Interpol đổi mới cam kết trước các mối đe dọa tội phạm toàn cầu

Trong môi trường thách thức an ninh toàn cầu đang mở rộng thì việc phối hợp chia sẻ thông tin giữa các lực lượng giữ gìn trị an càng trở nên bức thiết.

1. Từ ngày 23-25/4/2024, các quan chức cảnh sát cấp cao từ khắp nơi trên thế giới hội tụ về Lyon, Pháp để tham dự một sự kiện không chỉ là một cuộc họp mà còn là biểu tượng của sự đoàn kết và hợp tác. Đó là cuộc họp thường niên của những người đứng đầu các Văn phòng Trung ương quốc gia (NCB) của Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol) do chính Interpol tổ chức.

Được khởi xướng vào năm 2005 bởi cựu Tổng thư ký Ronald Noble, cuộc họp mặt này qua nhiều năm đã biến thành một diễn đàn không thể thiếu của những người đứng đầu NCB. Đó là không gian nơi sự hợp tác đóng vai trò trung tâm và là nơi vạch ra lộ trình cho hoạt động giữ gìn an ninh - trật tự của thế giới.

Hội nghị có sự góp mặt của 196 lãnh đạo NCB toàn cầu.

Interpol được thành lập từ năm 1923. Tuy nhiên, dưới sự quản lý của tiến sĩ Noble (2000-2014), tổ chức này mới thực sự có những thay đổi đáng chú ý để theo kịp thời đại. Tiến sĩ Noble đã sớm nhận ra vai trò không thể thiếu của NCB, một văn phòng làm cầu nối giữa Tổng thư ký Interpol và các cơ quan thực thi pháp luật tại các quốc gia thành viên. Vai trò của họ trong việc thúc đẩy hợp tác, chia sẻ thông tin tình báo và điều tra xuyên biên giới không thể phủ nhận. Một mạng lưới tại chỗ được kết nối khắp toàn cầu sẽ giúp Interpol có thể tiếp cận vấn đề một cách trực tiếp đồng thời thừa nhận sự phức tạp của tội phạm xuyên biên giới và sự cấp thiết của các nỗ lực phối hợp toàn cầu.

Tầm quan trọng của NCB còn được nhấn mạnh hơn nữa bởi các sáng kiến như triển khai Nhóm ứng phó sự cố Interpol (IRT). Gần đây, IRT đã thể hiện được năng lực của mình khi được triển khai đến khu vực có nguy cơ khủng bố cao ở Tây Phi trong màu áo của lực lượng cảnh sát hòa bình Liên hợp quốc hay hỗ trợ quốc gia chủ nhà Bờ Biển Ngà trong thời gian diễn ra Cúp bóng đá châu Phi (CAN) vào năm 2023. Những sự hợp tác này nhấn mạnh giá trị của việc khai thác chuyên môn đa dạng để giải quyết những thách thức nhiều mặt đồng thời tạo nên hình mẫu về sự hợp tác quốc tế.

Tổng Thư ký Interpol phát biểu tại hội nghị Giám đốc NCB.

Dự án OASIS (Dịch vụ hỗ trợ hoạt động và hỗ trợ cơ sở hạ tầng) ở châu Phi từ năm 2008 là một minh chứng khác cho cam kết của Interpol trong việc tăng cường hỗ trợ hoạt động và cơ sở hạ tầng trong khu vực. Với 24 triệu euro ban đầu từ Bộ Ngoại giao Đức, sáng kiến này nhằm mục đích tăng cường nỗ lực chống tội phạm quốc gia và xuyên quốc gia ở châu Phi. Dự án này đã tiếp tục được nhân rộng tới nhiều khu vực khác trên thế giới trong những năm qua.

Hội nghị năm nay ở Lyon còn mang thêm một ý nghĩa đặc biệt quan trọng nữa đó là năm bầu cử khi Interpol tìm kiếm Tổng thư ký mới. Các ứng cử viên sẽ có thêm cơ hội tiến hành tranh cử và vạch ra tầm nhìn của mình tại sự kiện này, họ sẽ gây được sự chú ý lớn.

Hội nghị Giám đốc NCB diễn ra tại Lyon, Pháp.

2. Hội nghị “Những người đứng đầu NCB” của Interpol lần thứ 19 đã kết thúc với việc các đại biểu thông qua một loạt kết luận nhằm tăng cường phản ứng thực thi pháp luật. Tổng thư ký Interpol, ông Jrgen Stock nhấn mạnh: “Nhiều dữ liệu được chia sẻ qua Interpol đồng nghĩa với việc cảnh sát ở 196 quốc gia thành viên của chúng tôi sẽ nhận được nhiều kết quả hơn”. Để giải quyết sự phức tạp của mối đe dọa tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia ngày nay, sự hợp tác thực thi pháp luật toàn cầu nhằm đảm bảo rằng thông tin phù hợp được cung cấp đúng nơi, đúng thời điểm là quan trọng hơn bao giờ hết.

Đầu tiên là quyết định mở rộng quyền truy cập vào I-24/7 (mạng lưới liên lạc cảnh sát toàn cầu của Interpol) tới các đơn vị thực thi pháp luật chuyên ngành và các điểm kiểm soát biên giới, đồng thời chia sẻ thêm dữ liệu tội phạm thông qua 19 cơ sở dữ liệu của tổ chức. Đây là những nỗ lực mới nhất của Interpol nhằm tăng cường chia sẻ thông tin, điều được được nhấn mạnh là chìa khóa của hoạt động trong thời buổi toàn cầu hóa hiện nay.

Thêm vào đó, việc tăng cường sử dụng các công cụ kiểm soát của Interpol, chẳng hạn như Cơ chế dừng thanh toán can thiệp nhanh toàn cầu (I-GRIP) để ngăn chặn số tiền thu được từ gian lận tài chính qua mạng cũng đã được xác nhận và sẽ tiếp tục được triển khai. Kể từ khi ra mắt I-GRIP vào năm 2022, Tổ chức này đã giúp các nước thành viên ngăn chặn hành vi tẩu tán tài sản phạm tội trị giá hơn 500 triệu USD.

Nhu cầu trao đổi dữ liệu nhiều hơn về các tổ chức khủng bố, cơ chế hỗ trợ của chúng và bất kỳ mối liên hệ nào với tội phạm có tổ chức đã được nhấn mạnh, cũng như chia sẻ phương thức hoạt động liên quan đến các sự cố và vật liệu nổ hóa học, sinh học, phóng xạ, hạt nhân … đang ngày càng lớn. Đó cũng sẽ là những nội dung được cập nhập vào cơ sở dữ liệu của Interpol trong thời gian tới theo quyết định của các giám đốc NCB.

Đồng thời, để bảo vệ tốt hơn các thành viên dễ bị tổn thương trong xã hội, NCB cũng được khuyến khích sử dụng nhiều hơn cơ sở dữ liệu Khai thác tình dục trẻ em quốc tế (ICSE) của Interpol để chia sẻ thông tin, xác định người phạm tội và bảo vệ nạn nhân, cũng như cảnh báo về những kẻ lạm dụng tình dục.

Chia sẻ thông tin là trọng tâm trong hoạt động của Interpol.

3. Interpol là tổ chức quốc tế duy nhất có mạng lưới toàn cầu gồm các nhân viên bảo vệ dữ liệu được bổ nhiệm bắt buộc. Để hỗ trợ các nguyên tắc bảo vệ dữ liệu như tính hợp pháp, chất lượng, tính minh bạch và trách nhiệm giải trình, việc thúc đẩy mạng lưới này nhằm tăng cường hơn nữa niềm tin và hiệu quả trong hoạt động trị an toàn cầu cũng đã được Hội nghị Người đứng đầu NCB tán thành. Đây cũng được coi là nỗ lực của Interpol trong việc thực hiện cam kết phát triển bền vững của mình.

Interpol cũng đã đề ra bảy Mục tiêu Chính sách Toàn cầu (GPG) để giải quyết một loạt vấn đề liên quan đến tội phạm và an ninh. Được các quốc gia thành viên xác nhận vào năm 2017, các GPG đã chính thức được triển khai từ năm 2018. Phù hợp với Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền và nguyên tắc trung lập (được quy định lần lượt tại Điều 2 và 3 trong Điều lệ Interpol), các GPG này mang tính phổ quát, nhưng cũng đầy tham vọng và được củng cố bởi các hành động tập thể.

Cả 7 GPG của Interpol đều hỗ trợ cho chương trình Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) của Liên hợp quốc. Điều này đặc biệt đúng với SDG 5 (Đạt được bình đẳng giới và trao quyền cho tất cả phụ nữ và trẻ em gái) và SDG 17 (Tăng cường quan hệ đối tác toàn cầu vì phát triển bền vững). Quá trình rà soát GPG vào năm 2023 đã được tiến hành song song với đánh giá giữa kỳ việc thực hiện SDG. Tại cuộc họp của giám đốc NCB lần thứ 19 này, Interpol đã đánh giá lại và xác định 5 lĩnh vực cốt lõi sẽ có tác động đến hoạt động của tổ chức trong thời gian tới: Chia sẻ dữ liệu và thông tin; Hợp tác; Quản trị, pháp quyền và tôn trọng nhân quyền; Xây dựng năng lực đào tạo, đổi mới số hóa và đặc biệt nhấn mạnh vào hai loại tội phạm mới là tội phạm mạng và tội phạm tài chính.

Tổng kết cuộc họp với các giám đốc NCB đến từ 196 nước thành viên, Tổng thư ký Jrgen Stock khẳng định: “Cuộc họp này đã mang lại động lực mới cho các Văn phòng Trung ương quốc gia của chúng ta, những cơ quan đóng vai trò quan trọng trong cấu trúc an ninh toàn cầu”. Trong kỷ nguyên kết nối, những thách thức mà chúng ta phải đối mặt như tội phạm xuyên quốc gia, khủng bố và an ninh mạng ngày càng phức tạp. Cuộc họp thường niên của “Những người đứng đầu NCB” là minh chứng cho tầm quan trọng lâu dài của hợp tác quốc tế và sự lãnh đạo có tầm nhìn trong việc thực thi pháp luật. Tất cả vì một thế giới an toàn hơn.

Tiểu Phong

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/ho-so-interpol/interpol-doi-moi-cam-ket-truoc-cac-moi-de-doa-toi-pham-toan-cau-i730633/