Hơn 1.000 học sinh trung học tìm kiếm đam mê cùng chuyên gia

Sáng 13/5, chương trình 'Chắp cánh ước mơ' chủ đề 'Tìm hiểu và phát triển đam mê của bản thân' tổ chức tại Trường THPT Dương Văn Thì (TP Thủ Đức, TPHCM).

ThS Võ Minh Thành đặt câu hỏi cho nữ sinh Phương Anh về cách tìm kiếm đam mê của bản thân.

ThS Võ Minh Thành đặt câu hỏi cho nữ sinh Phương Anh về cách tìm kiếm đam mê của bản thân.

Chương trình "Chắp cánh ước mơ" do Sở GD&ĐT TPHCM phối hợp Báo Giáo dục Thời đại, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành tổ chức, nhằm hỗ trợ các bạn học sinh những thông tin, kiến thức cơ bản trong việc nhận diện bản thân và phát triển niềm đam mê của mình.

Tham gia ban tư vấn có ThS Võ Minh Thành, Giảng viên Trường Đại học Sư phạm TPHCM và ThS Lê Thị Hằng, Trưởng bộ môn Tâm lý, Khoa Khoa học – Giáo dục, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành.

Hành trình tìm kiếm đam mê

Việc xác định sở thích và năng lực của bản thân rất quan trọng, điều đó giúp chúng ta có thể tìm ra lĩnh vực ngành nghề, hướng đi phù hợp trong tương lai.

ThS Võ Minh Thành cho rằng, mỗi người đều có điểm mạnh và yếu khác nhau, đó là giá trị và năng lực bản thân của mỗi con người.

Giá trị của bản thân là ưu điểm, điểm mạnh vượt trội của mỗi người so với những người khác khiến mình có một cá tính riêng, dấu ấn riêng không trộn lẫn với đám đông. Mỗi người lại có giá trị khác nhau, học sinh đừng so sánh giữa mình với người khác.

Hơn 1000 học sinh Trường THPT Dương Văn Thì tham gia tìm kiếm và phát triển đam mê cùng với 2 chuyên gia.

Hơn 1000 học sinh Trường THPT Dương Văn Thì tham gia tìm kiếm và phát triển đam mê cùng với 2 chuyên gia.

Theo chuyên gia, học sinh nên tìm kiếm những khả năng mà đối phương không có, tìm môi trường phù hợp để phát huy được điểm mạnh của mình. Từ đó, khám phá bản thân để tự tin hơn. Ai cũng có thể thành công nếu bạn tìm được đam mê, khả năng và lựa chọn môi trường phù hợp.

"Khi tìm được đam mê, các bạn hãy kiên trì theo đuổi, bất chấp khó khăn, bất chấp vất vả để hành động, lưu ý phải vận dụng linh hoạt một cách tích cực. Khi xác định được mục tiêu cần lập kế hoạch, ước mơ chỉ mãi là mơ ước nếu bạn không có những điều trên", ThS Thành nhấn mạnh.

Học sinh giao lưu với ThS Lê Thị Hằng.

Học sinh giao lưu với ThS Lê Thị Hằng.

Trước khi tìm được đam mê, ThS Lê Thị Hằng cho rằng các em phải xác định được ước mơ của mình là gì, mình có thích và phù hợp hay không. Để đam mê trở thành hiện thực, người trẻ phải nỗ lực từng ngày tập luyện.

"Làm thế nào để tìm kiếm đam mê?", nữ sinh Thùy Vy cho rằng nếu bản thân không biết mình đam mê gì thì hãy thử mọi lĩnh vực để xem phù hợp với gì.

Trong khi đó, nam sinh Hoàng Lộc đưa ra 3 cách cụ thể để mình tìm kiếm đam mê. Đầu tiên nên xem điều mình thích là gì, thứ hai năng lực của mình khi làm việc, cuối cùng xác định công việc đó xã hội cần hay không.

Bổ sung vào câu trả lời, ThS Hằng chia sẻ, ngoài vấn đề xã hội, học sinh cần chú ý đến việc điều kiện gia đình có đáp ứng được yêu cầu để các em học tập và theo đuổi lâu dài với đam mê đó hay không.

"Chúng ta chọn đam mê để theo đuổi nghề nghiệp yêu thích, vì công việc sẽ theo các em suốt cuộc đời. Cho nên, hãy chọn bằng cái tâm của mình và tổng hòa các yếu tố khác để chọn nghề một cách sáng suốt nhất", ThS Hằng khuyên.

Được làm những việc mà mình yêu thích và phù hợp với năng lực sẽ giúp ta có thể cân bằng giữa công việc và cuộc sống cá nhân, tăng cường sức khỏe tinh thần và cải thiện chất lượng cuộc sống.

"Tìm hiểu được đam mê, phát triển đam mê, trở thành những người làm việc có đam mê và thành công trong công việc đam mê đó", ThS Hằng nói.

Dựa vào khí chất tìm kiếm công việc

Khi muốn tìm kiếm đam mê khoa học, ThS Hằng gợi ý học sinh nên làm các bài kiểm tra tính cách, năng lực và xác định khí chất bao gồm khí chất nóng nảy, bình thản, ưu tư và hoạt bát của bản thân.

Các chuyên gia cho rằng, khí chất là một phần của nhân cách, tính cách con người hướng nội hay hướng ngoại đều dựa vào khí chất. Trong đó, nóng nảy và hoạt bát là hướng ngoại, ưu tư và bình thản sẽ thuộc hướng nội.

ThS Lê Thị Hằng chia sẻ về việc nhận diện bản thân để tìm kiếm đam mê phù hợp cho học sinh.

ThS Lê Thị Hằng chia sẻ về việc nhận diện bản thân để tìm kiếm đam mê phù hợp cho học sinh.

Trong chương trình, nhiều học sinh đã đặt ra những câu hỏi cho các chuyên gia xoay quanh chủ đề làm thế nào để tìm kiếm công việc dựa trên đam mê của mình.

Nam sinh đặt vấn đề: "Với một người có khí chất ưu tư, và một chút nóng nảy sẽ hợp với nghề nào và làm thế nào để phát triển nghề nghiệp đó?"

Trả lời thắc mắc, ThS Thành cho biết, ưu tư và một chút nóng nảy được gọi là khí chất trung tính. Mỗi khí chất là một cơ sở tiêu chí để ta chọn nghề phù hợp.

Chuyên gia gợi ý những công việc hợp với khí chất ưu tư như công việc văn phòng, thanh tra, đào tạo, những nghề ít giao tiếp... và khi làm hãy học cách kìm chế sự nóng nảy của mình để công việc hiệu quả hơn.

ThS Lê Thị Hằng, đại diện Trường Đại học Nguyễn Tất Thành trao 5 suất học bổng cho học sinh Trường THPT Dương Văn Thì.

ThS Lê Thị Hằng, đại diện Trường Đại học Nguyễn Tất Thành trao 5 suất học bổng cho học sinh Trường THPT Dương Văn Thì.

Cô Nguyễn Thị Hà, Phó hiệu trưởng Trường THPT Dương Văn Thì tặng hoa cho các chuyên gia và Ban tổ chức chương trình.

Cô Nguyễn Thị Hà, Phó hiệu trưởng Trường THPT Dương Văn Thì tặng hoa cho các chuyên gia và Ban tổ chức chương trình.

Khi học sinh hiểu rõ được những điều trên, các chuyên gia kết luận thay vì giới hạn bản thân chỉ với một lựa chọn duy nhất và với đam mê vẫn còn đang tìm kiếm, các bạn học sinh nên có những bản kế hoạch nghề nghiệp an toàn, dự phòng và kế hoạch cho bản thân.

Điều này cũng sẽ giúp các bạn trẻ cảm thấy hứng thú và có động lực cao hơn trong việc tìm kiếm ngành nghề sắp tới.

Chương trình chắp cánh ước mơ được thực hiện từ 1/1/2024 đến 15/5/2024. Chuyên gia sẽ đến 40 trường THPT trên địa bàn để thực hiện 6 chuyên đề. Các chuyên đề bao gồm nâng cao kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp cho học sinh; tìm hiểu và phát triển đam mê của bản thân; đánh thức giấc mơ của bạn; ứng xử thông minh với mạng xã hội; thích ứng và phòng tránh bạo lực tâm lý trên mạng và kỹ năng thích ứng và học tập hiệu quả ở môi trường đại học.

Cẩm Anh

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/hon-1000-hoc-sinh-trung-hoc-tim-kiem-dam-me-cung-chuyen-gia-post683012.html