Khai thác dầu khí của Petrovietnam vượt xa kế hoạch

Trong 4 tháng qua, sản lượng khai thác dầu khí của Petrovietnam vượt xa kế hoạch, trong đó khai thác dầu thô vượt 20,7% kế hoạch, khai thác khác khí vượt 36% kế hoạch.

Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Ngọc Sơn điều hành giao ban. Ảnh: A.N/BNEWS/TTXVN

Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Ngọc Sơn điều hành giao ban. Ảnh: A.N/BNEWS/TTXVN

Trong 4 tháng đầu năm, sản lượng khai thác dầu khí của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam-PVN) đều vượt xa kế hoạch, trong đó khai thác dầu thô đạt 3,38 triệu tấn, vượt 20,7% kế hoạch, khai thác khác khí đạt 2,3 tỷ m3, vượt 36% kế hoạch.

Tại giao ban sản xuất kinh doanh thường kỳ tháng 5, Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Ngọc Sơn cho biết trong tháng 4 vừa qua, kinh tế thế giới và trong nước tiếp tục có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, IMF cảnh báo lãi suất cao và việc ngừng hỗ trợ tài chính đang đè nặng lên tăng trưởng ngắn hạn, trong khi triển vọng trung hạn vẫn yếu nhất trong nhiều thập kỷ do năng suất thấp và căng thẳng thương mại toàn cầu.
Cùng đó, nhiều yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của Petrovietnam như: Giá trị đồng đô la Mỹ tăng mạnh gây áp lực lên giá dầu; tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu thụ; biên lợi nhuận lọc dầu đang có xu hướng giảm; giá phân bón giảm mạnh và dự báo sẽ tiếp tục giảm trong quý II này do nguồn cung dồi dào trong khi nhu cầu không có nhiều cải thiện; thị trường phân bón NPK trong nước vẫn dư cung…

Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình năng lượng, lãnh đạo Petrovietnam kiểm tra tiến độ dự án NMĐ Nhơn Trạch 3&4. Ảnh: A.N/BNEWS/TTXVN

Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình năng lượng, lãnh đạo Petrovietnam kiểm tra tiến độ dự án NMĐ Nhơn Trạch 3&4. Ảnh: A.N/BNEWS/TTXVN

Để vượt qua các thách thức này, Petrovietnam tiếp tục quản trị biến động, quyết liệt điều hành, bám sát vĩ mô, thị trường, kế hoạch quản trị đặt ra; đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh an toàn, thông suốt, tận dụng hiệu quả các cơ hội thị trường, đạt kết quả khả quan.

Nhờ vậy, hầu hết các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh tháng 4/2024 của Petrovietnam đều vượt kế hoạch từ 1% – 35,2%, như: Khai thác dầu thô đạt 0,84 triệu tấn, vượt 25% kế hoạch, khai thác khí đạt 615 triệu m3, vượt 46% kế hoạch, sản xuất đạm đạt 157 nghìn tấn, vượt 5,8% kế hoạch…
Đặc biệt, các nhà máy, đơn vị điện lực của Petrovietnam hoạt động an toàn, ổn định ở công suất cao, cung ứng tối đa nguồn điện cho hệ thống trong giai đoạn nguy cơ thiếu điện cao. Trong tháng 4, sản xuất điện của Tập đoàn đạt 3,19 tỷ kWh, vượt 12,3% kế hoạch và tăng 22,3% so với tháng 3. Sản lượng điện huy động trung bình ngày trong toàn Tập đoàn đạt 106 triệu kWh/ngày, cao nhất từ đầu năm, tăng 26,4% so với mức huy động trung bình ngày trong tháng 3. Ngày 27/4/2024 toàn hệ thống Petrovietnam đạt mức sản lượng cao nhất 111,3 triệu kWh.
Tính chung 4 tháng qua, khai thác dầu thô đạt 3,38 triệu tấn, vượt 20,7% kế hoạch, khai thác khác khí đạt 2,3 tỷ m3, vượt 36% kế hoạch; sản xuất phân đạm đạt 634 nghìn tấn, vượt 7 % kế hoạch; sản xuất điện đạt 9,82 tỷ kWh vượt 2,3% kế hoạch; sản xuất xăng dầu (không bao gồm sản lượng của nhà máy lọc dầu Nghi Sơn) đạt 1,78 triệu tấn, vượt 30,3% kế hoạch.
Nhờ thực hiện tốt quản trị biến động nên mặc dù giá các sản phẩm chủ lực của Petrovietnam, đặc biệt biên lợi nhuận hóa dầu giảm 24,5% so với cùng kỳ năm 2023 nhưng các chỉ tiêu tài chính chủ yếu của Tập đoàn đều hoàn thành vượt mức từ 27-89% kế hoạch. Cụ thể, tổng doanh thu toàn Tập đoàn 4 tháng qua ước đạt 308,2 nghìn tỷ đồng, vượt 34% kế hoạch và tăng 18% so với cùng kỳ năm 2023; nộp ngân sách toàn Tập đoàn ước đạt 42,3 nghìn tỷ đồng, vượt 44% kế hoạch và tăng 15% so với cùng kỳ năm 2023; lợi nhuận trước thuế hợp nhất Tập đoàn ước đạt 14,9 nghìn tỷ đồng, vượt 74% kế hoạch.
Trong 4 tháng qua, 14 đơn vị của Petrovietnam có mức tăng trưởng doanh thu từ 4 - 76% và lợi nhuận trước thuế từ 7% đến hơn 2,5 lần so với cùng kỳ năm 2023.

Hoạt động thực địa tại mỏ PM3 - CAA, nơi vừa có phát hiện mới và đưa vào khai thác. Ảnh: A.N/BNEWS/TTXVN

Hoạt động thực địa tại mỏ PM3 - CAA, nơi vừa có phát hiện mới và đưa vào khai thác. Ảnh: A.N/BNEWS/TTXVN

Ngày 24/4 vừa qua, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Kết luận 76-KL/TW của Bộ Chính trị về tình hình thực hiện NQ-41-NQ/TW ngày 23/7/2015 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến 2035 và một số định hướng cho giai đoạn phát triển mới. Đây là tiền đề quan trọng để Petrovietnam thực hiện định hướng chiến lược phát triển trở thành Tập đoàn công nghiệp năng lượng hàng đầu quốc gia; có 2 phát hiện dầu khí mới tại Lô 09-1, mỏ Rồng, giếng khoan R-79 và Lô PM3-CAA, mỏ Bunga Aster, giếng khoan BA- 1x, đánh dấu trong 2 năm liên tiếp Petrovietnam đã có 2 phát hiện dầu khí/năm. Bên cạnh đó, vào 18h18 phút ngày 15/5, Liên doanh Vietsovpetro đạt mốc quan trọng khai thác tấn dầu thứ 250 triệu.
Tập đoàn cũng đã đưa vào vận hành chính thức hệ thống quản trị nguồn lực doanh nhiệp (ERP) cho Công ty mẹ Tập đoàn giai đoạn 1; tổ chức hội thảo về công tác an ninh mạng, tăng cường đảm bảo an toàn thông tin, dữ liệu thông suốt cho hoạt động sản xuất kinh doanh; an sinh xã hội 4 tháng qua đạt 89,6 tỷ đồng…
Phát biểu tại giao ban, Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Lê Mạnh Hùng yêu cầu các đơn vị tập trung dự báo, đánh giá các rủi ro về hoàn thành kế hoạch và kiểm soát chặt chẽ các mục tiêu; tăng cường kiểm soát chi phí; tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy sản xuất kinh doanh tại các đơn vị khó khăn, thua lỗ; tập trung tái cấu trúc theo kế hoạch; thúc đẩy đầu tư, đặc biệt là các dự án trọng điểm…

Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Lê Mạnh Hùng phát biểu chỉ đạo. Ảnh: A.N/BNEWS/TTXVN

Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Lê Mạnh Hùng phát biểu chỉ đạo. Ảnh: A.N/BNEWS/TTXVN

Tiếp thu chỉ đạo của Chủ tịch HĐTV Tập đoàn, Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Ngọc Sơn đề nghị các đơn vị tiếp tục bám sát kế hoạch quản trị triển khai các hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các chỉ tiêu sản xuất về dầu khí, điện; chuẩn bị tốt nguồn nhiên liệu cho các nhà máy điện; quản trị tốt danh mục đầu tư, tiếp tục tập trung rà soát, tháo gỡ những vướng mắc, điểm nghẽn, thúc đẩy, làm tốt hơn công tác đầu tư – tài chính trong thời gian tới; phân giao nhiệm vụ trong Ban Điều hành, các Ban của Tập đoàn và các đơn vị thành viên để bám sát thực hiện; đồng thời chỉ đạo giải quyết kịp thời các kiến nghị của các đơn vị với Tập đoàn; tập trung thực hiện công tác tái cấu trúc theo Quyết định số 1243/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án cơ cấu lại Tập đoàn giai đoạn đến hết năm 2025, trong đó các đơn vị đã có phân công cụ thể cần bám sát để thực hiện.

Anh Nguyễn/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/khai-thac-dau-khi-cua-petrovietnam-vuot-xa-ke-hoach/333316.html