Hứa hẹn từ một đề tài

Cuộc thi viết tiểu thuyết, truyện và ký về đề tài 'Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống' lần thứ V, giai đoạn 2022-2025 do Bộ Công an và Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp tổ chức đánh dấu bước trưởng thành trong giai đoạn mới của văn học CAND thời gian qua (kể từ cuộc thi lần thứ I, 2007-2010).

1. Cuộc thi viết tiểu thuyết, truyện và ký về đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống” lần thứ V, giai đoạn 2022-2025 do Bộ Công an và Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp tổ chức đánh dấu bước trưởng thành trong giai đoạn mới của văn học CAND thời gian qua (kể từ cuộc thi lần thứ I, 2007-2010).

Trong sáng tác văn học, đề tài chỉ là bước đi ban đầu trong sự lựa chọn lĩnh vực đời sống, đối tượng phản ánh của nhà văn. Có người nói, đề tài không làm nên thành công của tác phẩm. Có thể đúng song chưa đủ thấu triệt. Nhưng trong một bối cảnh đặc trưng nào đó thì đề tài lại có ý nghĩa quan trọng. Chẳng hạn, trong thời kỳ 1945-1975, đề tài chiến tranh cách mạng và người lính đã tạo ra nguồn cảm hứng sáng tác lớn với nhà văn.

Mỗi nghệ sĩ ngôn từ đều lĩnh hội đầy đủ và sâu sắc trách nhiệm của mình trước vận mệnh của đất nước, nhân dân như thi sĩ Xuân Diệu đã viết: Tôi cùng xương thịt với nhân dân của tôi/ Cùng đổ mồ hôi cùng sôi giọt máu/ Tôi sống với cuộc đời chiến đấu/ Của triệu người yêu dấu gian lao (Những đêm hành quân). Sáng 2/3/2023, trong phát biểu nhậm chức, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã xúc động đọc bốn câu thơ này và nói bản thân rất yêu thích đến mức nhập tâm khi còn là học sinh THPT. Xét tổng thể, văn học CAND là một nguồn trong dòng chung của văn học dân tộc thời hiện đại từ sau 1945.

Nhà văn Nguyễn Bình Phương, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam phát biểu tại lễ khai mạc Trại sáng tác cuộc thi.

Nhà văn Nguyễn Bình Phương, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam phát biểu tại lễ khai mạc Trại sáng tác cuộc thi.

2. Trong phát biểu tại Lễ khai mạc Trại sáng tác Cuộc thi tiểu thuyết, truyện và ký về đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống” lần thứ V, giai đoạn 2022-2025 tổ chức tại TP Hạ Long, Quảng Ninh, nhà văn Nguyễn Bình Phương (Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ quân đội, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam) đã chia sẻ thẳng thắn, chân thành:

Tôi xin nêu nhận xét có thể gây tranh luận: Có vẻ như nhân vật/ người tốt ngày càng vắng bóng trên văn đàn đương đại, nó có nguy cơ bị đẩy ra ngoại biên văn hóa. Trong chiến tranh ái quốc người tốt chiếm đa số, nhờ thế mà công cuộc cứu nước mới thành công vẻ vang dù hy sinh gian khổ vô bờ bến. Thời bình, trong thời kỳ kiến quốc, vì nhiều lý do khách quan và chủ quan người tốt dễ có nguy cơ trở thành nạn nhân. Vì thế cuộc chiến giữa thiện - ác ngày càng trở nên cam go, quyết liệt.

Về phía chủ quan người sáng tác văn học, quan niệm nghệ thuật về con người đang có “vấn đề”. Lịch sử văn học thế giới và Việt Nam có nhiều bằng chứng sinh động và bất tử về con người tốt. Ví dụ như nhân vật Don Quixote của văn hào Tây Ban Nha Cervantes. “Hành trình thua” của nhân vật tốt này, xét cho cùng, là sự chiến thắng tất yếu, tuy phải trả giá rất đắt của nguyên lý chân - thiện - mỹ. Vì thế, theo tôi, “người tốt thuần túy”, “nguyên chất”, “nguyên khí” là vốn quý, cần thiết trở lại vị trí trung tâm của văn học nước nhà hiện nay. Hơn thế, nói không quá, thì người tốt có thể coi là “liều thuốc giảm đau” cho xã hội trong cơ chế thị trường, trong một thế giới mở/ phẳng. Trong khái niệm hạnh phúc của con người có một chỉ số gọi là “an toàn”. Lực lượng CAND chính là người lính xung kích trong sự nghiệp lớn lao và gian khổ hy sinh này. Trong văn học dân gian, hình tượng nhân vật “Bụt”, suy cho cùng chỉ là tác nhân có ý nghĩa “cứu cánh”, tuyệt nhiên không phải là “người bảo trợ” cho sự an toàn của người dân hiền lành, lương thiện.

Qua thực tiễn đời sống hiện nay của đất nước, có thể nhận thức rõ ràng và thấu triệt, người chiến sĩ CAND và cuộc chiến đấu gian khổ, hy sinh thầm lặng xuyên không gian – thời gian như là khí trời tự nhiên, nếu thiếu họ, đời sống của con người sẽ khó tồn tại trong an toàn, hạnh phúc. Vì thế, năm cuộc thi đều có chung chiến lược văn hóa/ sợi chỉ đỏ tinh thần xuyên suốt “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống”.

Tuy nhiên, khách quan và công bằng mà nói, người chiến sĩ CAND không hề/ không phải là những “siêu nhân”. Trước hết, họ là con người bình thường được sinh ra bởi tạo hóa. Họ có số phận, cảnh ngộ, tâm trạng, thăng trầm theo lẽ tự nhiên như đồng loại. Nhưng do yêu cầu nhiệm vụ nên tinh thần công dân/ trách nhiệm khiến họ trong những giờ phút sinh tử đã dám đánh đổi sự an toàn của cá nhân mình giành lấy sự an toàn cho cộng đồng/ nhân dân, trong đó có người ruột thịt của mình. Khi con người dùng cả tính mạng/sinh mệnh của mình để hoàn thành trách nhiệm cao cả thì tự khắc chuyển hóa thành lương tâm - lương tri. Khi đó, nhân vật người chiến sĩ CAND trở thành người tốt hoàn hảo. Trở thành nhân vật chính của văn học nước nhà hiện nay”.

Cuộc thi viết tiểu thuyết, truyện và ký về đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống” lần thứ V thu hút nhiều nhà văn trong và ngoài lực lượng CAND.

Cuộc thi viết tiểu thuyết, truyện và ký về đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống” lần thứ V thu hút nhiều nhà văn trong và ngoài lực lượng CAND.

3. Trại sáng tác của Bộ Công an và Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp tổ chức lần này quy tụ 35 cây viết chuyên và không chuyên, thuộc lực lượng CAND và dân sự, đến từ nhiều địa phương trong cả nước. Đa số trong họ đã có nhiều sáng tác tốt về lực lượng CAND đã “Vì nước quên thân vì dân phục vụ”. Tham dự Trại sáng tác lần này, với họ vừa là vinh dự vừa là trách nhiệm cao.

Đại diện cho các trại viên, nhà văn Nguyễn Đức Hạnh (đến từ Đại học Thái Nguyên) đã chia sẻ chân thành: “Là một nhà văn tôi nhận thức rõ ràng, để sáng tác thành công thì đề tài nào cũng khó. Nhưng viết về đề tài CAND thì quả thật càng khó hơn. Vì sao? Vì những “khoảng cách” không dễ gì rút ngắn giữa người viết và đối tượng viết. Đằng sau nhân vật người chiến sĩ CAND là những số phận/ cuộc đời/ cảnh ngộ/ tâm tư rất “người”. Làm chủ sáng tác về người chiến sĩ CAND đòi hỏi nhà văn “vượt vũ môn”. Làm sao để gom được những “hạt bụi vàng” ẩn chứa trong mỗi tiểu vũ trụ - người chiến sĩ CAND - trong cuộc chiến đấu vì sự thắng lợi của cái thiện, cái đẹp? Viết bây giờ, với tôi và văn hữu là nhằm trả “món nợ tinh thần” với những NGƯỜI ANH HÙNG trong ý nghĩa sâu rộng nhất của từ này”.

4. Điều đặc biệt của Trại sáng tác lần này là gì? Nhiều văn hữu đặt câu hỏi với tôi. Cũng không khó trả lời khi nhìn vào danh sách các trại viên, thấy rõ ràng lực lượng viết mới và trẻ đang lên như những đợt sóng cồn. Có 13/35 trại viên thuộc “thê đội” trẻ (thế hệ f+ bao gồm từ 7X, 8X...): Trương Thị Thương Huyền, Kiều Duy Khánh, Lê Văn Ngọc, Bùi Tuấn Minh, Phạm Vân Anh, Đức Anh, Nguyễn Văn Học, Nguyễn Thu Hà, Đặng Lê Hùng, Phạm Hồng Oanh, Du An, Nguyễn Mạc Hải Yên, Phát Dương. Người viết bài báo nhỏ này đã tham dự cả 5 Trại sáng tác (2015, 2016, 2018, 2019, 2023), có dịp quan sát và giao lưu với các cây viết mới và trẻ được mời tham dự, thấy con số 13 là “con số biết nói”. Đúng theo quy luật “tre già măng mọc”. Niềm hy vọng thiêng liêng phát khởi từ đây.

Nhưng nói đi thì phải nói lại, vẫn song hành đội ngũ vốn được gọi là “gừng càng già càng cay”. Những trại viên có tuổi và kinh nghiệm viết, thành tựu sáng tác về đề tài CAND vẫn hiện diện, như một niềm khích lệ văn giới - các nhà văn mà tên tuổi đã trở nên quen thuộc với độc giả (Vương Tâm, Hữu Ước, Phạm Thanh Khương, Nguyễn Đăng An, Phạm Quang Long, Nguyễn Thành Phong, Lê Hoài Nam, Lê Duy Nghĩa, Nguyễn Văn Cự, Nguyễn Trọng Văn, Đoàn Hữu Nam, Nguyễn Duy Liễm, Nguyễn Duy Ngọc, Lê Ngọc Minh, Nguyễn Đức Hạnh, Đỗ Xuân Thu, Vũ Thảo Ngọc, Bùi Thị Như Lan...).

5. “Hãy cho tôi một điểm tựa tôi sẽ nhấc bổng quả đất lên!” (Archimedes). Tôi muốn dùng lời tiên tri đó của nhà khoa học thiên tài để nói về công việc của nhà văn “Hãy cho tôi một đời sống tôi sẽ phóng tác phẩm lên!” (nói như nhà văn Nam Cao “Sống đã rồi hãy viết”). Nhiều khi trong sáng tạo văn học, trí tưởng tượng của nhà văn có thể không đuổi kịp đời sống. Ngày trước, phương châm “Đến những nơi tiên tiến viết về những con người tiên tiến” đã giúp nhà văn thoát ra khỏi những “Tháp ngà nghệ thuật”.

Để tăng cường tiếp xúc thực tiễn “khó” (theo cách diễn đạt của nhà văn Nguyễn Đức Hạnh), Ban tổ chức cuộc thi đã có sáng kiến “bồi dưỡng trại viên” bằng những hoạt động chuyên môn phong phú và sinh động: thiết kế buổi Tọa đàm “Lực lượng CAND với công tác đấu tranh phòng chống ma túy”, “Công an Quảng Ninh báo cáo công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm tại địa bàn”, “Các nhà văn tham quan, thực tế tại Trại giam Quảng Ninh”...

6. “Lý thuyết thì xám, cây đời mãi xanh tươi” (Goethe). Tài năng và vốn sống như là hai mặt của một tờ giấy. Thiếu vốn sống, nhà văn dễ rơi vào cái bẫy của sự “bịa đặt” dễ dãi. Thiếu vốn sống, chữ sẽ thiếu nghĩa. Đằng sau con chữ nhà văn viết ra là cả một bề dày bản lĩnh sống, bản lĩnh nghệ thuật. Trí tưởng tượng tuyệt với nào cũng chỉ có thể bay lên từ bệ phóng đời sống. Đó là tâm huyết, đại lộ của người cầm bút viết văn chân chính xưa nay.

Quảng Ninh, 10/4/2023

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/doi-song-van-hoa/hua-hen-tu-mot-de-tai-i690548/