Hội họa đánh thức tình yêu di sản

Các tác phẩm tham dự cuộc thi vẽ tranh 'Di sản văn hóa Việt Nam qua hội họa' lần thứ I cho thấy tình yêu họa sĩ dành cho những giá trị di sản văn hóa Việt Nam qua rất nhiều thế kỷ.

Từ kho tàng văn hóa đặc sắc

Chia sẻ về bộ tác phẩm Nghìn xưa lưu dấu giành giải Nhất cuộc thi vẽ tranh "Di sản văn hóa Việt Nam qua hội họa" lần thứ I - năm 2023, tác giả Lê Thị Thanh, Khoa Thiết kế Mỹ thuật, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, cho biết bộ tác phẩm gồm một số hình tượng được in rập tại vườn bia Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Tác phẩm "Nghìn xưa lưu dấu" của tác giả Lê Thị Thanh

Tác phẩm "Nghìn xưa lưu dấu" của tác giả Lê Thị Thanh

Các bản khắc cao su hình ảnh di sản tượng và phù điêu tiêu biểu của Việt Nam nói chung và hiện vật tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám nói riêng như rồng đá, voi đá, tượng đá cổng Thái Học, bút lông bằng đá… kết hợp với nghệ thuật in độc bản thủy ấn, gợi cảm giác về sự huyền bí, xa xưa.

Bố cục tranh được cấu trúc như cách sắp gạch để xây một bức tường, ý nói đây là bức tường di sản, là nền móng tạo nên các giá trị thẩm mỹ của người Việt đương đại. Bộ tranh hiển thị các tín hiệu tạo hình mà cổ nhân để lại trong tinh thần của tác phẩm nghệ thuật.

Còn với tác phẩm Rồng (giải Khuyến khích), tác giả Phạm Xuân Trung cho biết rồng là một trong những biểu tượng quen thuộc trong cuộc sống người Việt. Tác phẩm được anh lấy ý tưởng từ cột đá chạm rồng, tạc bằng đá cát từ thời Lý, nằm trong di tích chùa Dạm, Bắc Ninh.

Ở đây, hình ảnh rồng Việt Nam được khắc họa với sự gần gũi, chi tiết, mang đặc trưng văn hóa Việt Nam. Theo đó, rồng ngẩng cao đầu, miệng há to ngậm ngọc, mép trên không có mũi và được kéo dài ra như một chiếc vòi với độ mềm mại uốn lượn, vươn cao.

Tác phẩm "Rồng" (giải Khuyến khích) của tác giả Phạm Xuân Trung

Tác phẩm "Rồng" (giải Khuyến khích) của tác giả Phạm Xuân Trung

Còn ý tưởng của tác giả trẻ Tử Mộc Trà xuất phát từ truyền thống văn hóa dân tộc thiêu số Việt Nam. Tác phẩm Sợi vàng (giải Khuyến khích) hình thành từ những chuyến đi vùng Tây Bắc - nơi tác giả đã bị mê hoặc bởi màu sắc, đường nét và kỹ thuật dùng sáp ong, những nét vẽ chi tiết trên vải lanh.

"Thông qua tác phẩm của mình, tôi giới thiệu tới công chúng về vải lanh cũng như truyền thống dệt vải của người Mông. Tôi mong rằng xã hội dù phát triển đến đâu chăng nữa, con người ngày càng hội nhập nhưng nét văn hóa đặc trưng của mỗi dân tộc sẽ không bao giờ mai một", tác giả Tử Mộc Trà chia sẻ.

Lan tỏa trách nhiệm đối với di sản

Phát biểu tại Lễ trao giải và triển lãm Cuộc thi vẽ tranh "Di sản văn hóa Việt Nam qua hội họa" lần thứ I - năm 2023, PGS. TS Đỗ Văn Trụ, Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, Trưởng ban chỉ đạo cuộc thi nhận định, di sản văn hóa Việt Nam là tài sản quý giá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, là nguồn lực quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, là cơ sở để xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Thông qua hội họa, các tác giả đã khắc họa nét đẹp của di sản, lan tỏa giá trị ấy đến mọi người.

Cuộc thi nhận được 839 tác phẩm của 494 tác giả từ 55 tỉnh, thành phố. 100 tác phẩm vào vòng chung khảo, 30 tác phẩm được trao giải. Những con số này đã thể hiện được mối quan tâm của các họa sĩ đối với di sản văn hóa Việt Nam, thể hiện di sản văn hóa thực sự là một đề tài hấp dẫn với giới mỹ thuật.

Các tác phẩm được thể hiện trên nhiều chất liệu, như sơn dầu, sơn mài, sơn khắc, tranh lụa, tranh in, chất liệu tổng hợp và nghệ thuật sắp đặt. Hầu hết bám sát chủ đề cuộc thi, phản ánh những nét hay, nét đẹp, nét độc đáo trong kho tàng di sản văn hóa phong phú, đa dạng của đất nước. Đó là các di sản văn hóa vật thể như đình, đền, chùa, miếu, di sản thiên nhiên; di sản văn hóa phi vật thể như nhã nhạc cung đình Huế, múa hoa đăng, ca Huế, hát chầu văn, tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt, hò khoan Lệ Thủy, tuồng, chèo, đờn ca tài tử, múa Chăm, múa rối nước, bài chòi, phong tục, tập quán, lễ hội…

Công chúng tham quan triển lãm

Công chúng tham quan triển lãm

"Trong sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc đòi hỏi phải luôn năng động, sáng tạo, đa dạng hóa các hình thức, biện pháp hoạt động, làm cho tình yêu di sản văn hóa, ý thức trách nhiệm đối với di sản văn hóa ngày càng lan tỏa, thấm sâu trong toàn xã hội. Từ đó, không chỉ đóng góp vào công cuộc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam mà còn thúc đẩy sự phát triển của mỹ thuật, hướng hội họa về đề tài di sản", PGS. TS Đỗ Văn Trụ nói.

Còn theo nhận định của Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam Lương Xuân Đoàn, cuộc thi đã đánh thức được tình yêu di sản, tình yêu văn hóa Việt Nam của mỗi họa sĩ. Đây là thành công mở đầu cho hành trình hội họa song hành, lưu giữ và phát huy giá trị di sản.

"Nghệ sĩ nhiếp ảnh trong giây khắc lưu giữ hình ảnh di tích, di sản, còn với tác giả của hội họa, ngôn ngữ nghệ thuật được thể hiện đa dạng thông qua chất liệu. Mỗi cách nhìn mang đến vẻ đẹp mới, sự phát hiện mới từ những giá trị của di tích, di sản còn lại cho đến ngày hôm nay. Các tác phẩm hiện diện trong cuộc thi còn cho thấy tình yêu họa sĩ dành cho những giá trị miên viễn của di sản văn hóa Việt Nam qua rất nhiều thế kỷ. Với thành công bước đầu này, tôi tin rằng rồi đây, chúng ta sẽ có nhiều bước tiến mới trong đề tài di sản trong hội họa", họa sĩ Lương Xuân Đoàn nhìn nhận.

Hải Đường

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/van-hoa/hoi-hoa-danh-thuc-tinh-yeu-di-san-i357665/