Hướng dẫn cách đi đến bản Nậm Nghiệp để leo núi Tà Chì Nhù và ngắm hoa sơn tra

Thuộc huyện Mường La, Sơn La, bản Nậm Nghiệp nằm dưới chân Tà Chì Nhù, là điểm phủ trắng của hoa sơn tra. Được biết đây loài cây này mọc tự nhiên, giờ đã trở thành điểm thu hút du khách du lịch.

Hoa Sơn tra phủ trắng ở bản Nậm Nghiệp. Ảnh: Cuong Nguyen

Hoa Sơn tra phủ trắng ở bản Nậm Nghiệp. Ảnh: Cuong Nguyen

Theo thông tin của anh Cuong Nguyen, người làm du lịch ở bản Nậm Nghiệp chia sẻ, đây là địa danh mới nổi thu hút sự chú ý của dân du lịch thời gian qua.

Bên cạnh một số địa danh đã được nhiều du khách biết đến như cung Hà Giang, cung ngắm mây Tà Xùa, Ý Tý,... thì Ngọc Chiến, Nậm Nghiệp, Tà Chì Nhù đã xác định được chỗ đứng riêng của mình trong các địa danh của dân du lịch.

Dưới đây là chia sẻ của anh Cuong Nguyen cho những người đam mê du lịch miền Tây Bắc khi đến với Nậm Nghiệp, Tà Chì Nhù.

Từ Hà Nội có hai cung đường đến đây. Thứ nhất, theo đường Mộc Châu đến thành phố Sơn La (tỉnh Sơn La) rồi đi về huyện Mường La, sau đó đi tiếp theo đường về xã Ngọc Chiến. Đi đường này du khách có thể đi xe máy hoặc đi xe khách giường nằm đến Sơn La và đổi xe đi Ngọc Chiến.

Thứ hai, theo đường Nghĩa Lộ, đi Tú Lệ (Yên Bái), đến ngã ba Kim thì rẽ trái vào Ngọc Chiến. Tuyến này cũng có thể chạy cả xe máy lẫn ô tô.

Có rất nhiều nhà xe chạy tuyến này, nhưng nhà xe Kiên Huyền và Thảo Nguyên sẽ chạy thẳng vào Ngọc Chiến. Số nhà xe Kiên Huyền là 0976176355. Từ xã Ngọc Chiến có thể đi xe máy thuê ở bản Lướt hoặc thuê xe ôm chở 8km ngược lên bản Nậm Nghiệp. Điện thoại thuê xe máy ở Ngọc Chiến (bản Lướt) là 0383055407.

Để tiết kiệm thời gian có thể đi xe đêm đón ở Đại học Thương mại, xe Cường Lan, điện thoại 0961357799. Đi đến Ngã Ba Kim xuống, thuê xe máy để lên Nậm Nghiệp.

Anh Cuong Nguyen chia sẻ, đi cung này vì đường nhanh hơn và có thể khám phá Tú Lệ, đèo Khau Phạ, Mù Cang Chải...

Hiện tại đường lên bản Nậm Nghiệp khá khó đi và chỉ phù hợp đi xe máy. Anh cũng khuyến cáo tuyền đường này bà con đang làm đường bê tông nên không đi ô tô lên được. Nếu không muốn tự lái xe, thì có thể thuê xe ôm chở từ bản Lướt lên, giá hai chiều khoảng 430.000VND.

Hoa Sơn tra phủ trắng ở bản Nậm Nghiệp. Ảnh: Cuong Nguyen

Hoa Sơn tra phủ trắng ở bản Nậm Nghiệp. Ảnh: Cuong Nguyen

Theo chia sẻ của anh Cuong Nguyen, nên đi ba đêm hai ngày, hoặc ba ngày hai đêm. Nhưng tốt nhất là 3 ngày 3 đêm sẽ trọn vẹn hơn. Nếu có thời gian thì đi ban ngày vào thứ Sáu, từ Hà Nội đi xe khách 6 tiếng là đến xã Ngọc Chiến.

Ở lại 1 đêm tại bản Lướt hoặc bản Nà Tâu tắm khoáng nóng, rồi sáng hôm sau đi xe máy lên bản Nậm Nghiệp. Tại đây có thể book tour leo núi Tà Chì Nhù ngủ đêm hoặc không thì chơi xung quanh bản và ngủ đêm tại bản Nậm Nghiệp. Sáng ngày thứ ba tiếp tục đi chơi suối, vào rừng, uống cafe ngắm trời mây.

Nếu ở hai đêm thì nên chia hai bản để trải nghiệm. Nếu nghỉ 1 đêm thì nên cân nhắc lựa chọn thích suối khoáng nóng, hay thích ngắm hoa. Nếu thích khoáng nóng thì nên nghỉ bản Lướt. Nếu thích ngắm hoa thì nên lên bản Nậm Nghiệp.

Vào thời điểm này, từ 8h00 là trời ấm, nhiệt độ lên đến 20 độ, có thể có nắng.

Đến tầm 17h00 nhiệt độ xuống nhanh nhưng hoàng hôn rất đẹp với điều kiện không bị mây mù. Nhiệt độ lúc 17h00 khoảng 12 độ. Đến đêm xuống 5-7 độ, thậm chí thấp hơn.

Vì vậy, nên chuẩn bị đầy đủ đồ ấm, thuốc cá nhân như: mũ len, găng tay, tất dày, quần áo giữ nhiệt, áo khoác dày. Đi bộ trong rừng cây thì nên mang theo ghế dã ngoại, hoặc lều để có thể cắm ở bất kỳ đâu. Ngoài ra mang theo chai nước cho mỗi người.

Có thể book tour leo núi ngay buổi sáng rồi về trong ngày để nghỉ ngơi ở bản Nậm Nghiệp, hoặc ngủ trên đỉnh Tà Chì Nhù với lều trại. Sáng hôm sau từ đỉnh Tà Chì Nhù về lại bản Nậm Nghiệp chơi quanh bản, đi vào rừng táo mèo Sơn tra, đi chơi suối, cafe check in. Sau đó về bản Lướt tắm khoáng nóng.

Hoa Sơn tra phủ trắng ở bản Nậm Nghiệp. Ảnh: Cuong Nguyen

Hoa Sơn tra phủ trắng ở bản Nậm Nghiệp. Ảnh: Cuong Nguyen

Lựa chọn nhẹ nhàng nhất là đi bộ hikking dưới tán cây táo mèo Sơn tra trắng muốt men theo suối và phóng tầm mắt thật xa về những rặng núi trước mặt, phía bên phải là bản làng thấp thoáng.

Những con đường mòn ven sườn đồi táo cứ thế dẫn bạn đi mà có khi ngước lại, bạn đã chẳng biết mình đột nhiên biến mất khỏi thế giới từ lúc nào. Chỉ còn tiếng chim kêu, tiếng suối chảy và những tia nắng nhảy nhót trên những triền đồi.

Ở Nậm Nghiệp hay bản Lướt, đều có thể đặt chủ nhà homestay nấu ăn cho mình. Đừng lo là mình không hợp khẩu vị. Ẩm thực của người Thái và người Mông rất khác nhau. Người Mông nấu đơn giản, món ăn chủ yếu là đồ nướng và cách chế biến đơn giản. Gia vị của họ cũng không có nhiều mùi vị đa dạng nên cũng không gây mùi vị khó chịu. Món ăn của người Thái thì cầu kỳ hơn, phong phú hơn.

Giá một bữa ăn trung bình 150.000/người.

Ở bản Nậm Nghiệp bắt đầu từ năm nay đã có quán cafe của The Lover Hill Cafe Nậm Nghiệp rồi, nên có thể thoải mái lựa chọn đồ uống.

Ở cả bản Lướt và bản Nậm Nghiệp đều có cả hai dạng chỗ nghỉ. Một là loại phòng riêng 2 người có nhà vệ sinh bên trong, giá 500.000/đêm. Phòng riêng 4 người, 2 giường, có vệ sinh bên trong 600.000/đêm.

Giường cộng đồng, vệ sinh bên ngoài 120.000/người.

Tuy nhiên lưu ý là hầu như cuối tuần các chỗ nghỉ ở đây đều full phòng. Nên đi ngày trong tuần để chắc chắn có chỗ ngủ. Nếu có lều thì cũng khá ổn. Ngủ lều dưới rừng táo ở Nậm Nghiệp rất thú vị, nhưng lưu ý rất lạnh, nên mang túi ngủ theo./.

Trần Trung (Tổng hợp)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/huong-dan-cach-di-den-ban-nam-nghiep-de-leo-nui-ta-chi-nhu-va-ngam-hoa-son-tra/284044.html