Huyện Mèo Vạc (Hà Giang): Tín hiệu tích cực trong giảm thiểu tảo hôn

Nhiều năm trước, huyện Mèo Vạc (Hà Giang) từng là điểm 'nóng' của tình trạng tảo hôn. Tuy nhiên, trong 2 năm trở lại đây, với sự chủ động vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương, các đơn vị trường học và các lực lượng chức năng bằng những biện pháp cụ thể, vấn nạn tảo hôn cơ bản được đẩy lùi.

Giàng Chu Phìn là xã có gần 100% là đồng bào dân tộc Mông sinh sống, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn, trình độ nhận thức của người dân hạn chế, nhiều phong tục tập quán lạc hậu vẫn tồn tại dai dẳng trong cộng đồng; đặc biệt là vấn nạn tảo hôn. Điều đó không chỉ ảnh hưởng nặng nề đến chất lượng dân số, sức khỏe của người dân, mà còn để lại nhiều hệ lụy nặng nề cho gia đình và xã hội. Trước thực trạng đó, chính quyền xã và các đơn vị trường học đã đưa ra các giải pháp cụ thể, từng bước đẩy lùi tình trạng này. Trong đó, địa phương chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân bằng nhiều hình thức khác nhau.

 Các đơn vị trường học huyện Mèo Vạc (Hà Giang) tăng cường tuyên truyền không tảo hôn cho học sinh.

Các đơn vị trường học huyện Mèo Vạc (Hà Giang) tăng cường tuyên truyền không tảo hôn cho học sinh.

Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Giàng Chu Phìn Nguyễn Gia Giang, cho biết: “Với quyết tâm đẩy lùi nạn tảo hôn, lãnh đạo Đảng ủy, UBND xã đã lãnh đạo, chỉ đạo các tổ chức đoàn thể xã phối hợp với các thôn tuyên truyền sâu rộng đến đoàn viên thanh niên, hội viên phụ nữ hiểu và gương mẫu thực hiện các quy định; các trường học tổ chức cho học sinh ký cam kết không tảo hôn. Đối với những trường hợp cố tình vi phạm, chính quyền xã sẽ phối hợp với lực lượng công an nắm tình hình và có biện pháp xử lý dứt điểm”.

Là một trong 4 trường hợp có dấu hiệu tảo hôn trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 được chính quyền xã Giàng Chu Phìn hỗ trợ kịp thời, không rơi vào cảnh tảo hôn, em Vừ Thị Dúa, sinh năm 2009 chia sẻ: “Trong dịp Tết Nguyên đán vừa rồi, em có quen một bạn nam cùng xã và về sống ở nhà bạn nam. Tuy nhiên, sau khi em được cán bộ xã trực tiếp xuống vận động, khuyên nhủ, em đã hiểu và cũng khuyên bố mẹ cho em trở về nhà bố mẹ đẻ sinh sống”.

Còn tại xã Tả Lủng, nếu như dịp Tết Nguyên đán 2023, trên địa bàn xã xảy ra 8 trường hợp có dấu hiệu tảo hôn; với sự vào cuộc kịp thời của chính quyền xã và các đơn vị trường học, nhận thức của các em học sinh cũng như bà con đã thay đổi tích cực. Dịp Tết Nguyên đán 2024, xã Tả Lủng chỉ còn xảy ra một trường hợp có dấu hiệu tảo hôn. Sau khi nắm được thông tin, trường hợp này cũng đã được xã tuyên truyền, vận động thành công.

Xã Giàng Chu Phìn (Mèo Vạc, Hà Giang) tuyên truyền, vận động các trường hợp có dấu hiệu tảo hôn trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

Xã Giàng Chu Phìn (Mèo Vạc, Hà Giang) tuyên truyền, vận động các trường hợp có dấu hiệu tảo hôn trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

Cùng với chính quyền địa phương, các lực lượng quân sự, biên phòng, công an trên địa bàn cũng tích cực vào cuộc. Trung tá Giàng Xuân Thắng, Trưởng Công an huyện Mèo Vạc cho biết: “Cùng với việc chủ động phối hợp tuyên truyền với các địa phương, trong kỳ nghỉ lễ Tết Nguyên đán, lực lượng công an huyện, công an 18 xã, thị trấn trên địa bàn đảm bảo quân số trực, tăng cường nắm bắt tình hình. Khi phát hiện đôi nam nữ nào đó trên địa bàn có dấu hiệu kết hôn khi chưa đủ tuổi pháp luật quy định, chúng tôi sẽ phối hợp với chính quyền địa phương nắm và có giải pháp kịp thời”.

Theo thống kê của huyện Mèo Vạc, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, toàn huyện xảy ra 24 trường hợp có dấu hiệu tảo hôn. Tuy nhiên khi phát hiện, chính quyền các xã, thị trấn đã tuyên truyền vận động thành công. Nhờ đó, toàn huyện không có trường hợp nào kết hôn khi chưa đủ tuổi pháp luật quy định hoặc kết hôn với người có cùng huyết thống.

Ông Nông Văn Ngay, Trưởng phòng Dân tộc huyện Mèo Vạc cho biết: “Để có được những tín hiệu tích cực trong công tác phòng, chống tảo hôn của Mèo Vạc như hiện nay, ngay trước dịp Tết Nguyên đán, Phòng Dân tộc đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân huyện ban hành kế hoạch, phân công cụ thể cho từng ngành, đơn vị và địa phương căn cứ vào tình hình thực tế từng địa phương để lựa chọn nội dung, hình thức tuyên truyền, phổ biến phù hợp với từng nhóm đối tượng, địa bàn. Nội dung tuyên truyền bảo đảm ngắn gọn, thiết thực, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện để truyền tải đầy đủ đến cán bộ, người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn”.

Xã Sơn Vĩ (Mèo Vạc, Hà Giang) làm việc với các trường hợp có dấu hiệu tảo hôn trên địa bàn xã.

Xã Sơn Vĩ (Mèo Vạc, Hà Giang) làm việc với các trường hợp có dấu hiệu tảo hôn trên địa bàn xã.

Cũng theo ông Nông Văn Ngay, Phòng Dân tộc còn phối hợp với các ngành, địa phương tập trung triển khai Dự án 8 - Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em và Tiểu dự án 2: Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số thuộc Dự án 9 Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; giai đoạn I, từ năm 2021 đến năm 2025.

Từ chủ trương của Chính phủ về giảm thiểu tình trạng tảo hôn và sự vào cuộc quyết liệt tỉnh Hà Giang nói chung, huyện Mèo Vạc nói riêng, tư duy của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện đã từng bước thay đổi, vấn nạn tảo hôn được đẩy lùi; đời sống kinh tế đồng bào ngày càng khởi sắc.

Bài, ảnh: KIM THU

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/huyen-meo-vac-ha-giang-tin-hieu-tich-cuc-trong-giam-thieu-tao-hon-766756