với lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam?

Trả lời: Nội dung bạn hỏi được quy định tại Điều 18 Nghị định số 152/2020/NĐ-CP ngày 30-12-2020 của Chính phủ quy định về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam và tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam. Cụ thể như sau:

1. Trước ít nhất 5 ngày nhưng không quá 45 ngày trước ngày GPLĐ hết hạn, người sử dụng lao động phải nộp hồ sơ đề nghị gia hạn GPLĐ cho Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội hoặc Sở Lao động-Thương binh và xã hội đã cấp GPLĐ đó.

2. Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đề nghị gia hạn GPLĐ, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội hoặc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội gia hạn GPLĐ. Trường hợp không gia hạn GPLĐ thì có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.

3. Đối với người lao động nước ngoài thực hiện hợp đồng lao động (HĐLĐ), sau khi người lao động nước ngoài được gia hạn GPLĐ thì người sử dụng lao động và người lao động nước ngoài phải ký kết HĐLĐ bằng văn bản theo quy định của pháp luật lao động Việt Nam trước ngày dự kiến tiếp tục làm việc cho người sử dụng lao động.

Người sử dụng lao động phải gửi HĐLĐ đã ký kết theo yêu cầu tới cơ quan có thẩm quyền đã gia hạn GPLĐ đó. HĐLĐ là bản gốc hoặc bản sao có chứng thực.

QĐND

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Bạn đọc xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ban-doc/thu-ban-doc/hoi-dap-phap-luat-viec-hoa-giai-trong-phong-chong-bao-luc-gia-dinh-duoc-quy-dinh-nhu-the-nao-753681