Hướng dẫn phân biệt hàng thật, hàng giả

Ngày 17/5, Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Bắc Giang phối hợp với Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (VACIP) và Công ty TNHH Sở hữu trí tuệ S&O tổ chức hội nghị hướng dẫn phân biệt hàng thật, hàng giả năm 2024.

Tham dự hội nghị có gần 100 cán bộ, điều tra viên của Cục QLTT tỉnh, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, môi trường (Công an tỉnh), Công an TP Bắc Giang, Sở Khoa học và Công nghệ.

 Các đại biểu tham dự hội nghị.

Các đại biểu tham dự hội nghị.

Tại đây, chuyên viên Hiệp hội VACIP và Công ty TNHH Sở hữu trí tuệ S&O giới thiệu một số thương hiệu nổi tiếng thường có sản phẩm bị làm giả một cách tinh vi trên thị trường.

Đơn cử như Luxottica (với sản phẩm mắt kính mang nhãn hiệu Ray Ban, Oakley); New Balance (sản phẩm chủ đạo của thương hiệu là giày thể thao, quần áo và phụ kiện); Coty (cung cấp các sản phẩm nước hoa mang thương hiệu Marc Jacobs, Calvin Klein, Chlóe, Hugo Boss); P&G (với các sản phẩm là hàng hóa tiêu dùng, mỹ phẩm mang nhãn hiệu Gillette, Oral-B, Head&Shoulders, Pantene, Olay, Tide, Downy).

Với sản phẩm kính mắt của các thương hiệu, hàng thật sẽ có quy chuẩn đóng gói đầy đủ bao đựng bằng da, túi đựng phiếu thông tin, khăn lau, logo, thẻ bảo hành, mã vạch… Hàng giả thường không được đóng gói đúng quy chuẩn nêu trên; thiết kế thô, thiếu tinh tế.

 Các đại biểu trao đổi dấu hiệu phân biệt hàng thật, hàng giả.

Các đại biểu trao đổi dấu hiệu phân biệt hàng thật, hàng giả.

Với sản phẩm giày dép, hàng thật được đóng gói đúng quy cách, chất liệu cao cấp, không keo thừa, nhãn lưỡi gà in đầy đủ thông tin về sản phẩm… Hàng giả có một số dấu hiệu như: Nhãn hiệu được in, may lệch, không chính xác; có keo thừa; hộp đóng gói bị móp méo; sắp xếp sản phẩm lộn xộn trong hộp…

Sản phẩm nước hoa bị làm giả thường không có mã code; đoạn mã vạch trùng trên hai hoặc nhiều sản phẩm; đóng gói bao bì không chắc chắn; thừa keo dán; chất lượng mực in kém; dung tích không đầy; ống xịt, đầu xịt, nắp quá dài, bị bạc màu hoặc có dấu hiệu ăn mòn…

Các sản phẩm tiêu dùng (của thương hiệu P&G) cũng bị làm giả nhiều trên thị trường. Đơn cử như dao cạo dâu Gillette, hàng giả có tên sản phẩm in không đậm nét, vị trí treo sản phẩm dính liền, thiếu mã vạch, hộp nhựa đựng lưỡi dao có nhựa thừa… Sản phẩm dầu gội đầu là hàng giả được bọc màng co nhựa bên ngoài cẩn thận, sai hình ảnh minh họa, sai vị trí in mã vạch…

Qua hội nghị giúp cán bộ, điều tra viên nâng cao kỹ năng phân biệt hàng thật, hàng giả, góp phần ổn định thị trường, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu cùng và doanh nghiệp.

Tin, ảnh: Mạc Yến

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/huong-dan-phan-biet-hang-that-hang-gia-111621.bbg