Khi người trẻ 'gom nắng' về nhà dưỡng lão

Chương trình giao lưu văn nghệ ở viện dưỡng lão 'Vùng nắng bạc' là sự kiện được tổ chức mới đây bởi nhóm sinh viên khoa Báo chí và Truyền thông, trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG TP. HCM). Bên cạnh việc gây quỹ cho viện dưỡng lão, chương trình còn nhằm mang niềm vui đến các cụ, giúp các cụ có dịp được lắng nghe, chia sẻ và đồng cảm.

Điểm đến của chương trình là nhà dưỡng lão tình thương Vinh Sơn. Đây là một trong những nhà dưỡng lão lâu đời tại TP. HCM, đã nuôi hơn 100 cụ bà trong 27 năm qua.

Mang niềm vui đến các cụ bà nhà dưỡng lão

Với sứ mệnh kể lại chuyện đời bằng âm nhạc, chương trình mang đến chuỗi tiết mục văn nghệ, gồm các ca khúc khiến người nghe gợi nhớ về những giai đoạn khác nhau của đời người. Chương trình có sự góp giọng của nhóm Ban Mai Xanh (đội tuyển văn nghệ trường THPT Nguyễn Hữu Cầu), ban nhạc Gần Đây và Phan Thị Thanh Trúc (sinh viên trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TP. HCM).

'Vùng nắng bạc' gồm ba phần chính, ứng với ba giai đoạn của một đời người. Phần đầu tiên của chương trình là 'Ban mai', viết lại thuở thiếu thời trong trẻo như nắng đầu ngày. Với các ca khúc gồm: Tuổi mộng mơ Thời thanh xuân sẽ qua, các cụ bà đã được sống lại những năm tháng tuổi trẻ đầy tình yêu và hoài bão.

Nhóm Ban Mai Xanh cùng ban nhạc Gần Đây trình bày ca khúc 'Tuổi mộng mơ'.

Nhóm Ban Mai Xanh cùng ban nhạc Gần Đây trình bày ca khúc 'Tuổi mộng mơ'.

'Ngược nắng' là phần thứ hai của chương trình, kể về giai đoạn khi ta dần đi qua tuổi trẻ để đến với hành trình “tập làm người lớn”. Ở giai đoạn này, mỗi người không ít lần phải “đi ngược nắng” để đón nhận những trải nghiệm mới. Phần hai của chương trình trở nên đặc biệt khi có sự góp giọng của bà Đặng Thị Bê (78 tuổi, sống ở nhà dưỡng lão) qua liên khúc Hãy yêu nhau đi - Phượng buồn.

Bà Đặng Thị Bê góp giọng với liên khúc 'Hãy yêu nhau đi' - 'Phượng buồn'.

Bà Đặng Thị Bê góp giọng với liên khúc 'Hãy yêu nhau đi' - 'Phượng buồn'.

Phần cuối của chương trình là 'Chạng vạng', vẽ nên ánh sáng nhập nhoạng sau những thăng trầm của cuộc đời bằng liên khúc Biết đâu nguồn cội - Ở trọ. Bên cạnh đó, còn có thước phim Thư vương nắng bạc là những lời tâm tình của Ban Tổ chức và các cụ bà ở đây khi chương trình được thực hiện.

'Vùng nắng bạc' khép lại với ca khúc Một ngày tôi quên hết, được thể hiện bởi Ban Tổ chức chương trình. Và chương trình cũng không quên dành tặng cho các cụ bà và khán giả những bông hoa bất tử, tượng trưng cho sức sống mãnh liệt và tình yêu vĩnh hằng.

Bảo Quyên (ĐH Kinh tế TP. HCM) chia sẻ: “Mình rất vui và hạnh phúc khi được chứng kiến câu chuyện của các bà. Đây thực sự là một chương trình tử tế và giúp mình biết yêu ông bà hơn”.

Đánh thức cảm xúc yêu thương

“Gom nắng, vọng thanh xuân” là câu thông điệp chỉ vẻn vẹn năm chữ đó lại có thể tái hiện hết thảy những giá trị mà “Chương trình giao lưu văn nghệ ở viện dưỡng lão - Vùng nắng bạc' mang đến. Thước phim của một đời người không phải lúc nào cũng kết thúc “có hậu”. Có lẽ vì thế mà các bà, các cụ ở nhà dưỡng lão tình thương Vinh Sơn luôn âm ỉ trong tim khát khao được sống lại, nhìn về những ngày tuổi trẻ. 'Vùng nắng bạc' đã đến và sưởi ấm khát khao ấy bằng "ánh nắng" của chính mình.

Chương trình đã khuấy động ngôi nhà vốn đang “êm ả” đó bằng những tiếng hát chứa đựng chân thành và tình yêu. Như một người bà ngân nga cùng với những người cháu, niềm đam mê ca hát của các bà, các cụ đã trở nên sáng rực. Sự giao thoa giữa các thế hệ, giữa những con người xa lạ tại 'Vùng nắng bạc' đã khiến họ trở thành một đại gia đình. Bà Đặng Thị Bê bộc bạch: “Ở đây cùng với các chị em, bà cứ ca hát và cảm thấy như không bao giờ biết buồn. Mấy con vào cùng hát với bà, bà rất là hạnh phúc”.

Khán giả trò chuyện cùng với cụ bà.

Khán giả trò chuyện cùng với cụ bà.

Hơn hết, không chỉ san sẻ niềm hạnh phúc cho các bà, các cụ, 'Vùng nắng bạc' còn nhận lại được những giá trị tinh thần sâu sắc về cuộc sống. Các bạn trẻ và cả người lớn sau buổi giao lưu dường như cảm thấy yêu sự sống vô cùng. Đồng thời, chương trình còn đánh thức cảm xúc yêu thương và trân trọng của những người con, người cháu đối với mẹ, bà của mình. Nhà báo Minh Diệu, một khách mời của chương trình rưng rưng nước mắt: “Con có mặt như một người con người cháu và con thấy bóng dáng mẹ con ở các bà. Cảm ơn Ban Tổ chức vì đã thực hiện trọn vẹn một hành trình sống đẹp”.

'Vùng nắng bạc' dù không phải là tiên phong, nhưng đã hoàn thành sứ mệnh lan tỏa các hoạt động thiện nguyện đến với xã hội. Từ đó, mọi người có thể cùng làm việc tử tế ngày một hăng say và nhiệt thành hơn. Sau chương trình, 'Vùng nắng bạc' đã thu về 45 triệu đồng hiện kim từ hoạt động gây quỹ và hỗ trợ các vật dụng thiết yếu trị giá 8 triệu đồng cho các bà, các cụ.

'Vùng nắng bạc' đã kết nối mọi người thành một gia đình.

'Vùng nắng bạc' đã kết nối mọi người thành một gia đình.

“Chương trình giao lưu văn nghệ ở viện dưỡng lão - Vùng nắng bạc” chính là cuộc hành trình tiếp sức cho những giá trị và hành động đẹp đẽ. Chương trình đã mang đến niềm vui cho các cụ ở viện dưỡng lão, đồng thời giúp các cụ có một dịp được lắng nghe, chia sẻ và đồng cảm. Những bước chân cuối của cuộc đời sẽ không còn là nỗi buồn và sợ hãi nếu chúng ta biết ca hát với nhau bằng trái tim.

An Nhiên - Hoài Thương

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/khi-nguoi-tre-gom-nang-ve-nha-duong-lao-post1638795.tpo