Ðình Tân Ðịnh thành Di tích Lịch sử cấp tỉnh

Ðình thần Tân Ðịnh vừa hân hoan đón nhận bằng xếp hạng Di tích Lịch sử cấp tỉnh, mang lại niềm vui chung, niềm tự hào cho đông đảo bà con ấp Bình Ðịnh, xã Tân Thành, TP Cà Mau.

Vào khoảng năm 1837, người dân đã tôn tạo ngôi miếu thờ Ông Cọp thành ngôi đình thờ Ông Cọp. Sau khi đình được sắc phong “Thành Hoàng Bổn Cảnh” thì đình tiếp tục thờ Thành Hoàng Bổn Cảnh và thờ Ông Cọp. Ðến ngày 29/11/1852, Ðình thần Tân Ðịnh được Vua Tự Ðức ban sắc phong thần.

Ðình thần là nơi thờ Thành Hoàng Bổn Cảnh, là vị thần cao nhất bảo hộ cho làng xã. Trên bình diện rộng hơn, đình còn là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa tâm linh, tín ngưỡng dân gian quan trọng trong đời sống người dân, không chỉ có giá trị về mặt kiến trúc mà còn là nơi gắn kết cộng đồng, thôi thúc mỗi người dân tìm về cội nguồn dân tộc. Ðình thần Tân Ðịnh là một trong những ngôi đình được xây dựng sớm, góp phần xác định lịch sử khai khẩn vùng đất Cà Mau.

Hằng năm, lúc mùa màng thu hoạch xong, cư dân địa phương lại tổ chức lễ hội Kỳ yên vào ngày 10 và 11/2 âm lịch, để ghi nhớ công ơn của các vị thần, các bậc tiền hiền và Ông Cọp đã có công gìn giữ, bảo vệ xóm làng yên ổn, no ấm.

Ðình thần Tân Ðịnh là nơi lưu giữ truyền thống, văn hóa tín ngưỡng từ xa xưa của người dân Tân Thành.

Ðình thần Tân Ðịnh là nơi lưu giữ truyền thống, văn hóa tín ngưỡng từ xa xưa của người dân Tân Thành.

Ghi nhận những giá trị lịch sử quan trọng của đình trong hành trình mở đất của cha ông ta, UBND tỉnh đã công nhận xếp hạng Ðình thần Tân Ðịnh là Di tích Lịch sử cấp tỉnh, đây là niềm tự hào, là sự tri ân các bậc tiền hiền đã có công mở mang bờ cõi.

Việc xây dựng đình làng cùng với quá trình lập làng vừa là nhu cầu tinh thần của người dân, vừa khẳng định chủ quyền lãnh thổ của cộng đồng người Việt trên vùng đất mới. Ðồng thời, đình làng cũng là chỗ dựa tâm linh của cộng đồng dân cư địa phương trong cuộc khai phá, khẩn hoang, đấu tranh sinh tồn. Chính vì vậy, việc công nhận Di tích Lịch sử cấp tỉnh đối với Ðình Tân Ðịnh là niềm vui, niềm tự hào rất lớn đối với bà con nơi đây.

Ngày 24/11, UBND TP Cà Mau tổ chức lễ đón nhận bằng xếp hạng Di tích Lịch sử cấp tỉnh. Ðây là niềm vui và vinh dự của đông đảo người dân.

Ngày 24/11, UBND TP Cà Mau tổ chức lễ đón nhận bằng xếp hạng Di tích Lịch sử cấp tỉnh. Ðây là niềm vui và vinh dự của đông đảo người dân.

Ông Bùi Văn Thái, ấp Bình Ðịnh, xã Tân Thành, cho biết: “Chúng tôi lấy làm tự hào, mãn nhãn trong buổi lễ đón nhận bằng xếp hạng di tích hôm nay. Là người dân và cũng là thành viên trong Ban Trị sự, tôi sẽ cố gắng cùng bà con xung quanh đóng góp sức người, sức của theo khả năng của mình, để đình làng ngày càng đẹp hơn, khang trang hơn”. Ông Huỳnh Thanh Kiếm, Chánh bái Ðình Tân Ðịnh, chia sẻ: “Trong cuộc đời làm chánh bái ở đây, tôi cảm thấy rất hân hoan khi đình được nhận bằng xếp hạng di tích. Ban Trị sự chúng tôi hứa sẽ gìn giữ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích”.

Kiến trúc truyền thống bên trong Ðình thần Tân Ðịnh.

Kiến trúc truyền thống bên trong Ðình thần Tân Ðịnh.

Lãnh đạo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau mong muốn đình giữ được những giá trị truyền thống; cũng như địa phương quan tâm, duy tu đình.

Lãnh đạo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau mong muốn đình giữ được những giá trị truyền thống; cũng như địa phương quan tâm, duy tu đình.

Ông Tăng Vũ Em, Phó chủ tịch UBND TP Cà Mau, trao gởi: “UBND xã Tân Thành, Ban Quản trị Ðình thần Tân Ðịnh và bà con Nhân dân có trách nhiệm cùng chung tay nỗ lực gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa của di tích để những giá trị ấy được sống mãi trong tinh thần của người dân Tân Thành nói riêng, của Nhân dân tỉnh Cà Mau nói chung. Có như vậy mới phát huy hết giá trị của di tích trong việc giáo dục lịch sử, văn hóa truyền thống và đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần về mặt tâm linh của người dân”.

Ông Trần Hiếu Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, lưu ý: “Ðể bảo tồn và phát huy giá trị di tích Ðình Tân Ðịnh, thời gian tới, chính quyền địa phương cần quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để bảo quản, tu bổ và phát huy các giá trị di tích. Tăng cường công tác tuyên truyền về văn hóa, lịch sử của di tích; tổ chức các hoạt động sinh hoạt văn hóa cộng đồng gắn với di tích. Gìn giữ cơ sở vật chất, các hiện trạng còn lưu trữ; tổ chức tốt lễ hội Kỳ yên hằng năm. Chung tay tu bổ ngôi đình ngày càng khang trang hơn”./.

Nhật Minh - Ngọc Huệ thực hiện

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/-inh-tan-inh-thanh-di-tich-lich-su-cap-tinh-a30392.html