HVC Group và Tập đoàn Hồ Gươm trúng dự án gần 800 tỷ tại Hòa Bình

Liên danh Công ty cổ phần Đầu tư và công nghệ HVC (HVC Group) và Công ty cổ phần Tập đoàn Hồ Gươm vừa được chọn là nhà đầu tư thực hiện dự án Khu biệt thự nhà vườn, trồng rừng kết hợp du lịch sinh thái tại xã Mông Hóa, TP. Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình.

UBND tỉnh Hòa Bình vừa chấp thuận Liên danh Công ty cổ phần Đầu tư và công nghệ HVC (HVC Group) và Công ty cổ phần Tập đoàn Hồ Gươm (gọi tắt Liên danh HVC Group - Hồ Gươm) là nhà đầu tư thực hiện dự án Khu biệt thự nhà vườn, trồng rừng kết hợp du lịch sinh thái tại xã Mông Hóa, TP. Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình. Trong đó, Công ty cổ phần Đầu tư và công nghệ HVC đứng đầu liên danh.

Dự án có tổng vốn đầu tư 791,8 tỷ đồng, trong đó vốn góp của nhà đầu tư là 118,77 tỷ đồng (vốn góp của CTCP Đầu tư và công nghệ HVC là 83,1 tỷ đồng và CTCP Tập đoàn Hồ Gươm là 35,6 tỷ đồng); vốn huy động là 673 tỷ đồng.

Trước đó (ngày 20/3/2023), UBND tỉnh Hòa Bình đã chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Khu biệt thự nhà vườn, trồng rừng kết hợp du lịch sinh thái tại xã Mông Hóa, TP. Hòa Bình, với quy mô dân số dự kiến 1.396 người.

Dự án có cơ cấu sử dụng đất gồm: Đất ở 8,15ha (đất ở biệt thự, đất nhà ở xã hội); đất thương mại dịch vụ 7.877m2; đất đường giao thông 4,3ha... Sơ bộ về cơ cấu sản phẩm nhà ở thương mại gồm 263 lô đất ở biệt thự có tổng diện tích 6,52ha, trong đó có 27 căn hoàn thiện xây thô.

Về tiến độ thực hiện dự án, từ quý I/2023 đến quý II/2023 sẽ chuẩn bị thủ tục đầu tư; từ quý III/2023 đến quý IV/2025 dự kiến sẽ giải phóng mặt bằng, khởi công xây dựng hạ tầng kỹ thuật công trình. Hoàn thành và đưa dự án vào hoạt động quý I/2026.

Theo tìm hiểu, HVC Group được thành lập vào năm 2011, có địa chỉ tại tầng 8, tháp C - Hồ Gươm Plaza, 102 Trần Phú, Phường Mộ Lao, Quận Hà Đông, TP. Hà Nội. Công ty có vốn điều lệ hơn 406,4 tỷ đồng. Ngày 30/11/2018, HVC Group chính thức được niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM, với mã chứng khoán HVH.

HVC Group hoạt động trong các lĩnh vực như: tổng thầu cơ điện M&E; tổng thầu thiết kế công nghệ; Cung cấp lắp đặt các thiết bị vui chơi giải trí cao cấp như: bể bơi, sân trượt băng nghệ thuật, thủy cung đại dương, công viên nước,….

Theo giới thiệu, HVC Group có vốn điều lệ hơn 406,4 tỷ đồng

Theo giới thiệu, HVC Group có vốn điều lệ hơn 406,4 tỷ đồng

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2024, doanh thu của HVC Group trong quý I đạt 104,3 tỷ đồng, tăng 174% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận gộp đạt hơn 17,2 tỷ đồng, tăng 120% so với cùng kỳ.

Trong kỳ, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của HVC Group đạt 11,6 tỷ đồng, tăng gấp 8 lần so với cùng kỳ năm 2023. Kết thúc quý I/2024, lợi nhuận sau thuế của công ty đạt 9,1 tỷ đồng, tăng gấp 7,2 lần so với cùng kỳ năm 2023.

HVC Group cho biết sự tăng trưởng doanh thu hợp nhất quý I/2024 so với quý I/2023 nhờ vào đóng góp từ doanh thu của công ty mẹ.

Trên bảng cân đối kế toán, tổng cộng tài sản của HVC Group tính đến ngày 31/3/2024 là hơn 612,9 tỷ đồng, giảm 7,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

HVC Group hiện có hơn 1,6 tỷ đồng tiền mặt; hơn 9,4 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng và hơn 48,3 tỷ đồng các khoản tương đương tiền (khoản tiền gửi tại Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam).

Tiếp đó, công ty có hơn 147,3 tỷ đồng phải thu ngắn hạn của khách hàng, trong đó: Công ty cổ phần Vinhomes – chi nhánh Hưng Yên hơn 53,3 tỷ đồng; Công ty TNHH Xây dựng Cát Hải (hơn 11,2 tỷ đồng); Công ty cổ phần Phát triển địa ốc Cienco 5 (9,6 tỷ đồng); CTCP bể bơi thông minh Spool (hơn 29,4 tỷ đồng); và hơn 25,8 tỷ đồng các khách hàng khác.

Tại ngày 31/3/2024, hàng tồn kho của HVC Group hơn 70 tỷ đồng, giảm 20% so với cùng kỳ năm ngoái.

HVC Group dành hơn 119,7 tỷ đồng đầu tư vào Công ty cổ phần Chí Thành. Được biết, Công ty cổ phần Chí Thành là công ty liên kết của Công ty mẹ và có tỷ lệ biểu quyết 45% và tỷ lệ lợi ích 44%.

Tính đến ngày 31/3/2024, tổng cộng nguồn vốn của HVC Group hơn 612,9 tỷ đồng. Trong đó, nợ phải trả hơn 115,8 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu hơn 497,1 tỷ đồng. Công ty hiện đang ghi nhận khoản vay ngắn hạn tại Ngân hàng Techcombank hơn 30 tỷ đồng.

Trên bảng lưu chuyển tiền tệ, trong quý I/2024, lưu chuyển tiền thuần trong năm của HVC Group âm 13,2 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ dương 5,6 tỷ đồng. Trong kỳ, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh âm 4,9 tỷ đồng và lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động đầu tư âm 3,5 tỷ đồng.

Công ty cổ phần Tập đoàn Hồ Gươm từng vướng "lùm xùm" tại Hồ Gươm Plaza

Công ty cổ phần Tập đoàn Hồ Gươm từng vướng "lùm xùm" tại Hồ Gươm Plaza

Thành viên thứ 2 trong liên danh là Công ty cổ phần Tập đoàn Hồ Gươm, tiền thân là phân xưởng may 2 thuộc xí nghiệp dịch vụ may Konfetimex thành lập năm 1992. Đến năm 1999, công ty này chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần và lấy tên là Công ty cổ phần May Hồ Gươm.

Năm 2017, công ty chuyển đổi thành Tập đoàn Hồ Gươm và đổi tên thành CTCP Tập đoàn Hồ Gươm. Đại diện pháp luật là bà Ninh Thị Ty (sinh năm 1954) kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị.

Năm 2009, Tập đoàn Hồ Gươm khởi công xây dựng dự án Hồ Gươm Plaza tại phường Mộ Lao, quận Hà Đông, TP. Hà Nội với tổng diện tích đất là hơn 1ha, diện tích sàn xây dựng là 170.000 m2, đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng. Đây là sản phẩm đầu tay đã tạo dấu ấn cho công ty này trên thị trường bất động sản.

Theo như chia sẻ của bà Ninh Thị Ty trên báo chí, đây là dự án tâm huyết của đời bà. Thế nhưng, dự án này từng gây ra bức xúc kéo dài cho nhiều khách hàng đã mua nhà tại đây.

Thời điểm đó, dự án Hồ Gươm Plaza từng dính rất nhiều sai phạm như: tự ý chuyển đổi công năng tòa nhà, xây dựng trái phép các căn hộ mini để bán từ khu thông gió, thiếu nhiều hạng mục so với hồ sơ thiết kế được duyệt ban đầu như bể bơi, phòng tập thể dục thể thao, khu vui chơi trẻ em trong nhà, chưa gắn camera ở các hành lang để giám sát, đảm bảo an ninh, chưa xây vườn hoa, phòng cộng đồng chưa hoàn thiện,...

Minh Đức

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/hvc-group-va-tap-doan-ho-guom-trung-du-an-gan-800-ty-tai-hoa-binh-d110967.html