Hồn phố cũ

Bạn sống ở thành phố ấy lâu năm, từ ngày cất tiếng khóc chào đời, rồi có khi rời phố đi học hoặc làm việc ở một thành phố khác, rồi lại trở về. Giống như những người xa quê hương, biền biệt ngày tháng ở một đất nước nào đó, trở về quay quắt nhớ những gì mình đã còn lưu lại thuở ra đi. Lạ cho ký ức, có thể chỉ là những căn nhà ngói đỏ, có thể chỉ là giàn hoa giấy thắm màu. Đó là phố cũ, những ngôi nhà cũ, những con đường cũ và cả những bạn bè đã cũ. Mưa gió cứ mỗi mùa gội rửa, nắng mỗi mùa làm cây thêm lớn, cỏ đôi khi phủ đầy những hoang phế, chẳng thể nào tìm lại dấu chân quen. Nhưng lạ lắm cái rung cảm của trái tim người, nhìn trong bụi mờ phai nhạt vẫn nhớ như chưa hề quên ký ức của mình.

Hòn Chồng.

Hòn Chồng.

Thời gian trôi cứ ngỡ là những cơn gió mỗi ngày thổi qua, đưa những đám mây về mọi phương trời. Cũng như biển đó, cứ tưởng không đổi thay bởi mỗi ngày sóng vẫn vỗ bờ, vẫn là bãi cát trắng để ríu rít những bước chân bước lên thềm cát, dẫu biết sau đó sóng sẽ hững hờ xóa đi.

Phố, Nha Trang của những ngày xưa đó là ký ức, là khép mở những nỗi nhớ trên những con phố cũ, trong những ngày tháng cũ, mà đôi lúc khi đã già, trải qua bao nhiêu thăng trầm, bâng quơ nhìn ra một góc nắng, nói với nhau: “Ngày xưa”.

Là khi đó thành phố chưa có nhiều đèn tín hiệu giao thông, đúng hơn là cầu Xóm Bóng còn nhỏ rí, cho nên hai đầu cầu lắp đặt đèn xanh đèn đỏ để điều tiết giao thông. Lúc đó, xe cộ chẳng nhiều như bây giờ, hiếm nhà có xe ô tô và cũng hiếm nhà có xe máy. Là cầu Trần Phú chưa có trên bản đồ, ngay cuối đường Trần Phú là xóm Cồn với những căn nhà “cà kheo” với những cây cột chống trên bãi cát, khi đi vào trong xóm phải vượt qua những ngôi nhà không hề có sự sắp xếp nào. Khi ấy, biển chỉ là bãi cát, có rất nhiều cây rau muống biển mọc, có cả cây me dương và dã tràng rất nhiều. Khi đó, muốn ra bãi biển Hòn Chồng phải đi qua cầu Xóm Bóng, vòng theo đường Tháp Bà mới ra được biển. Hòn Chồng khi ấy hoang sơ lắm, thềm biển có rất nhiều san hô và đồn đột. Con đường đi Bãi Tiên là con đường đất đỏ lên dốc cao và cũng chẳng có lối để đi Lương Sơn. Bãi Tiên khi ấy có bãi cát trắng mịn, có ghềnh đá và những thảm cây xanh che bóng mát cho những cặp tình nhân chọn nơi để ngỏ lời yêu.

Xà cừ cổ thụ trên đường Thân Nhân Trung.

Xà cừ cổ thụ trên đường Thân Nhân Trung.

Phố khi ấy có những hàng cây xanh đã mất do phải mở rộng những con đường. Con đường Thái Nguyên có rất nhiều cây me cổ thụ, nay vẫn còn nhưng phần nhiều đã chết và hư hỏng. Những ngày tháng cũ đó, lề đường trên con đường rất thoáng, vào mùa hoa rụng, cả thềm hoa bên dưới. Là con đường Lê Thành Phương ngày ấy trồng rất nhiều cây xoan, đường Lê Thánh Tôn rất nhiều hoa phượng, đường Lý Tự Trọng (Bá Đa Lộc cũ) có một hàng cây xà cừ cổ thụ, gốc trồi lên mặt đất rất nhiều, đường Pasteur (Phan Thanh Giản cũ) có hai hàng hoa phượng giao nhau rợp bóng mát, đây được coi là con đường tình yêu của đôi lứa thời đó, hình ảnh các bạn nữ trong tà áo dài trắng ôm chiếc cặp màu đen đi dưới hàng cây là hình ảnh vô cùng đẹp. Khi đó, Nhà thờ Chánh Tòa (Nhà thờ Núi) vẫn còn khoảng đất trống bên dưới, cả triền hoa ti gôn phủ hồng thật đẹp. Và khi đó, quán cà phê được biết đến là Chiều tím trên đường Bà Triệu (nay đã không còn), hay phở Hợp Lợi trên đường Lý Thánh Tôn, hoặc tiệm kem Khả Khánh ngay góc Thống Nhất - Sinh Trung là nơi được chọn tìm đến mỗi khi có dịp.

Phố vốn dĩ còn đó, thời gian bốn mùa đi qua những nắng mưa, người mới ngày nào đó còn thanh xuân nay đã già, những hàng cây cổ thụ chỉ còn trong ký ức khi thành phố mở rộng ra, đó là quy luật tự nhiên của cuộc sống. Nha Trang chuẩn bị bước vào trăm tuổi, một trăm tuổi của đổi thay, của những ở lại và những ra đi. Để nhớ tiếng ve mùa hạ, nhớ những vòng xe đạp trên những con đường không chật chội xe đậu hai bên như bây giờ. Hồn phố cũ vẫn ở đó, trong ký ức của những người đã sinh ra và lớn lên ở thành phố bốn mùa sóng vỗ này.

KHUÊ VIỆT TRƯỜNG

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/van-hoa/nhung-vung-ky-uc/202310/hon-pho-cu-8274e16/