Ia Grai: Hiệu quả giảm nghèo thông tin

Nhằm giúp người dân tiếp cận chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là những vấn đề liên quan đến xóa đói giảm nghèo, những năm qua, huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) đã tăng cường công tác truyền thông và giảm nghèo về thông tin.

Cuối năm ngoái, gia đình chị Rơ Lan In là 1 trong 6 hộ nghèo của làng Nú (xã Ia Khai). Nhà chị có khoảng 1,5 ha điều, 5 sào cao su nhưng vì thiếu vốn đầu tư, kỹ thuật chăm sóc còn hạn chế nên thu nhập không đáng kể. Được cán bộ xã động viên, tuyên truyền về ý chí tự lực vươn lên thoát nghèo chứ không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, vợ chồng chị cân nhắc, tìm hiểu kỹ càng rồi quyết định cho người khác thuê khoảng 8 sào điều đang cho trái và 5 sào cao su với thời hạn 10 năm. Đổi lại, người thuê đất xây cho gia đình chị một căn nhà khang trang với diện tích gần 100 m2, trị giá gần 500 triệu đồng.

Ông Rơ Lan Hôh-Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Nú (xã Ia Khai, huyện Ia Grai) hướng dẫn thêm cho gia đình chị Rơ Lan In về cách quản lý chi tiêu sao cho hợp lý. Ảnh: Lam Nguyên

Ông Rơ Lan Hôh-Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Nú (xã Ia Khai, huyện Ia Grai) hướng dẫn thêm cho gia đình chị Rơ Lan In về cách quản lý chi tiêu sao cho hợp lý. Ảnh: Lam Nguyên

Trước đây cả gia đình chen chúc trong căn nhà lụp xụp, trống trước hở sau, nhiều lần vợ chồng bàn nhau vay ngân hàng để xây nhà mới nhưng vì lo không có tiền trả lãi nên ước mơ về một tổ ấm chưa thực hiện được. Giờ đây có nơi ở ổn định, cộng thêm khoản dư 100 triệu đồng từ việc cho thuê vườn điều, chồng chị mua chiếc đò chở khách tại bến đò làng Nú, thu nhập gần chục triệu đồng mỗi tháng. Còn chị In thì chăm sóc gần 7 sào điều còn lại. Chính sự căn cơ ấy đã giúp gia đình chị thoát nghèo trong năm 2023.

Ông Rơ Lan Hôh-Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Nú cho hay: Lâu nay, tuy bà con có nhiều diện tích trồng điều nhưng chăm sóc chưa đúng kỹ thuật, hoặc thiếu kinh phí đầu tư phân bón nên hiệu quả kinh tế mang lại chưa cao. Mặt khác, nhiều hộ dân thu hoạch điều vào thời điểm được giá nhưng lại không biết cách chi tiêu, tiết kiệm nên việc tích lũy vốn để xây nhà là vượt quá khả năng của gia đình. Việc cho thuê một phần diện tích vườn điều để có thu nhập, cải thiện cuộc sống có thể xem như khoản tích lũy từ vườn cây, giúp họ có nhà ở khang trang, ổn định cuộc sống. Trong khi đó, xã vẫn thường xuyên cử cán bộ phối hợp với các đoàn thể xuống hướng dẫn thêm về kỹ thuật chăm sóc cây trồng, cách quản lý chi tiêu sao cho hợp lý. “Làng Nú có tổng cộng 105 hộ, trong năm 2023 đã có 3 hộ nghèo thoát, 3 hộ còn lại dự kiến sẽ thoát nghèo trong năm tới”-ông Rơ Lan Hôh nói.

Trao đổi với P.V, bà Nguyễn Mai Lương-Chủ tịch UBND xã Ia Khai cho biết: Những năm qua, công tác truyền thông và giảm nghèo về thông tin luôn được xã chú trọng. Ngoài tuyên truyền về giảm nghèo bằng băng rôn, khẩu hiệu, xã cũng tranh thủ truyền thông thông qua các cuộc họp ở thôn, làng. Mới đây, xã vừa phối hợp với 2 đơn vị gồm Viettel và Mobile hỗ trợ sim điện thoại cho các hộ nghèo như một phương thức giảm nghèo về thông tin, đồng thời đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số và tạo thuận lợi trong việc làm căn cước công dân. Cùng với nhiều giải pháp giảm nghèo từ các chương trình mục tiêu quốc gia như hỗ trợ phương tiện, thiết bị sản xuất, sinh kế, nhà ở, mở rộng chăn nuôi, trồng trọt,…từ 79 hộ nghèo (năm 2022), đến nay toàn xã chỉ còn 40 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 3,41%).

Chủ tịch UBND xã Ia Khai chia sẻ thêm: “Đầu năm 2024, xã sẽ được đầu tư mới toàn bộ hệ thống truyền thanh không dây đã bị sét đánh hư hỏng. Dự án do Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện làm chủ đầu tư, ngoài mục tiêu giảm nghèo thông tin còn thiết thực đáp ứng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới”.

Trung tâm xã Ia Khai ngày một khang trang. Ảnh: Lam Nguyên

Trung tâm xã Ia Khai ngày một khang trang. Ảnh: Lam Nguyên

Liên quan đến công tác truyền thông và giảm nghèo về thông tin, về mục tiêu giảm nghèo bền vững, ông Đào Lân Hưng-Phó Chủ tịch UBND huyện Ia Grai cho hay: Ủy ban nhân dân huyện luôn chỉ đạo sát sao các cơ quan, đơn vị liên quan và các xã, thị trấn phối hợp đẩy mạnh công tác trên. Một nội dung quan trọng khác là tăng cường tuyên truyền gương điển hình tiên tiến về giảm nghèo, qua đó phát huy nội lực của người dân và cộng đồng trong việc vươn lên thoát nghèo, xây dựng đời sống ngày càng no ấm.

Phó Chủ tịch UBND huyện Ia Grai thông tin: Năm 2022, UBND huyện đã phân bổ 204 triệu đồng từ nguồn vốn sự nghiệp thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững cho Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện để thực hiện công tác truyền thông. Ngoài xây dựng 18 chương trình phát thanh và truyền hình giảm nghèo về thông tin, phát sóng các chương trình phát thanh trên đài truyền thanh cấp xã, đơn vị còn tổ chức tuyên truyền bằng hình thức sân khấu hóa. Trong năm 2023, huyện cũng đã giao nguồn vốn 678 triệu đồng cho Trung tâm và 111 triệu đồng cho UBND các xã, thị trấn để thực hiện công tác truyền thông. Chung tay đẩy mạnh tuyên truyền giảm nghèo còn có MTTQ Việt Nam huyện và các tổ chức chính trị-xã hội.

Ông Hưng đánh giá: “Thông qua công tác truyền thông và giảm nghèo về thông tin, nhận thức và trách nhiệm của toàn xã hội về mục đích, ý nghĩa, nội dung, giải pháp của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 đã từng bước được nâng cao. Hộ nghèo, cận nghèo cơ bản nắm được các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về giảm nghèo bền vững, đồng thời học hỏi những mô hình hay, những tấm gương điển hình để phấn đấu vươn lên thoát nghèo”.

LAM NGUYÊN

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/ia-grai-hieu-qua-giam-ngheo-thong-tin-post260636.html