Hội nghị Trung ương 9 bàn một số vấn đề quan trọng

Tại Hội nghị Trung ương 9, Trung ương sẽ bàn về Đề cương các văn kiện trình Đại hội XIV của Đảng; chuẩn bị cho việc chỉ đạo tiến hành đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng và một số vấn đề quan trọng khác

Ngày 16-5, Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII (Hội nghị Trung ương 9) đã khai mạc trọng thể tại Thủ đô Hà Nội.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì, phát biểu khai mạc Hội nghị. Ảnh: Nhật Bắc

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì, phát biểu khai mạc Hội nghị. Ảnh: Nhật Bắc

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì, phát biểu khai mạc hội nghị.

Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính điều hành phiên khai mạc.

Tại Hội nghị Trung ương 9, Trung ương sẽ bàn về các nội dung: Đề cương các văn kiện trình Đại hội XIV của Đảng; chuẩn bị cho việc chỉ đạo tiến hành đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng và một số vấn đề quan trọng khác.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ theo kế hoạch, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng sẽ diễn ra vào đầu năm 2026, sau đúng một nhiệm kỳ 5 năm toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta nỗ lực phấn đấu thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030 và đất nước ta đã trải qua 40 năm đổi mới, 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước và hướng tới kỷ niệm Đảng ta tròn 100 năm thành lập.

Đây sẽ là một sự kiện chính trị trọng đại, một dấu mốc rất quan trọng trên con đường phát triển cường thịnh, trường tồn của đất nước ta, dân tộc ta; khích lệ, cổ vũ, động viên, định hướng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tự hào và tự tin dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, tiếp tục kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, phát triển nhanh, bền vững đất nước, bảo vệ vững chắc Tổ quốc, xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, dân chủ, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc; phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu đến năm 2030 khi Đảng ta tròn 100 năm tuổi và đến năm 2045 khi nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, nay là nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam tròn 100 năm thành lập.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết thời gian qua, thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII của Đảng, Tiểu ban Kinh tế-Xã hội và Tiểu ban Điều lệ Đảng đã khẩn trương, nghiêm túc chuẩn bị dự thảo Đề cương Báo cáo chính trị, Báo cáo kinh tế-xã hội, Báo cáo xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng; xin ý kiến Bộ Chính trị tiếp tục hoàn thiện để trình Trung ương xem xét, cho ý kiến tại hội nghị này.

Tổng Bí thư yêu cầu Trung ương dành thời gian nghiên cứu kỹ lưỡng các tài liệu, thảo luận, cho ý kiến đối với các đề xuất cụ thể nêu trong các Tờ trình và dự thảo Đề cương Báo cáo, trước hết là về các vấn đề: Chủ đề và phương châm của Đại hội; tiêu đề của Báo cáo chính trị, Báo cáo kinh tế-xã hội, Báo cáo xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng; kết cấu và những nội dung lớn của đề cương các báo cáo, đặc biệt là những vấn đề lớn cần được tập trung nghiên cứu làm rõ trong quá trình xây dựng các văn kiện đã được nêu trong dự thảo Đề cương chi tiết Báo cáo chính trị và Tờ trình của Tiểu ban Văn kiện.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Báo cáo xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng cần làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn của việc bổ sung, sửa đổi Điều lệ Đảng (nếu có) và xây dựng dự thảo Điều lệ mới của Đảng trình Đại hội XIV xem xét, quyết định

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Báo cáo xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng cần làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn của việc bổ sung, sửa đổi Điều lệ Đảng (nếu có) và xây dựng dự thảo Điều lệ mới của Đảng trình Đại hội XIV xem xét, quyết định

Trong quá trình thảo luận, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lưu ý cần làm rõ tính chất, mục tiêu, yêu cầu và phạm vi của mỗi báo cáo và mối quan hệ giữa các báo cáo. Báo cáo chính trị là văn kiện trung tâm của Đại hội, có nhiệm vụ tiếp tục cụ thể hóa Cương lĩnh của Đảng để lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân, toàn quân xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong nhiệm kỳ mới. Nội dung của Báo cáo chính trị phải mang tầm khái quát cao những vấn đề thuộc về quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng trên các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Về Báo cáo kinh tế-xã hội, Báo cáo xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng, cần có sự phù hợp, nhất quán với quan điểm, định hướng lớn nêu trong Báo cáo chính trị, nhưng không trùng lắp với Báo cáo chính trị. Đặc biệt là, Báo cáo xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng cần làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn của việc bổ sung, sửa đổi Điều lệ Đảng (nếu có) và xây dựng dự thảo Điều lệ mới của Đảng trình Đại hội XIV xem xét, quyết định.

Đề cương các văn kiện trình hội nghị lần này mới nêu định hướng, có tính chất mở với nhiều phương án khác nhau để Trung ương cho ý kiến chỉ đạo, lựa chọn một bước, sau đó tiếp tục nghiên cứu, chuẩn bị theo quy trình, qua các bước thảo luận tại đại hội đảng bộ các cấp, cuối cùng Trung ương sẽ quyết định để trình ra Đại hội toàn quốc của Đảng.

Riêng về kết cấu của các báo cáo thì cần được quyết định sớm ngay tại hội nghị này, để kịp hoàn thiện dự thảo đề cương và biên soạn nội dung chi tiết. Về cách viết cũng nên có sự đổi mới sao cho sinh động, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện.

Về định hướng chuẩn bị Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: Để thống nhất lãnh đạo, chỉ đạo, Bộ Chính trị cần ban hành Chỉ thị về vấn đề này.

"Đề nghị các đồng chí quan tâm thảo luận thật cụ thể về Tờ trình và dự thảo Chỉ thị, tập trung làm rõ mục đích, yêu cầu, nội dung Đại hội Đảng bộ các cấp và công tác chuẩn bị nhân sự và bầu cử cấp ủy, đặc biệt là về cơ cấu, số lượng cấp ủy tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; tỉ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số của cấp ủy tỉnh, thành phố; tiêu chuẩn, độ tuổi tham gia cấp ủy tỉnh, thành phố (về tuổi tái cử và lần đầu tham gia cấp ủy khi đã nâng tuổi nghỉ hưu lên 60 đối với nữ và 62 đối với nam); về bầu cử cấp ủy và bầu đại biểu đi dự Đại hội Đảng bộ cấp trên…" - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị.

Một lần nữa nhấn mạnh nội dung chương trình Hội nghị Trung ương 9 có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII chuẩn bị các văn kiện trình Đại hội XIV của Đảng và chỉ đạo chuẩn bị Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu Trung ương và các đại biểu tham dự hội nghị phát huy trí tuệ, tinh thần trách nhiệm, tập trung nghiên cứu, thảo luận kỹ lưỡng, cho ý kiến để hoàn thiện các báo cáo, đề án và xem xét, quyết định vào cuối kỳ họp.

Dự kiến hội nghị làm việc đến ngày 18-5.

Thế Dũng

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/hoi-nghi-trung-uong-9-ban-mot-so-van-de-quan-trong-196240516092202979.htm