Kết nối Đông Hà - Cửa Việt, nâng tầm phát triển kinh tế đô thị

Khu vực ven biển tỉnh Quảng Trị có vị trí đặc biệt quan trọng, thuận lợi cho phát triển kinh tế-xã hội bao gồm Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị và tuyến dịch vụ-du lịch ven biển tỉnh Quảng Trị. Bên cạnh đó là hệ thống giao thông thuận lợi từ Quốc lộ 9 nối cảng Cửa Việt với Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, Quốc lộ 9D nối các điểm du lịch-dịch vụ Cửa Việt-Cửa Tùng-Vịnh Mốc, Quốc lộ 49C nối với trung tâm Khu kinh tế Đông Nam đi Cửa khẩu quốc tế La Lay...

Điều kiện để hình thành đô thị biển

Quảng Trị có bờ biển dài 75 km, dọc bờ biển có hai cửa sông lớn là Cửa Tùng và Cửa Việt. Hệ sinh thái vùng biển phong phú, có ngư trường rộng lớn, nguồn thủy, hải sản dồi dào và có giá trị kinh tế cao. Biển Quảng Trị có nhiều bãi tắm đẹp như Cửa Tùng, Cửa Việt, Mỹ Thủy là điều kiện để phát triển du lịch nghỉ dưỡng biển. Ngoài ra còn có cảng Cửa Việt và đảo Cồn Cỏ dồi dào tiềm năng để phát triển thương mại, dịch vụ và du lịch biển-đảo.

Quốc lộ 9 đoạn nối Đông Hà về Cửa Việt -Ảnh: N.K

Khu vực ven biển huyện Hải Lăng có điều kiện thuận lợi để phát triển cảng đào có quy mô lớn với độ sâu đến 13m có thể tiếp nhận tàu đến 100.000 tấn. Với việc phát hiện quan trọng về tiềm năng khí tại lô 113, 112 trên vùng biển thềm lục địa Việt Nam cách bờ biển Quảng Trị khoảng 130km mở ra cơ hội phát triển các ngành công nghiệp khí ở vùng ven bờ tỉnh Quảng Trị.

Đặc biệt là sự ra đời của Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị phát triển đa ngành, nghề được kỳ vọng sẽ là điểm đột phá về kinh tế của tỉnh Quảng Trị. Một trung tâm lớn về công nghiệp chế biến nông-lâmthủy sản, điện năng, du lịch, thương mại dịch vụ và cảng biển nước sâu của vùng Trung Bộ; hình thành nên một khu vực phát triển đột phá, góp phần nâng cao vị thế tỉnh Quảng Trị trong khu vực Bắc Trung Bộ, vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

Đặc biệt là hạ tầng quan trọng như đường bộ, đường sắt được Chính phủ quan tâm đầu tư xây dựng, cùng với các cơ chế, chính sách thông thoáng sẽ tạo ra những đột phá về kinh tế, tạo nên sự liên kết phát triển giữa các đô thị trong tỉnh mà trước mắt là kết nối đô thị Đông Hà với đô thị Cửa Việt cần được triển khai thực hiện.

Trong chiến lược phát triển du lịch biển, đảo, tỉnh Quảng Trị đã phê duyệt quy hoạch chung xây dựng Khu dịch vụ-du lịch Cửa Việt có diện tích trên 141ha. Đến nay, Khu du lịch biển Cửa Việt đã được quy hoạch đầu tư khá hoàn chỉnh về cơ sở hạ tầng, đường ven biển Cửa Việt - Cửa Tùng nối với đường xuyên Á từ thành phố Đông Hà về cảng Cửa Việt mở ra cơ hội cho vùng biển hội nhập với EWEC.

Cửa Việt đang được xem là một trong những điểm du lịch hấp dẫn đối với du khách đến từ khu vực Đông Bắc Á khi đến Quảng Trị. Vùng biển, đảo và cụm di tích văn hóa, lịch sử đặc sắc của tỉnh trải dọc theo trục Quốc lộ 1, Quốc lộ 9 cũng trở thành địa điểm lý tưởng cho du khách từ châu Âu, châu Mỹ...khi đến Quảng Trị khám phá, nghỉ dưỡng và thăm lại chiến trường xưa.

Với những tiềm năng, lợi thế sẵn có, theo phương án của tỉnh đến năm 2030 sẽ xây dựng đô thị Cửa Việt (khu vực nội thị) trên cơ sở sáp nhập đô thị Cửa Việt, xã Gio Hải, đô thị Bồ Bản đạt tiêu chí đô thị loại V. Định hướng đến năm 2050, xây dựng đô thị Cửa Việt đạt tiêu chí đô thị loại IV, đồng thời cũng tạo ra quỹ đất rộng lớn để thúc đẩy sự phát triển các đô thị, khu du lịch-dịch vụ ven biển.

Hiện nay ở Cửa Việt diện tích đất nông, lâm nghiệp, đất chưa sử dụng còn nhiều, nguồn nhân lực dồi dào đó là những điều kiện cần để phát triển khu vực Cửa Việt trở thành một đô thị sầm uất nơi cửa biển.

Bên cạnh đó, dự án các cảng biển cũng được tỉnh quan tâm thực hiện, sau khi hoàn thành sẽ đáp ứng nhu cầu xuất khẩu, nhập hàng hóa tổng hợp, góp phần thực hiện vai trò động lực thu hút đầu tư, phục vụ nhu cầu sản xuất cho các dự án khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Để phục vụ cho quá trình phát triển, tỉnh đã đề xuất mở rộng cảng Cửa Việt về phía thượng lưu cầu Cửa Việt.

Theo quy hoạch, bến cảng Cửa Việt khi phát triển đến năm 2030 sẽ bao gồm 4 bến cảng tổng hợp phía Bắc với chiều dài 327m và 5 bến chuyên dùng phía Nam với chiều dài 510m. Vì thế, khu vực Cửa Việt có định hướng phát triển thành trung tâm dịch vụ du lịch, văn hóa, xã hội, là đô thị du lịch nghỉ dưỡng biển gắn liền với Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị.

Lợi thế về sự kết nối Đông Hà với Cửa Việt

Thực tế hiện nay ở Quảng Trị các đô thị đều phát triển theo chiều rộng chưa phát triển theo chiều sâu. Do đó, ý tưởng kết nối đô thị Đông Hà với Cửa Việt là thể hiện tầm nhìn chiến lược trong tổng quan phát triển liên kết vùng. Do đó, việc đầu tư hạ tầng kỹ thuật khu vực Cửa Việt làm cơ sở để nâng cấp thị trấn Cửa Việt lên độ thị loại IV là định hướng phát triển có tính dài hơi. Từ đó nhằm phát triển đô thị theo hướng nâng cao chất lượng môi trường sống tạo sự “kích cầu” để phát triển kinh tế xã hội, hạ tầng kỹ thuật dân sinh hiện đại, thân thiện với môi trường.

Một khi, Cửa Việt sẽ là điểm cuối Hành lang kinh tế Đông-Tây và Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng, trở thành cửa ngõ hướng ra biển Đông sẽ tạo điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế, liên kết với các quốc gia láng giềng để cùng phát triển thịnh vượng. Đặc biệt là việc khởi công giai đoạn 1 Dự án đường ven biển kết nối EWEC đi ngang qua thị trấn Cửa Việt sẽ tạo ra trục giao thông kết nối vùng, cùng với hệ thống Quốc lộ 1, đường cao tốc Bắc-Nam, đường ven biển tạo thành hệ thống giao thông liên tỉnh để phát triển kinh tế, nhất là kinh tế biển kết nối với thành phố Đông Hà, trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh, là đô thị động lực trên EWEC với Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị.

Khu du lịch Cửa Việt -Ảnh: N.K

Trên hành lang kinh tế ven biển đã xác định rõ vai trò, chức năng chủ đạo của các khu vực đô thị cũng như các hành lang kinh tế, kỹ thuật chủ yếu là khai thác thương mại, dịch vụ gắn với các hoạt động du lịch biển, trở thành một trong các trung tâm du lịch biển lớn của khu vực miền Trung; thị trấn Cửa Việt là đô thị du lịch-dịch vụ và công nghiệp biển, phát triển về thương mai, dịch vụ gắn với khai thác thế mạnh cảng biển. Phát triển cụm công nghiệp Nam Cửa Việt, trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá, cung ứng các dịch vụ vận tải biển...

Do đó, việc đầu tư về hạ tầng kỹ thuật đáp ứng được yêu cầu phát triển của một đô thị biển tương xứng với đô thị Đông Hà là hết sức cần thiết nhằm kết nối hoàn thiện 2 địa danh này thành một tổ hợp phát triển. Muốn làm được điều này, trước hết phải tỏ rõ quyết tâm nhất quán trong đầu tư phát triển đô thị biển, thể hiện rõ tầm nhìn phía biển. Từ đó mới đưa ra những quyết sách phù hợp trong quy hoạch và định hướng phát triển; trong đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng mà giao thông “phải đi trước một bước”.

Từ Đông Hà về Cửa Việt, một quãng đường dài không quá 15km sẽ xóa nhòa một khi kết nối 2 địa danh này thành một khối để phát triển và cùng phát triển để có sự tác động tương hỗ lẫn nhau trên hành trình xây dựng quê hương Quảng Trị hướng đến giàu mạnh.

Hồ Nguyên Kha

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/ket-noi-dong-ha-cua-viet-nang-tam-phat-trien-kinh-te-do-thi-185203.htm