Jemaah Islamiah đang hồi sinh ở Indonesia?
Sau khi Taliban kiểm soát hoàn toàn lãnh thổ Afghanistan đồng thời ra mắt chính phủ mới thì ở Indonesia, tổ chức Hồi giáo cực đoan Jemaah Islamiah (JI), là chi nhánh Đông Nam Á của ai-Qaeda cũng tái xuất hiện sau nhiều năm im hơi lặng tiếng kể từ những vụ khủng bố kéo dài trong suốt những năm 2002 đến 2010…
Jemaah Islamiah và những vụ khủng bố
Thành lập ngày 1-1-1993 bởi Abu Bakar Bashir và Abdullah Sungkarm, JI có nguồn gốc từ phong trào Hồi giáo chống thực dân tại Indonesia hồi thập niên 1940. Do bị chính quyền Tổng thống Suharto đàn áp, Abu Bakar Bashir và Abdullah Sungkarm chạy sang Malaysia rồi thiết lập mối quan hệ với tổ chức khủng bố Al-Qaeda. Khi Suharto bị lật đổ năm 1998, cả hai trở về Indonesia để tập hợp lại lực lượng. Được Osama bin Laden công nhận là chi nhánh Al-Qaeda Đông Nam Á, JI trở thành tổ chức khủng bố.
Hoạt động bạo lực của JI bắt đầu từ những vụ xung đột cộng đồng ở Maluku và Poso giữa người theo đạo Hồi và người theo đạo Thiên Chúa. Khi Chính phủ Mỹ và đồng minh phát động cuộc chiến tranh chống khủng bố sau vụ 11-9, JI xem người Mỹ là mục tiêu hàng đầu, không chỉ ở Indonesia mà còn ở Philippines qua việc tài trợ cho các nhóm khủng bô ëAbu Sayyaf (ASG), Mặt trận giải phóng Hồi giáo Moro (MILF), nhóm ly khai Misuari (MRG/MBG) và phong trào Rajah Sulaiman (RSM).
Thế giới bắt đầu chú ý đến JI khi nhóm này âm mưu đánh bom phái bộ ngoại giao Mỹ, Australia, Anh, Israel, ở Singapore nhưng do mạng lưới tình báo hoạt động hiệu quả nên ngày 9-12-2001, cơ quan an ninh Singapore tiến hành đột kích vào một căn cứ bí mật của JI, bắt giữ 37 thành viên, 40 tấn thuốc nổ cùng nhiều tang vật khác.
Khi ấy, Mỹ và các nước đồng minh cũng như Indonesia cho rằng âm mưu đánh bom của JI ở Singapore là để hưởng ứng vụ tấn công khủng bố của Al-Qaeda ngày 11-9. Tuy nhiên khi xảy ra vụ đánh bom kép tại khu du lịch đảo Bali ngày 12-10-2002 khiến 202 người chết cùng các vụ đánh bom khách sạn JW Marriott ở Kuningan, Jakarta năm 2003, đánh bom Đại sứ quán Australia tại Jakarta năm 2004 và nhất là vụ đánh bom lần thứ 2 nhắm vào khu du lịch Bali năm 2005 rồi tiếp theo là vụ đánh bom khách sạn JW Marriott va Ritz-Carlton năm 2009 thì thế giới nhận ra rằng JI nguy hiểm nhiều hơn họ tưởng.
Một thành viên JI (dấu X) cùng nhóm khủng bố Abu Sayyaf ở Mindanao, Philippines.
Từ sau vụ đánh bom Bali năm 2002 trở đi, những kẻ lãnh đạo JI lần lượt bị bắt hoặc bị tiêu diệt, phần lớn đều do Biệt đội 88 chống khủng bố của Indonesia thực hiện với sự trợ giúp của một số cựu lãnh đạo JI đã từ bỏ bạo lực, cũng như của Nasir Abbas, người đã từng tham gia cuộc “thánh chiến” ở Afghanistan. Kết quả là JI rút vào bóng tối.
Trong suốt 10 năm - từ 2011 đến 2021 - JI hầu như không thực hiện một hoạt động khủng bố nào đáng kể ngoại trừ vài vụ cướp tiệm vàng, ngân hàng. Theo ghi nhận của cơ quan an ninh Indonesia, nhiều phần tử IJ trở thành chủ đồn điền trồng cọ lấy dầu, chủ khách sạn và thậm chí là chủ trường học. Bên cạnh đó, nhiều phòng tập thể dục, nhà cung cấp thuốc thảo dược truyền thống, nhà hàng, quán cà phê, dịch vụ cho thuê xe hơi… cũng nằm dưới quyền kiểm soát của JI.
Trước đó, năm 2019, khi Biệt đội 88 bắt giữ Para Wijayanto, thủ lĩnh JI rồi qua lời khai của nhân vật này, cơ quan an ninh Indonesia phần nào hình dung được cách mà JI tồn tại. Các hoạt động kinh tế của JI kiếm tiền nhiều đến mức giúp họ đủ khả năng trả lương cho những thành viên của mình mỗi người mỗi tháng từ 5 hoặc 10 triệu rupiah (tương đương 700 USD đến 1.050 USD). Ông Aswin Siregar, người đứng đầu bộ phận hoạt động của Biệt đội 88 nói với trang tin “Tuần này ở châu Á - This Week in Asia” rằng: “JI là nhóm khủng bố được tổ chức tốt nhất ở Đông Nam Á về tuyển dụng, cơ cấu và tài trợ”.
Vẫn theo ông Aswin Siregar, JI còn kiếm tiền từ những “hộp từ thiện” đặt ở các khu vực công cộng trong những vùng do nhóm này kiểm soát, và Biệt đội 88 đã tịch thu 15.000 hộp. Chưa hết, một tổ chức phi chính phủ có quan hệ bí mật với JI đã quyên góp cho JI khoảng 1,45 triệu USD. Ông Aswin Siregar nói: “Người lãnh đạo của tổ chức ấy đã bị bắt hồi tháng trước. Nhìn chung, JI chưa bao giờ ngừng hoạt động cũng như ngừng mở rộng phạm vi ảnh hưởng của mình”.
Những thành viên JI bị bắt bởi âm mưu khủng bố trong ngày lễ độc lập của Indonesia.
Hồi sinh?
Tháng 3-2021, khi Taliban bắt đầu tung ra những cuộc tấn công ở nhiều tỉnh, thành trên khắp đất nước Afghanistan, dẫn đến hiện tượng quân đội chính phủ bỏ chạy hàng loạt thì ở Indonesia, JI cũng manh nha hành động. Mạng lưới các trường nội trú Hồi giáo được sự bảo trợ về tài chính của JI liên tục bổ sung giáo trình giảng dạy nhằm mục đích nhồi sọ thế hệ thanh thiếu niên Indonesia bằng những giải thích cực đoan về đạo Hồi, xem đây là biện pháp ươm mầm cho những chiến binh thánh chiến tương lai.
Các cuộc tấn công khủng bố do JI thực hiện trong quá khứ được nhắc lại một cách bền bỉ với mục đích biện minh cho việc sử dụng bạo lực theo luật Sharia khắc nghiệt. Tất cả những động thái ấy đã chứng tỏ mặc dù JI không thực hiện một cuộc tấn công khủng bố nào trong những năm gần đây, nhưng những kẻ lãnh đạo JI vẫn kiên trì lập kế hoạch, thúc đẩy và ủng hộ các hành động khủng bố, duy trì ý định sẵn sàng sử dụng bạo lực để hỗ trợ lâu dài cho các mục tiêu chính trị.
Ngay sau khi chính phủ cầm quyền ở Kabul sụp đổ, giới quan sát chính trị quốc tế tin rằng việc Taliban kiểm soát hoàn toàn Afghanistan đã truyền cảm hứng cho JI trong việc tái xuất hiện với ý đồ thành lập một “nhà nước Hồi giáo”, không chỉ ở Indonesia mà còn ở một số quốc gia Đông Nam Á như Malaysia, Singapore, Philippines, Brunei…
Nhận định của giới quan sát chính trị quốc tế còn được củng cố bằng việc ngày 28-12-2020, Biệt đội 88 đã phát hiện 12 địa điểm huấn luyện của JI tại tỉnh Trung Java. Thiếu tướng Argo Yuwono, Cục trưởng Cục Thông tin Cảnh sát quốc gia Indonesia cho biết, một trong những trại huấn luyện là một tòa biệt thự 2 tầng ở thị trấn Ungaran thuộc huyện Semarang. Tại đây, có ít nhất 96 thành viên được tuyển mộ bởi Karso, một trong những lãnh đạo JI. Họ học cách tự vệ bằng tay không, học cách dùng gươm, cách cài bom và một số kỹ năng khác.
Lời khai của những kẻ bị bắt cho thấy nhiều chiến binh tốt nghiệp ở những khóa trước đã lên đường sang Syria để gia nhập tổ chức khủng bố Jabhat al-Nura, hay còn được biết đến dưới cái tên Mặt trận al-Nursa. Điều đáng lưu ý là chi phí mỗi tháng cho khóa huấn luyện lên đến 65 triệu rupiah, bao gồm tiền ăn ở, mua sắm trang thiết bị, trả lương cho người huấn luyện.
Cũng trong tháng 12, Biệt đội 88 bắt được Aris Sumarsono (hay còn gọi là Zulkarnaen) tại tỉnh Lampung trên đảo Sumatra sau 18 năm sống ngoài vòng pháp luật. Nhân vật này nằm trong danh sách truy nã đỏ của Indonesia đồng thời cũng là người Indonesia duy nhất bị chính phủ Mỹ săn lùng với số tiền thưởng lên đến 5 triệu USD vì đã tổ chức vụ đánh bom trên đảo Bali cũng như góp phần thực hiện vụ đánh bom tại khách sạn Marriott ở thủ đô Jakarta.
Từng được Al-Qaeda huấn luyện ở Afghanistan, khi về nước Zulkarnaen đã thành lập và trực tiếp chỉ huy một đơn vị đặc biệt gồm 300 người, gọi là Laskar Khos trong hàng ngũ JI, chuyên tấn công tự sát. Gần đây nhất, JI lên kế hoạch khủng bố nhắm vào lễ kỷ niệm ngày độc lập của Indonesia (17-8). Người phát ngôn của Biệt đội 88 trong một cuộc họp báo cho biết, đơn vị này đã bắt 53 phần tử JI cùng nhiều vũ khí, đạn dược, chất nổ ở 11 tỉnh trên toàn quốc, đang chuẩn bị thực hiện âm mưu này.
Hiện trường một vụ đánh bom khủng bố do JI thực hiện.
Nguy cơ bất ổn vẫn còn đó
Theo ước tính của cơ quan an ninh Indonesia, JI hiện có khoảng 6.000 thành viên có khả năng trực tiếp tham gia chiến đấu cùng một số khác sống hợp pháp trong xã hội. Ngoài ra còn khoảng 300 tay súng JI hoạt động trong hàng ngũ Al-Qaeda, Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) hoặc Taliban ở Afghanistan từ hơn 1 thập niên trước. Nó là nguồn nhân lực rất quý báu của JI bởi tính kiên định Hồi giáo và sự tàn bạo với kẻ thù. Nhưng số này khó có điều kiện quay lại Indonesia do những biện pháp an ninh nghiêm ngặt của chính phủ.
Một quan chức phụ trách chống khủng bố ở Indonesia cho biết JI đang lên kế hoạch gửi tân binh đến Afghanistan học tập nhằm nâng cao khả năng tác chiến: “Nếu kế hoạch của JI được Taliban chấp thuận thì trong ngắn hạn, nó sẽ có tác động rất lớn về tâm lý và tinh thần. Nó tái khẳng định lời cam kết của Taliban với các tổ chức cùng chí hướng trước khi họ kiểm soát Afghanistan, rằng Taliban có thể đánh bại một chế độ do Mỹ hậu thuẫn thì JI cũng có thể làm được".
Tuy nhiên theo giáo sư Zachary Abuza, giảng viên Đại học quốc gia Washington, Mỹ, chuyên về chống khủng bố và nổi dậy thì: “Mặc dù trong số các thành viên chính phủ mới của Taliban ở Afghanistan, có kẻ đã trực tiếp liên quan đến vụ tấn công 11-9 nhắm vào nước Mỹ nhưng trong bối cảnh hiện tại, Taliban sẽ không để thế giới quay lưng với mình vì ngoài vấn đề an ninh chính trị, nó còn trực tiếp liên quan đến nhân quyền, kinh tế, xã hội...
Phát biểu với trang tin This Week in Asia, Suhail Shaheen, phát ngôn viên của Taliban cho biết: “Taliban không cho phép bất kỳ nhóm khủng bố nước ngoài nào, bao gồm cả Al-Qaeda hoạt động trong lãnh thổ Afghanistan” nhưng theo những nhà phân tích chính trị, trước mắt Taliban có thể sẽ làm ngơ trước những yêu cầu của Al-Qaeda, IS, JI hoặc những tổ chức khủng bố khác. Nhưng trong tương lai, khi những đòi hỏi của Taliban về tài sản của chính phủ cũ ở nước ngoài hiện đang bị phong tỏa, hoặc những khoản viện trợ không được đáp ứng thì tình thế có thể sẽ khác…
Chính vì vậy, JI vẫn là mối đe dọa hiện hữu, cận kề cho nền an ninh của Indonesia cũng như của một số quốc gia Đông Nam Á. Ông Ahmad Ramadhan, người phát ngôn của cảnh sát Indonesia cho biết nước này sẽ không bao giờ ngơi nghỉ trong việc chống lại JI và những tổ chức khủng bố khác trong bối cảnh Indonesia là quốc gia có số tín đồ theo đạo Hồi đông nhất thế giới. Ông Ahmad Ramadhan nói: “Chúng tôi vẫn tiếp tục săn lùng những thành viên JI còn lại. Sẽ không có chỗ cho JI ở Indonesia”.
Với Philippines, nơi mà các nhóm khủng bố ở nước này vẫn chịu ảnh hưởng lớn của JI thì sự trỗi dậy của JI ở Indonesia đã gây ra mối lo ngại. Giáo sư Rommel Banlaoi, Chủ tịch Viện Nghiên cứu hòa bình, bạo lực và khủng bố có trụ sở ở Philippines cho biết hiện đang có những cuộc tiếp xúc giữa JI với các tay súng Abu Sayyaf và Mặt trận giải phóng Hồi giáo Moro ở đảo Mindanao, Philippines. Ông nói: “Trên thực tế, Abu Sayyaf và Mặt trận giải phóng Hồi giáo Moro vẫn tiếp tục sử dụng mạng lưới do JI thiết lập để liên kết với Al-Qaeda, IS ở Afghanistan và nhiều nơi trên thế giới. Điều đó chứng tỏ rằng sau gần 10 năm “ngủ đông” để củng cố và bảo toàn lực lượng, có vẻ như JI nay đã lại hồi sinh”.
Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/ho-so-mat/jemaah-islamiah-dang-hoi-sinh-o-indonesia--i628848/