Hướng dẫn viên của làng
Những năm gần đây, nhiều du khách, nhất là khách quốc tế, khi đến xứ Quảng muốn đến vùng sơn cước để khám phá cảnh sắc thiên nhiên và những giá trị văn hóa mang sắc thái riêng của từng tộc người. Và tại điểm đến làng Bhơ Hôồng (xã Sông Kôn, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam) họ sẽ được gặp một hướng dẫn viên 'chuyên nghiệp', đó là Đinh Thị Thìn.
Chị là người con của dân tộc Cơ Tu, sinh ra và lớn lên gắn liền với không gian núi rừng tại xã Sông Kôn (huyện Đông Giang). Học hết phổ thông, Thìn theo học tại khoa Văn hóa – Du lịch, Trường Đại học Quảng Nam. Chia sẻ về nghề của mình, Thìn cho biết, du lịch miền núi thực sự đã làm thay đổi hoàn toàn cuộc sống của chị và cả những người dân ở làng Bhơ Hôồng. Tốt nghiệp năm 2011, Thìn có lúc tưởng rằng mình sẽ lãng phí việc học nếu không tìm được việc làm đúng chuyên môn, để rồi cuối cùng quay trở lại an phận với cuộc sống làm nương rẫy và chăm lo gia đình như bao cô gái Cơ Tu khác. Cơ duyên đã đến với Thìn, năm 2013, Dự án “Tăng cường du lịch các vùng nằm sâu trong đất liền” của Tổ chức Lao động Thế giới ILO tại Quảng Nam do Chính phủ Luxembourg tài trợ được triển khai tại làng Bhơ Hôồng và nhiều điểm đến khác trên địa bàn tỉnh.
Trong Dự án này, Thìn là người đóng vai trò quan trọng để giúp người dân tiếp cận, truyền đạt những kiến thức tiếng Anh, kỹ năng về du lịch lại cho bà con để cùng tham gia phát triển du lịch cộng đồng. Thìn đã tham gia nhiều lớp tập huấn về nghề hướng dẫn viên, đi thực tế nhiều mô hình du lịch cộng đồng tại nhiều nơi, tham gia các hội thảo, hội nghị về du lịch và các cuộc thi thuyết trình về du lịch cộng đồng miền núi. Mỗi chuyến đi là sự trải nghiệm thú vị, quan trọng hơn là “trông người mà ngẫm đến ta”, Thìn rút ra những bài học hữu ích về áp dụng vào thực tế tại làng Bhơ Hôồng.
Để có thể tự tin trò chuyện với du khách bằng tiếng Anh thuần thục, Thìn đã tự học rất nhiều. “Ngôn ngữ là chìa khóa giao tiếp”, Thìn nghĩ đến công việc đầu tiên là dạy tiếng Anh cho dân làng. Thìn được chọn tham gia các khóa tập huấn tiếng Anh du lịch và Giáo trình “Tiếng Anh căn bản cho du lịch cộng đồng” được dự án cung cấp, đều đặn mỗi tuần ba buổi, học viên đủ mọi lứa tuổi của làng Bhơ Hôồng lại tập trung về nhà Gươl để nghe Thìn dạy tiếng Anh giao tiếp. Đến nay, một số người dân trong làng đã có thể giao tiếp bằng tiếng Anh với những câu thông dụng mỗi khi tiếp chuyện với du khách nước ngoài. “Bà con nhiều người tuy đã lớn tuổi nhưng cũng háo hức đi học, mình vui lắm. Ban đầu bà con học tiếng Anh còn ngượng, bây giờ thì tự nhiên hơn rồi nên khi gặp khách nước ngoài thì có phần mạnh dạn hơn trong giao tiếp”- Thìn chia sẻ. Có lẽ, những câu thoại giao tiếp thông thường bằng tiếng Anh với du khách nước ngoài giờ đây đã không còn xa lạ với người dân làng Bhơ Hôồng từ khi nơi đây được chọn là điểm làng du lịch cộng đồng.
Ngoài việc dạy tiếng Anh, Thìn còn tham gia làm hướng dẫn viên mỗi khi có đoàn đến tham quan. Nhiều hoạt động như: múa tân tung - da dá, trình diễn nghề dệt thổ cẩm, đan gùi, ẩm thực đã được tái hiện. Bên cạnh đó, Thìn còn tổ chức cho du khách bách bộ quanh làng, quan sát, khám phá cảnh đẹp như suối, đồi, nương rẫy... Có du khách thích thú được tắm suối, tham gia vào việc chế biến ẩm thực, dệt thổ cẩm, đan gùi, đan lát, hay mặc trang phục của đồng bào… Những trải nghiệm ấy mang đến cho khách những cảm xúc thú vị, nhất là việc lưu trú qua đêm, du khách được xem, được hòa mình vào đêm hội cồng chiêng, múa tân tung – da dá, đốt lửa tại nhà Gươl giữa không gian núi rừng hoang sơ.
Chị Thìn cho biết, du khách tìm đến làng chủ yếu để ngắm đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ, tìm hiểu phong tục tập quán, bản sắc văn hóa của đồng bào vùng cao. Từ ngày người Cơ Tu làm du lịch, múa tân tung – da dá như được tiếp thêm sức sống mới, du khách nước ngoài rất thích thú khi xem điệu múa này.“Những lúc thuyết minh cho khách, tôi phải giải thích cặn kẽ cho du khách, và càng nghe ra, họ càng thấm thía hơn về giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào Cơ Tu. Nếu hướng dẫn viên của các đơn vị lữ hành chỉ “thuộc bài” thuyết minh cho khách, còn hướng dẫn viên người địa phương như chị Thìn thì hiểu sâu sắc hơn, thuyết minh cho khách còn bằng cả vốn sống, sự trải nghiệm, tình yêu đối với mảnh đất sinh ra và lớn lên. Điều đó rất cần trong khi hướng dẫn khách đến tham quan, để lại ấn tượng về vùng đất và con người mà du khách đang cần khám phá.
Thìn cho biết, du khách đến Bhơ Hôồng hay các điểm du lịch của ba huyện Đông Giang, Tây Giang và Nam Giang chủ yếu là đi phượt tự do và các doanh nghiệp lữ hành tổ chức tour, lượng khách ngày càng tăng và chủ yếu vào mùa xuân và mùa hè. “Du lịch đã thổi luồng gió mới vào cuộc sống của tôi, tôi và dân làng có thêm có nhiều kiến thức để làm du lịch cộng đồng, giới thiệu với du khách trong và ngoài nước về quê hương mình”. Để nâng cao kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp, Thìn tranh thủ tham gia các lớp tập huấn, tham quan các mô hình làm du lịch cộng đồng và luôn cập nhật thông tin liên quan đến công việc hướng dẫn viên.
Nhiều doanh nghiệp lữ hành tổ chức tour tới làng Bhơ Hôồng cho biết du khách rất thích thú khi đến trải nghiệm tại đây như tắm thác, lội suối, thưởng thức ẩm thực, đốt lửa giao lưu với dân làng. Họ thích dịch vụ homestay và các sản phẩm du lịch địa phương do chính dân làng cung cấp. Chính chị Thìn là một hướng dẫn viên – cầu nối giữa điểm đến với du khách - rất thân thiện, nhiệt tình và truyền đạt thấu đáo những yêu cầu du khách muốn tìm hiểu, khám phá. Tại điểm đến làng Bhơ Hôồng, du khách được trải nghiệm khám phá thiên nhiên, mảnh đất và con người gắn với những giá trị văn hóa đặc trưng của đồng bào Cơ Tu nơi đây thông qua cách hướng dẫn rất thuyết phục và kiến thức sâu sắc của chị Thìn. Đồng thời với vốn tiếng Anh - ngôn ngữ giao tiếp – đã trở thành cầu nối với khách quốc tế về những câu chuyện văn hóa, những sản phẩm du lịch miền núi thú vị.
Gắn bó với công việc hướng dẫn viên của làng Bhơ Hôồng, Thìn đã có quá nhiều kỷ niệm, trải nghiệm và nhất là những bài học trong việc tiếp tục phát triển du lịch cộng đồng đã có tác động tích cực làm dần dần thay đổi nhận thức của người dân. Không chỉ tạo việc làm, tăng thu nhập mà người dân đã giữ được “nếp làng” - bảo tồn và phát huy bản sắc dân tộc, giữ gìn vệ sinh môi trường, luôn giữ nụ cười, thái độ thân thiện mỗi khi du khách đến tham quan… Với Thìn, hướng dẫn viên du lịch vẫn là công việc yêu thích nhất, vì thế cần học hỏi và trau dồi nhiều hơn. Thìn cho rằng: Mình luôn là người bạn đồng hành cùng du khách khi đến làng Bhơ Hôồng và các điểm du lịch cộng đồng miền núi phía Tây xứ Quảng.
Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/huong-dan-vien-cua-lang-post293634.html