Khám sức khỏe tiền hôn nhân, phát hiện nhiều trường hợp bất thường

Bệnh viện Hùng Vương (TP HCM) đã tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân cho 154 cặp thanh niên công nhân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn. Đáng chú ý, kết quả của nam có 66% tinh trùng bất thường.

 Khám sức khỏe tiền hôn nhân là sự thể hiện trách nhiệm của các cặp đôi đối với xã hội, tương lai của đất nước. Ảnh: Hải Yến

Khám sức khỏe tiền hôn nhân là sự thể hiện trách nhiệm của các cặp đôi đối với xã hội, tương lai của đất nước. Ảnh: Hải Yến

Thông tin về khám sức khỏe tiền hôn nhân được PGS-TS-BS Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương, chia sẻ tại hội nghị kỷ niệm 62 năm Ngày dân số Việt Nam (26-12) do Sở Y tế TP HCM tổ chức ngày 10-12.

Các cặp đôi được tặng quà tại buổi lễ

Các cặp đôi được tặng quà tại buổi lễ

Theo bác sĩ Tuyết, tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân là vấn đề mới trong quan niệm của người dân nhưng bước đầu đã nhận được sự đồng tình hưởng ứng thực hiện.

Trong 2 tuần, Bệnh viện Hùng Vương đã tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân cho 154 cặp thanh niên công nhân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn. Kết quả của nam cho thấy có 7 người nhiễm viêm gan siêu vi B; 105 người tinh trùng bất thường; 1 trường hợp không tinh trùng.

Những trường hợp trên cần được theo dõi, điều trị nhằm ngăn ngừa tình trạng xơ gan, tiêm ngừa cho người phối ngẫu để tránh mắc bệnh và lây từ mẹ sang con khi mang thai. Với những trường hợp bất thường, tinh trùng cần được khám hiếm muộn, tư vấn xét nghiệm.

Đối với nữ, kết quả cho thấy 10 người bị tiểu đường; 10 người nhiễm viêm gan siêu vi B; 32 người thiếu máu; 7 người u xơ tử cung ở mức theo dõi; 4 người có polyp lòng tử cung cần được điều trị trước khi có kế hoạch mang thai.

Bác sĩ Tuyết cho biết dù kết quả trên không đại diện cho toàn bộ thanh niên tại TP HCM song đây được xem như hồi chuông cảnh báo để các cấp chính quyền, đoàn thể và người dân quan tâm hơn đến vấn đề khám sức khỏe tiền hôn nhân. Bởi đây là sự thể hiện trách nhiệm của các cặp đôi đối với xã hội, tương lai của đất nước.

Phát biểu tại buổi lễ, TS Phạm Vũ Hoàng, Phó Cục trưởng Cục Dân số - Bộ Y tế, cho biết công tác dân số của TP HCM trong những năm qua đã đạt được những kết quả quan trọng. Cụ thể: TP HCM đã huy động được sự vào cuộc của các ngành và sự đồng thuận của nhân dân thực hiện các chính sách dân số trong tình hình mới; triển khai có hiệu quả chương trình tầm soát, chẩn đoán, điều trị bệnh tật trước/sau sinh, tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn; tuổi thọ trung bình của người dân lên đến 76,3 tuổi (2022), khá cao so với mặt bằng chung cả nước (73,6 tuổi).

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, TP HCM còn những khó khăn, thách thức. Cụ thể, quy mô dân số lớn, mật độ dân số cao trong khi mức sinh hiện ở mức rất thấp; già hóa dân số nhanh với hơn 1 triệu người cao tuổi, chiếm hơn 11% tổng số dân;…

TS Hoàng đề nghị TP HCM cần tập trung giải quyết toàn diện và đồng bộ các vấn đề về quy mô, cơ cấu, phân bố; đặc biệt là chất lượng dân số đặt trong mối quan hệ tác động qua lại với phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.

Cũng tại buổi lễ, TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM, cho biết thời gian tới, sở sẽ tham mưu UBND TP HCM tập trung thực hiện các giải pháp chủ động ứng phó linh hoạt với mức sinh thấp, nỗ lực truyền tải thông điệp mỗi cặp vợ chồng sinh đủ 2 con đến từng người dân. nhằm giải quyết tình trạng mức sinh thấp.

Sở Y tế cũng giao nhiệm vụ cho các bệnh viện, cơ sở y tế có cung cấp dịch vụ liên quan lĩnh vực dân số tập trung triển khai các hoạt động nâng cao chất lượng dân số giai đoạn đầu đời, mở rộng phạm vi thực hiện chương trình tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn.

Ngoài ra, yêu cầu Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình khẩn trương tham mưu cho Sở Y tế trình HĐND nghị quyết về chính sách dân số và phát triển tại TP HCM trong năm 2024.

Hải Yến

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/kham-suc-khoe-tien-hon-nhan-phat-hien-nhieu-truong-hop-bat-thuong-196231210171313053.htm