Kết nối cung - cầu hàng hóa giữa Việt Nam với các châu lục

Hệ thống Thương vụ tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan trong nước làm tốt công tác thu thập thông tin, kết nối thị trường, kết nối cung - cầu hàng hóa giữa Việt Nam với các châu lục, các quốc gia…

Sáng nay (31/1), Bộ Công Thương đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, hiệp hội ngành hàng tổ chức “Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 1/2023”. Hội nghị đã thu hút trên 500 đại biểu từ các cơ quan thuộc Bộ Công Thương, toàn bộ hệ thống Thương vụ, Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, các Văn phòng Xúc tiến thương mại Việt Nam tại nước ngoài...

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, trong bối cảnh kinh tế thế giới suy giảm, tăng trưởng xuất khẩu của nhiều nền kinh tế sụt giảm, tuy nhiên năm 2022 vừa qua, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam tiếp tục vượt qua khó khăn và duy trì được mức tăng trưởng cao – với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt khoảng 732 tỷ USD, tăng gần 10% so với năm 2021.

Trong đó, xuất khẩu đạt khoảng 371,5 tỷ USD, hoàn thành vượt mức chỉ tiêu kế hoạch được Quốc hội và Chính phủ giao (kế hoạch tăng 8%). Cán cân thương mại tiếp tục ghi nhận xuất siêu năm thứ 7 liên tiếp với thặng dư gần 11 tỷ USD, góp phần tích cực cho cán cân thanh toán, giúp nâng cao dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá và các chỉ số kinh tế vĩ mô khác của nền kinh tế.

Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 1/2023.

Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 1/2023.

Mặc dù xuất khẩu tăng cao nhưng mức độ phụ thuộc vào khu vực FDI vẫn còn lớn (kim ngạch xuất khẩu của khối doanh nghiệp FDI kể cả dầu thô chiếm khoảng 74% tổng KNXK). Giá trị gia tăng trong xuất khẩu chưa được như mong muốn. Tốc độ đa dạng hóa thị trường ở một số sản phẩm (như rau quả) còn chậm nên chưa có khả năng đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn, chất lượng của các thị trường, tận dụng tốt các ưu đãi thuế quan từ các FTA đã ký kết. Việc chuyển từ hoạt động xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch còn chậm.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước tháng 1/2023 ước đạt 46,56 tỷ USD, giảm 17,3% so với tháng trước và giảm 25% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 25,08 tỷ USD, giảm 13,6%, so với tháng trước. Nhập khẩu ước đạt 21,48 tỷ USD, giảm 21.3% so với tháng trước. cán cân thương mại đạt thặng dư 3,6 tỷ USD. Việc giảm về con số do tháng 1 có thời gian nghỉ Tết dương lịch và Tết Nguyên đán kéo dài, mặt khác kinh tế thế giới khó khăn, nhu cầu tiêu dùng giảm, dẫn tới đơn hàng mới giảm.

Chịu tác động không nhỏ từ thế giới và nội tại của nền kinh tế còn rất nhiều khó khăn, thách thức, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh vai trò của các bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp trong việc triển khai tốt Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023, trong đó có vai trò của hệ thống cơ quan thương vụ Việt Nam ở nước ngoài.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên yêu cầu hệ thống Thương vụ tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan trong nước làm tốt công tác thu thập thông tin, kết nối thị trường, kết nối cung - cầu hàng hóa giữa ta và các châu lục, các quốc gia, giữa các doanh nghiệp, từ đó giúp các doanh nghiệp trong nước điều chỉnh kịp thời những chiến lược, kế hoạch sản xuất, kinh doanh cho phù hợp với nhu cầu của thị trường.

“Điều quan trọng nhất là các Thương vụ phải tiếp tục thu thập thông tin, có những kiến nghị đối với các cơ quan chức năng, cơ quan quản lý nhà nước và khuyến nghị đối với các Hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp để có những điều chỉnh phù hợp trong chiến lược và kế hoạch sản xuất kinh doanh. Làm sao để những doanh nghiệp, những vùng nuôi của các địa phương có những mặt hàng, những ngành hàng có lợi thế trong xuất khẩu đều phải đáp ứng được các tiêu chuẩn, điều kiện của một thị trường cụ thể…”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.

Người đứng đầu ngành Công Thương cũng yêu cầu các Thương vụ và cơ quan chức năng liên quan phát huy tốt hơn nữa công tác xúc tiến thương mại, phát triển thị trường xuất khẩu, đồng hành cùng các địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp cùng thực hiện theo chủ đề điều hành của Chính phủ đã xác định cho năm 2023: "Đoàn kết kỷ cương, bản lĩnh linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả"./.

Nguyên Long/VOV1

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/ket-noi-cung-cau-hang-hoa-giua-viet-nam-voi-cac-chau-luc-post998965.vov