Hơn 2 ngàn tỷ đồng đầu tư nhiều hồ chứa nước

Để đảm bảo an ninh nguồn nước cấp đến năm 2030, Đồng Nai sẽ dành hơn 2 ngàn tỷ đồng để xây mới các hồ chứa có đủ nguồn nước sạch. Việc xây dựng mới các hồ chứa sẽ ưu tiên ở khu vực xa nguồn nước mặt, khan hiếm nguồn nước ngầm.

Hồ chứa nước Sông Ray tại H.Cẩm Mỹ. Ảnh: H.Lộc

Hồ chứa nước Sông Ray tại H.Cẩm Mỹ. Ảnh: H.Lộc

Đây là giải pháp để chủ động tích trữ nguồn nước cho các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội và sinh hoạt của người dân.

* Xây mới 12 hồ chứa nước

Đầu năm 2024, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 08/KH-UBND về bảo vệ và mở rộng nguồn nước mặt phục vụ cấp nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2030. Kế hoạch đặt ra các mục tiêu bảo đảm số lượng, chất lượng nước cấp cho sinh hoạt và các hoạt động kinh tế; chủ động tích trữ, điều hòa nguồn nước, giảm rủi ro và thiệt hại liên quan đến nước; cải thiện sức khỏe và chất lượng sống cho người dân nông thôn, góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới...

Đáng chú ý trong nhóm giải pháp mở rộng nguồn nước là tỉnh sẽ đầu tư xây dựng mới 12 hồ chứa nước với tổng dung tích hơn 25 triệu m3 để trữ nước vào mùa mưa và cấp nước vào mùa khô. Các hồ này dự kiến cung cấp nước sạch khoảng 67 ngàn m3/ngày với tổng vốn đầu tư hơn 2 ngàn tỷ đồng. Một số hồ chứa nước lớn sẽ được đầu tư xây dựng là: hồ Bình Sơn (H.Long Thành) dung tích hơn 5 triệu m3, hồ tại xã Xuân Quế (H.Cẩm Mỹ) dung tích 4,8 triệu m3, hồ Gia Ui 2 (H.Xuân Lộc) dung tích hơn 3,2 triệu m3…

Đồng Nai hiện có 11 hồ chứa phục vụ cấp nước sạch, dung tích 98 triệu m3, năng lực cấp nước hơn 185 ngàn m3/ngày. Dự kiến đến năm 2030 sẽ đầu tư thêm 12 hồ chứa, dung tích 25 triệu m3, năng lực cấp nước khoảng 67 ngàn m3/ngày.

Bên cạnh giải pháp đầu tư xây dựng mới, tỉnh có kế hoạch nâng cấp, nạo vét các hồ chứa hiện hữu để tăng dung tích nhằm cấp nước cho phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của người dân.

Phó giám đốc Sở Xây dựng Huỳnh Tấn Lộc chia sẻ, Đồng Nai có nguồn nước mặt dồi dào nhưng lại phân bố không đều. Cùng với đó là khai thác nước ngầm quá mức dẫn đến một số khu vực xảy ra tình trạng khan hiếm nước, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt của người dân và chỉ tiêu nâng tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước máy theo tiêu chí nông thôn mới. Việc triển khai xây dựng các hồ chứa nước là giải pháp dài hạn nhằm gia tăng nguồn nước mặt phục vụ nước tưới và sinh hoạt, chủ động ứng phó với thiên tai, hạn hán. Trong trường hợp nước sông xảy ra sự cố thì hồ chứa là nguồn trữ và cấp nước an toàn.

Chủ tịch UBND H.Cẩm Mỹ Huỳnh Tấn Thìn cho hay, địa phương hiện có tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch tập trung thấp, nguyên nhân một phần cũng vì khan hiếm nguồn nước mặt. Theo ông Thìn, hiện huyện có một số hồ chứa nước nhưng cách xa khu vực dân cư, địa hình có độ dốc cao dẫn đến việc đầu tư dự án cấp nước sạch cho người dân từ nguồn nước hồ gặp nhiều khó khăn. Việc triển khai xây dựng mới các hồ chứa nước trên địa bàn huyện có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế, an sinh xã hội và môi trường sinh thái.

* Chủ động ứng phó với nguy cơ thiếu nước

Tại Kế hoạch số 08/KH-UBND ngày 8-1-2024 về Bảo vệ và mở rộng nguồn nước mặt phục vụ cấp nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2030, UBND tỉnh đặt ra 3 nhóm giải pháp chính. Trong đó nhóm giải pháp bảo vệ nguồn nước mặt là các nhiệm vụ kiểm soát tốt việc khai thác, sử dụng nguồn nước ngầm; nâng cao năng lực trữ nước, ứng phó với mưa lũ cực đoan tại các hồ chứa; chủ động kiểm soát, ngăn ngừa, hạn chế tình trạng ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước. Trong kế hoạch mở rộng nguồn nước có cải tạo, nâng cấp 11 hồ chứa, đồng thời xây dựng mới 12 hồ tại các địa phương xa nguồn nước mặt và không có nhiều hồ chứa thủy lợi. Và nhóm giải pháp về quản lý là nâng cao hiệu quả về công tác quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng nước; tăng cường năng lực, trách nhiệm, hiệu quả hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc điều phối, giám sát các hoạt động khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước; huy động các nguồn lực đầu tư công trình chứa nước, cấp nước...

Trong năm 2023, tại hội nghị Điều phối vùng Đông Nam bộ, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức đã kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính xem xét cho Đồng Nai lập đồ án nghiên cứu nạo vét lòng hồ Trị An. Theo Quyền Chủ tịch UBND tỉnh, trước đây Nhà máy thủy điện Trị An đóng cửa đập vẫn giữ nguyên địa hình hiện trạng nên tồn tại lượng lớn đất pha sỏi đỏ và cát bồi lắng lòng hồ. Hiện tại, nhà máy đang xây dựng thêm tổ máy để nâng công suất nên cần tăng trữ lượng hồ chứa. Nếu khả thi, việc nạo vét lòng hồ Trị An mang lại hiệu quả kép là tăng trữ lượng tích trữ nước phục vụ phát điện và điều tiết nước cho hạ du, có thêm nguồn vật liệu san lấp cho các dự án trọng điểm của vùng.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi cho rằng, nước là nguồn tài nguyên quan trọng đảm bảo cho sự phát triển bền vững. Trong kế hoạch bảo vệ và mở rộng nguồn nước UBND tỉnh mới ban hành đã đề ra mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp và trách nhiệm thực hiện của các cơ quan, đơn vị, địa phương. Các bên liên quan căn cứ vào kế hoạch này triển khai thực hiện các nhiệm vụ, trọng tâm vẫn là bảo vệ nguồn nước khỏi nguy cơ ô nhiễm và cạn kiện, đồng thời có các giải pháp chủ động tích trữ, phân phối nguồn nước bảo đảm cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội ở hiện tại và tương lai.

Trong đó, Sở Xây dựng chủ trì triển khai thực hiện kế hoạch để đảm bảo các mục tiêu đề ra. Sở TN-MT chủ trì thực hiện việc bảo vệ nguồn nước, phòng, chống các nguy cơ ô nhiễm, cạn kiệt nguồn nước. Sở NN-PTNT quản lý, vận hành các công trình hồ chứa nước, cấp nước sạch nông thôn. UBND cấp huyện có trách nhiệm bảo vệ, rà soát nhu cầu để điều hòa, phân bổ nguồn nước cho phù hợp và mời gọi đầu tư các dự án cấp nước sạch cho người dân.

Hoàng Lộc

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202402/hon-2-ngan-ty-dong-dau-tu-nhieu-ho-chua-nuoc-6592dc3/