Hướng đến phát triển kinh tế xanh bền vững

Theo các chuyên gia kinh tế, với đặc thù về đô thị, dân số, tính năng động, thành phố (TP) Hồ Chí Minh sẽ là nơi thử nghiệm rất tốt các chính sách thúc đẩy kinh tế xanh, tuần hoàn.

TP Hồ Chí Minh đầu tư phát triển hạ tầng giao thông phục vụ nền kinh tế xanh. Ảnh: Hoàng Tuyết

TP Hồ Chí Minh đầu tư phát triển hạ tầng giao thông phục vụ nền kinh tế xanh. Ảnh: Hoàng Tuyết

Tiên phong phát triển một số ngành

TP Hồ Chí Minh là trung tâm chính trị - kinh tế - tài chính lớn của cả nước. Cuối năm 2022, Bộ Chính trị đã có Nghị quyết số 31 về định hướng phát triển TP và gần đây là Nghị quyết 98 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh. Đây là những định hướng, khung pháp lý để TP có điều kiện thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, nhằm triển khai quá trình chuyển đổi xanh được nhanh chóng và thuận lợi hơn.

Hiện có các lĩnh vực tác động chủ yếu đến kinh tế xanh của TP, như: phát triển năng lượng tái tạo; đổi mới công nghệ ít tiêu hao năng lượng; phát triển phương tiện giao thông công cộng, xe điện; sản xuất nông nghiệp xanh, tăng sản phẩm thực vật; tăng diện tích cây xanh, bảo tồn khu sinh quyển... và cơ chế cho kinh tế xanh TP cần dựa trên 6 trụ cột, như: điện áp mái, kiểm soát khí thải phương tiện giao thông, thu hút nhà đầu tư chiến lược về năng lượng sạch, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo về năng lượng sạch.

Theo ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh, TP đã nhận thức rằng, sự phát triển kinh tế truyền thống không còn là lựa chọn tối ưu nữa nên đã chuyển hướng kiến tạo một hành trình mới, một hành trình tăng trưởng xanh, với tầm nhìn một tương lai bền vững. Theo đó, TP đang khẩn trương hoàn thiện khung Chiến lược phát triển xanh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, nhằm xây dựng TP Hồ Chí Minh trở thành đô thị văn minh, hiện đại, nghĩa tình; là điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư và du khách.

Theo ông Nguyễn Đức Hiển, Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương, đánh giá với vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng, quy mô lớn, TP Hồ Chí Minh lựa chọn tiên phong trong phát triển kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh là hướng đi đúng, phù hợp với định hướng của Đảng và xu thế mới của thế giới, tạo ra động lực và không gian mới trong phát triển kinh tế - xã hội.

Để TP sớm triển khai thành công chiến lược phát triển kinh tế xanh, hướng tới giảm phát thải ròng bằng 0, Ban Kinh tế Trung ương đề xuất một số giải pháp. Cụ thể, việc triển khai phát triển kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh không thể làm theo phong trào mà cần bài bản, chuyên nghiệp, có trọng tâm, trọng điểm. TP phải nhanh chóng đổi mới tư duy, thống nhất nhận thức về động lực tăng trưởng mới thông qua thúc đẩy tăng trưởng xanh. Đây đang là vấn đề mới, đòi hỏi phải đồng bộ từ các vấn đề liên quan đến quy hoạch, lựa chọn chuyển dịch các ngành, bố trí nguồn lực, xây dựng ý thức của người dân và cộng đồng doanh nghiệp.

Trong khung chiến lược về tăng trưởng xanh, TP cần tiên phong trong phát triển một số ngành công nghiệp như công nghiệp công nghệ số, công nghiệp sinh học, công nghiệp công nghệ cao. "TP Hồ Chí Minh cần tiếp tục triển khai xây dựng đề án trở thành trung tâm tài chính của khu vực và quốc tế. Đề nghị các bộ, ngành và TP sớm đẩy nhanh xây dựng đề án này, có cơ chế vượt trội để phát triển. Đi đầu trong phát triển, thử nghiệm những sản phẩm mới, sản phẩm xanh và là trung tâm khoa học, công nghệ, đổi mới, sáng tạo của khu vực" - ông Nguyễn Đức Hiển nói.

Theo các chuyên gia, khi phát triển trở thành trung tâm tài chính của khu vực và quốc tế, TP Hồ Chí Minh sẽ tiên phong trong thu hút các nguồn lực tài chính xanh cho tăng trưởng, bao gồm cả phát hành trái phiếu xanh.

"Cực thu hút" các nguồn tài chính xanh

Ông Nguyễn Minh Vũ, trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao cho rằng, với mục tiêu hình thành trung tâm tài chính quốc tế, TP đang có điều kiện rất thuận lợi để trở thành "cực thu hút" các nguồn tài chính xanh đang có xu hướng gia tăng. Trung tâm tài chính của TP Hồ Chí Minh phải là trung tâm tài chính quốc tế thế hệ mới, với tài chính khí hậu, tài chính xanh, tài chính công nghệ đóng vai trò trung tâm. Vì vậy, TP cần sớm ban hành chính sách hoặc cho thử nghiệm có kiểm soát đối với một số công cụ tài chính mới như phát hành trái phiếu xanh, xây dựng sàn giao dịch carbon theo tiêu chuẩn quốc tế, tiến tới kết nối với các nước ASEAN để trở thành trung tâm giao dịch tín chỉ carbon của khu vực với tầm nhìn toàn cầu.

Doanh nghiệp hướng đến sản xuất xanh để bảo vệ môi trường tại TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Hoàng Tuyết

Doanh nghiệp hướng đến sản xuất xanh để bảo vệ môi trường tại TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Hoàng Tuyết

Trong khi đó, ông Bùi Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho rằng, TP có cơ hội huy động nguồn vốn cho phát triển cơ sở hạ tầng, các dự án giao thông đô thị xanh thông qua việc phát triển thị trường tài chính xanh. Hiện nay, TP cùng với nhiều đô thị khác trên thế giới đã chứng kiến rõ ràng những tác động của biến đổi khí hậu cùng với những bất cập, thiếu đồng bộ cần phải được giải quyết, càng thúc giục chúng ta phải gắn kết chặt chẽ, mạnh mẽ và hiệu quả hơn nữa để ứng phó.

Ngoài ra, TP Hồ Chí Minh cũng đang tăng cường đầu tư cho khoa học và công nghệ, tích cực lựa chọn, tiếp nhận, chuyển giao công nghệ tiên tiến phù hợp với điều kiện Việt Nam, đẩy mạnh nghiên cứu các lĩnh vực ngành nghề phát triển kinh tế xanh như giảm thiểu phát thải carbon, phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng thân thiện với môi trường... Cần xây dựng và ban hành các bộ tiêu chí đầy đủ, đồng bộ, tập trung để hỗ trợ lựa chọn, đánh giá nhà đầu tư, dự án tiềm năng sử dụng công nghệ cao, công nghệ thân thiện môi trường, nhất là trong các ngành, lĩnh vực Việt Nam và TP Hồ Chí Minh ưu tiên phát triển, có lợi thế so sánh, phát thải carbon cao như nông nghiệp, du lịch, năng lượng...

Hoàng Tuyết

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/huong-den-phat-trien-kinh-te-xanh-ben-vung-post472648.html