Iran-Israel: Từ 'cuộc chiến trong bóng tối' tới đối đầu trực diện

Từ lâu, cả Iran và Israel đều cố gắng tránh đối đầu trực tiếp với nhau thông qua 'cuộc chiến trong bóng tối', nhưng những leo thang gần đây đã thay đổi cục diện.

Ngày 19-4, truyền thông Iran đưa tin nước này đã kích hoạt hệ thống phòng không tại TP Isfahan (miền trung Iran) để bắn hạ ba vật thể trên không, trong bối cảnh có báo cáo về vụ nổ ở TP này. Các chuyến bay cũng đã bị đình chỉ trong một thời gian ngắn trước khi được dỡ bỏ.

Trước đó, hãng tin ABC News dẫn lời một quan chức Mỹ rằng tên lửa của Israel đã tấn công một địa điểm ở Iran. Người phát ngôn Cơ quan vũ trụ Iran - ông Hossein Dalirian nói trên nền tảng X (trước đây là Twitter) rằng Iran đã bắn hạ một số máy bay không người lái (UAV) và “hiện chưa có cuộc tấn công tên lửa nào” vào nước này, theo hãng tin AFP.

Một cuộc duyệt binh tại Iran hôm 17-4. Ảnh: REUTERS

Quân đội Israel nói với đài CNN rằng họ “không có bình luận vào lúc này". Trong khi tờ New York Times dẫn lời hai quan chức Israel rằng nước này đã tấn công Iran sáng sớm 19-4.

Vụ việc trên xảy ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Iran và Israel ngày càng leo thang kể từ khi Israel bắt đầu cuộc chiến ở Gaza. Điều này làm dấy lên lo ngại về một cuộc xung đột khu vực rộng lớn hơn, theo kênh Al Jazeera.

Từ cuộc chiến trong bóng tối…

Theo tạp chí Foreign Affairs, căng thẳng Iran-Israel chủ yếu diễn ra trong bóng tối của các cuộc chiến tranh lớn hơn ở Trung Đông. Iran sử dụng lực lượng ủy nhiệm trên khắp Trung Đông để tấn công Israel. Phương thức chính của Iran khi tiến hành cuộc chiến này là cung cấp vũ khí tiên tiến, đặc biệt là tên lửa và UAV, cho các nhóm vũ trang ở Dải Gaza và ở Iraq, Lebanon, Syria và Yemen.

Theo tạp chí này, Tehran muốn gây bất ổn cho Israel bằng cách lôi kéo nước này vào cuộc xung đột dai dẳng và bao vây Israel bằng những kẻ thù mà nước này không thể dễ dàng đánh bại bằng hành động quân sự. Sự hỗ trợ của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran (IRGC) dành cho lực lượng Hamas là nền tảng của chiến lược đó.

Để đối phó Iran, Israel đã tiến hành các hoạt động bí mật nhắm vào Iran, đặc biệt là chương trình vũ khí hạt nhân của nước này. Các cuộc tấn công, được cho là do cơ quan tình báo Mossad của Israel tiến hành, bao gồm các vụ đánh bom bên trong các cơ sở hạt nhân và quân sự của Iran cũng như các vụ ám sát các quan chức, sĩ quan và nhà khoa học cấp cao. Vụ ám sát gây chấn động nhất là vụ sát hại ông Mohsen Fakhrizadeh - quan chức hạt nhân hàng đầu của IRGC vào năm 2020.

Mặc dù Iran cố gắng trừng phạt Israel thông qua các cuộc tấn công "ăn miếng trả miếng", chẳng hạn như các nỗ lực ám sát những người Israel nổi tiếng ở nước ngoài và tấn công tàu thuyền của Israel, nhưng Iran cố gắng tránh việc tấn công trực tiếp vào Israel. Điều đó một phần là do lo ngại rằng làm như vậy có thể gây ra một cuộc chiến tranh rộng lớn hơn với Israel và Mỹ.

…đến đối đầu trực diện

Tuy nhiên, những hành động “ăn miếng trả miếng” liên tục trong những tuần gần đây đã đưa cuộc chiến ngầm giữa Iran và Israel thành cuộc đối đầu trực diện khi hai bên tấn công lãnh thổ lẫn nhau. Cuộc tấn công được cho là của Israel vào Iran hôm 19-4 được coi là màn trả đũa của Israel đối với cuộc tấn công chưa từng có của Iran vào Israel hôm 13-4.

Hệ thống phòng không Israel hoạt động khi Iran tấn công bằng tên lửa và UAV hôm 13-4. Ảnh: REUTERS

Như đã đề cập ở trên, Iran từ lâu luôn tránh việc tấn công trực tiếp vào lãnh thổ Israel, nhưng Iran đã làm điều này vào đêm 13-4. Chuyên gia Ray Takeyh về Trung Đông tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (CFR - Mỹ) đưa ra ba lý do giải thích quyết định của Iran:

(1) Iran có thể nhận thấy rằng Israel quá bận tâm đến cuộc chiến ở Gaza và do đó nước này sẽ ít miễn cưỡng hơn khi tham gia các cuộc trả đũa quan trọng.

(2) Iran muốn nhấn mạnh với các lực lượng ủy nhiệm của mình rằng khi họ chiến đấu với Israel ở tiền tuyến, Iran sẽ không ngồi im và nhìn họ bị Israel đánh bại.

(3) Sự chia rẽ ngày càng sâu sắc giữa Mỹ và Israel cũng như sự phản ứng của cộng đồng quốc tế liên quan cuộc chiến của Israel ở Gaza khiến Iran cho rằng một Israel bị cô lập sẽ ít động lực trong việc trả đũa.

Trong khi đó, Foreign Affairs đưa ra một lý do khác là động thái trả đũa một cách công khai và phô trương sức mạnh to lớn (với khoảng 300 UAV, tên lửa) báo hiệu rằng những người ra quyết định ở Iran không còn bị thuyết phục bởi logic của sự kiềm chế mà nước này duy trì bấy lâu.

Còn đối với Israel, nước này từ lâu theo đuổi một chính sách cứng rắn, tức là khi bị kẻ thù tấn công, Israel sẽ phản đòn mạnh đến mức kẻ thù không hành động được nữa, theo tờ The Wall Street Journal. Đấy là lý do Israel phát động cuộc chiến ở Gaza sau cuộc tấn công của Hamas vào lãnh thổ Israel hôm 7-10-2023, và cuộc tấn công của Iran hôm 13-4 đã vấp phải sự trả đũa từ phía Israel.

Dù vậy, cuộc tấn công quy mô nhỏ, sử dụng số lượng tên lửa hoặc UAV hạn chế, của Israel đã thành công trong việc xuyên thủng hệ thống phòng không của Iran nhưng dường như cũng gửi đi thông điệp mong muốn chấm dứt chu kỳ leo thang.

Ngay sau vụ tấn công của Israel, hãng tin Reuters dẫn lời một quan chức cấp cao của Iran rằng Tehran không có kế hoạch trả đũa ngay lập tức với Israel, dẫn tới suy đoán rằng màn “ăn miếng trả miếng” của đôi bên đã kết thúc tại đây.

Nếu thực sự điều này diễn ra thì đây là một tín hiệu đáng mừng giữa những lo ngại về vòng xoáy bạo lực mới tại Trung Đông, đặc biệt là khi cuộc xung đột đang diễn ra ở Gaza cướp đi rất nhiều sinh mạng dân thường ở dải đất này, và cuộc chiến này vẫn chưa có hồi kết.

Tuy vậy, Foreign Affairs lưu ý rằng sự trả đũa tối thiểu của Israel có thể thành công trong việc ngăn chặn chuỗi trả đũa dai dẳng ít nhất là trong một thời gian. Tuy nhiên nguyên nhân gốc rễ của căng thẳng Iran-Israel vẫn chưa thể giải quyết triệt để.

“Chừng nào Iran còn tiếp tục thúc đẩy chiến lược bao vây Israel và cung cấp vũ khí tiên tiến cho các lực lượng ủy nhiệm thì Israel sẽ buộc phải theo đuổi chiến dịch đối kháng chống lại Iran" - theo tạp chí này.

VĨNH KHANG

Nguồn PLO: https://plo.vn/iran-israel-tu-cuoc-chien-trong-bong-toi-toi-doi-dau-truc-dien-post786736.html