Hút vốn ngoại cho đổi mới sáng tạo từ cơ chế chính sách

Hoạt động đổi mới sáng tạo, trong đó có ngành công nghiệp bán dẫn đang mở ra cơ hội phát triển lớn đối với Việt Nam. Dù vậy, theo ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC), Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ngành công nghiệp bán dẫn đang đặt ra các thách thức cho các doanh nghiệp và Chính phủ các nước trong đó Việt Nam.

Việt Nam đang ngày càng hấp dẫn các “ông lớn” công nghệ

Phóng viên (PV): Thưa ông, năm 2023 đã có những kết quả nổi bật gì trong việc thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo ở nước ta?

Ông Vũ Quốc Huy: Năm 2023, nhờ những thành tựu đối ngoại, ngoại giao cấp cao, ngoại giao kinh tế quan trọng, có ý nghĩa lịch sử, nhiều doanh nghiệp lớn trên thế giới đã tới nước ta tăng cường trao đổi, hợp tác phát triển trên nhiều lĩnh vực kinh tế, đặc biệt là trong các ngành công nghiệp mới như chip, bán dẫn, đào tạo nhân lực chất lượng cao,… Trong những tháng cuối năm 2023, đã có những doanh nghiệp hàng đầu thế giới trong lĩnh vực bán dẫn đến làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cũng như tìm kiếm cơ hội đầu tư kinh doanh, mở rộng thị trường hoạt động tại Việt Nam thông qua hợp tác với NIC và các doanh nghiệp của Việt Nam.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm quan gian hàng của Viettel tại Triển lãm quốc tế Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2023.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm quan gian hàng của Viettel tại Triển lãm quốc tế Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2023.

Điển hình, đã có nhiều doanh nghiệp công nghệ lớn trên thế giới hợp tác với NIC để triển khai nhiều chương trình, hoạt động đổi mới sáng tạo, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số và đào tạo phát triển nguồn nhân lực số như Google, Meta, Siemens, Hitachi,...

Tại Triển lãm quốc tế Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2023 kết hợp Lễ Khánh thành Cơ sở hoạt động của NIC tại Hòa Lạc, các Cơ sở đổi mới sáng tạo và Trung tâm ươm tạo thiết kế chip bán dẫn của các doanh nghiệp công nghệ lớn như Samsung, Synopsys đã được khai trương tại NIC Hòa Lạc. Cùng với đó, Triển lãm đã quy tụ hàng trăm doanh nghiệp, tập đoàn công nghệ lớn tham gia, đặc biệt là các tập đoàn quốc tế như SK, Samsung, Google, Meta, SpaceX, John Cockerill, Synopsys, Cadence, VISA,... cho thấy Việt Nam đang ngày càng trở nên hấp dẫn đối với các tập đoàn công nghệ trên thế giới.

Theo Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới (WIPO), Việt Nam là một trong 7 quốc gia thu nhập trung bình đạt được nhiều tiến bộ nhất về đổi mới sáng tạo trong thập kỷ qua. Việt Nam cũng là một trong 3 quốc gia giữ kỷ lục có thành tích vượt trội so với mức độ phát triển trong 13 năm liên tiếp (gồm Ấn Độ, Cộng hòa Moldova và Việt Nam).

Việt Nam là một trong số ít các nước trên thế giới đang trong quá trình tự tạo ra những sản phẩm đổi mới sáng tạo riêng của quốc gia mình. Những sáng kiến, tốc độ vượt bậc này thể hiện quyết tâm của Việt Nam trong thúc đẩy đổi mới sáng tạo và tăng trưởng kinh tế-xã hội.

Việc xây dựng một xưởng đúc chip có thể tiêu tốn tới 50 tỷ USD

PV: Cơ hội để phát triển ngành bán dẫn có nhiều, nhưng thách thức thì sao thưa ông?

Ông Vũ Quốc Huy: Trong bối cảnh xu hướng của chuỗi giá trị bán dẫn đang dần dịch chuyển sang các nước Đông Nam Á, Việt Nam có đầy đủ điều kiện và yếu tố cần thiết để phát triển công nghiệp bán dẫn. Đó là nhờ hệ thống chính trị ổn định, vị trí địa lý thuận lợi, cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư hấp dẫn, nguồn nhân lực kỹ thuật-công nghệ dồi dào, cơ sở hạ tầng số ngày một phát triển. Chính phủ Việt Nam quyết tâm cao trong việc theo đuổi, phát triển ngành công nghiệp bán dẫn; đã và đang thu hút ngày càng nhiều các tập đoàn lớn trong ngành này.

Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia cơ sở Hòa Lạc được kỳ vọng là nơi quy tụ, dẫn dắt và kết nối, từng bước hoàn thiện hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia.

Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia cơ sở Hòa Lạc được kỳ vọng là nơi quy tụ, dẫn dắt và kết nối, từng bước hoàn thiện hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia.

Tuy nhiên, ngành công nghiệp bán dẫn đang đặt ra các thách thức cho các doanh nghiệp và Chính phủ các nước trong đó Việt Nam. Cụ thể, chi phí đầu tư cao. Mức đầu tư cho sản xuất chip là rất lớn, đòi hỏi cơ sở hạ tầng đặc biệt và các dây chuyền sản xuất phức tạp. Trong thực tế, việc xây dựng một xưởng đúc chip có thể tiêu tốn tới 50 tỷ USD. Cạnh tranh quốc tế: Ngành công nghiệp bán dẫn đang chịu áp lực từ sự cạnh tranh cao, đặc biệt là từ các nước như Trung Quốc, Mỹ, và châu Âu. Những quốc gia/khu vực này đã công bố kế hoạch cho lĩnh vực chip của mình từ 50 tới 150 tỷ USD. Thách thức về công nghệ: Sự phức tạp ngày càng tăng của công nghệ bán dẫn đòi hỏi sự đầu tư lớn vào R&D để duy trì sự cạnh tranh. Yêu cầu về đội ngũ nhân sự chất lượng cao rất lớn, và thực tế nguồn nhân lực của Việt Nam mới chỉ đang dừng lại ở giai đoạn đầu, kỹ năng và trình độ chưa đủ để đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp.

Chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để sẵn sàng chào đón các nhà đầu tư trong ngành bán dẫn

PV: Vậy chúng ta có thể bắt đầu từ đâu để hóa giải thách thức cũng như thực hiện hóa các cơ hội phát triển ngành bán dẫn, thưa ông?

Ông Vũ Quốc Huy: Để ngành công nghiệp bán dẫn ở nước ta phát triển xứng tầm với các lợi thế sẵn có, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tập trung vào các nội dung sau để bước đầu hình thành ngành công nghiệp công nghệ cao này.

 Ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc Trung tâm đổi mới sáng tạo Quốc gia.

Ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc Trung tâm đổi mới sáng tạo Quốc gia.

Đó là, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, với việc xây dựng Đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đến năm 2030, đề án sẽ làm rõ bức tranh toàn cảnh về nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam đến năm 2023 có 50.000 nhân lực trong ngành công nghiệp bán dẫn, với kỳ vọng cung cấp đủ số lượng nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp bán dẫn trong nước và xuất khẩu lao động sang các thị trường phát triển khác.

Cùng với đó, xây dựng cơ chế và chính sách riêng để thu hút và tận dụng sự đầu tư từ nước ngoài. Đầu tư xây dựng các trung tâm R&D, qua đó tạo môi trường thuận lợi cho các nhà nghiên cứu, doanh nghiệp của Việt Nam tiếp cận các công nghệ mới. Trong khuôn khổ chuyến thăm Hoa Kỳ, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Việt Nam (NIC) đã ký biên bản ghi nhớ với Tập đoàn Cadence và Đại học Bang Arizona (ASU) để hình trung tâm ươm tạo, nghiên cứu thiết kế vi mạch tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc.

Chính phủ Việt Nam đã, đang và sẽ nỗ lực chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để sẵn sàng chào đón các nhà đầu tư trong ngành bán dẫn. Trong tương lai không xa, chúng tôi tin tưởng Việt Nam sẽ trở thành một đối tác tin cậy và là một mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị bán dẫn toàn cầu.

PV: Vậy, hiện NIC đang tham mưu xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội như thế nào để hỗ trợ cho khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, thưa ông?

Ông Vũ Quốc Huy: NIC đang nghiên cứu tính khả thi của việc xây dựng cơ chế đầu tư mạo hiểm để trình Chính phủ; nghiên cứu, hình thành Quỹ đầu tư Đổi mới sáng tạo thuộc NIC; triển khai nghiên cứu ban đầu về cơ chế gọi vốn cộng đồng… Đặc biệt, NIC đang chủ trì nghiên cứu, rà soát đề xuất xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 94/2020/NĐ-CP quy định cơ chế, chính sách ưu đãi đối với trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia. Hiện nay, hồ sơ đề xuất xây dựng Nghị định đang được xin ý kiến các bộ, cơ quan liên quan.

PV:Trân trọng cảm ơn ông!

DUNG VŨ (thực hiện)

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/hut-von-ngoai-cho-doi-moi-sang-tao-tu-co-che-chinh-sach-764414