Kết nối văn hóa đọc: Đặc sắc truyện ngắn Thâm Tâm

Chỉ với thi phẩm “Tống biệt hành”, Thâm Tâm (1917-1950) đã ghi tên mình như một trong những nhà thơ tiêu biểu của phong trào Thơ mới (1932-1941). Vì lẽ đó, đa số độc giả ít chú ý đến các mảng sáng tác khác của ông. Trong khi trên thực tế, Thâm Tâm là một người đa tài, ông đã viết những truyện ngắn đặc sắc.

Với nỗ lực đem các tác phẩm văn xuôi của Thâm Tâm giới thiệu tới công chúng cũng như kỷ niệm 105 năm Ngày sinh tác giả, tuyển tập “Truyện ngắn Thâm Tâm” của NXB Văn học đã ra đời. So với ấn bản đầu tiên phát hành năm 2000 có tên “Thâm Tâm truyện ngắn”, tuyển tập này bổ sung thêm 7 truyện ngắn, nâng tổng số truyện ngắn lên 45, bên cạnh 5 phụ lục kịch ngắn.

 Bìa cuốn sách.

Bìa cuốn sách.

Các tác phẩm được đưa vào tập sách đều là các truyện được đăng rải rác từ năm 1941 tới năm 1944 trên tờ Tiểu thuyết thứ bảy vốn là nơi chiêu mộ khá nhiều nhân tài làng văn thời bấy giờ. Trong giai đoạn ấy, Thâm Tâm viết đều tay, đăng thường kỳ với số lượng nhiều và truyện nào cũng để lại dư âm trong lòng người đọc.

Độc giả có thể dễ dàng nhận thấy, trong tuyển tập này, bút pháp văn xuôi của Thâm Tâm thấm đẫm chất thi ca. Hầu như tất cả các truyện đều có những tựa đề vần điệu, giống một tứ thơ lãng mạn. Những “Bông lan trần mộng”, “Ôi là mái tóc gió sương”, hay “Chân sim bóng đá, tiếng ve gợi sầu” đều là những nhan đề gợi tả và gợi cảm. Trong lối hành văn, Thâm Tâm cố ý sắp đặt con chữ thành một bản hòa thanh uyển chuyển bổng trầm. Như trong truyện “Giăng soi vườn cải hoa vàng”, ngay từ đoạn mở đầu đã thấy ngay chất trữ tình đậm đặc: “Ngồng cải vươn cao đều một luống, lay động ánh giăng, giãi cái màu nửa vàng nửa xanh lấp loáng. Hoa cải lăn tăn từng cánh, như có như không...”.

Điều đặc biệt là truyện ngắn Thâm Tâm không chứa nhiều tình tiết ly kỳ, thể hiện cốt truyện đột phá hay bước ngoặt trong tính cách nhân vật. Thay vào đó, Thâm Tâm tạo ra những bối cảnh tâm lý, dòng suy tư hay những tình huống đời thường để truyền tải góc nhìn và tư tưởng của mình tới độc giả.

Xuyên suốt tập truyện này, độc giả có thể thấy Thâm Tâm say mê tinh thần lãng mạn chân chính, nhân văn-thứ sẽ khiến lòng người trở nên cao đẹp hơn. Đồng thời, tác giả lên án thói hão huyền, phù phiếm vô tình trong đối nhân xử thế-điều khá phổ biến trong cả văn chương và cuộc đời lúc bấy giờ. Trong truyện ngắn “Cái nạn thi vị hóa”, ngay từ đầu nhân vật tôi đã thốt lên: “Tôi bẩm sinh là giống đa tình, nhưng người ta lại bảo tôi không chung tình, người ta cho rằng tôi chỉ đi khảo cứu đàn bà, khảo cứu cái sống và khảo cứu cái yêu. Tôi cũng không thể hiểu rõ tôi nữa!”. Chính cái lãng mạn rởm đời này là thủ phạm gạt phăng hai người đàn bà vô tội và xinh đẹp ra khỏi cuộc đời y. Đó chẳng há là vô trách nhiệm và vị kỷ?

Dù cách viết mang hơi hướng lãng mạn, những truyện ngắn này vẫn được xếp vào hàng những tác phẩm hiện thực bởi tác giả đã hướng cảm xúc của mình vào việc khắc họa cuộc sống với tất cả những nỗi niềm, uẩn khúc của nó. Từ đó, tác giả đã nêu bật lên những vấn đề về nhân cách và đạo lý sống giữa người với người. Thâm Tâm phê phán cách sống phù phiếm, bạc bội, cùng với những tính toán gian manh, đớn hèn và ác man. Các truyện tiêu biểu cho nhận định này là “Một cuộc tiễn hành vô cùng cảm động”, “Gã thanh niên mù ấy là tôi”, “Giờ tan học cuối cùng”, “Bán sách cũ”, “Lòng ta đầy sắc tím”...

Ngôn ngữ truyện ngắn Thâm Tâm mang dáng dấp của ngôn ngữ thơ với lối viết vần điệu nhịp nhàng, sử dụng dày đặc các từ Hán Việt. Điều này ít nhiều làm suy giảm tính hiện thực của các tác phẩm, nếu mang so sánh với các truyện ngắn của các cây bút cùng thời như Vũ Trọng Phụng, Nguyên Hồng, Vũ Bằng và nhất là Nam Cao.

Đọc truyện ngắn Thâm Tâm, người đọc có thể dễ dàng nhận ra dù sáng tác thể loại nào, Thâm Tâm vẫn trung thành với một phong cách viết, một tư tưởng: Tôn thờ vẻ đẹp nhưng không hề phù phiếm, mà thực sự có ích cho cuộc đời và con người.

Theo qđnd.vn

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/van-hoa/202307/ket-noi-van-hoa-doc-dac-sac-truyen-ngan-tham-tam-d7272cd/