Khó khăn bao trùm lên doanh nghiệp xây dựng (Bài 1): Bão vẫn chưa tan

Các nhà thầu hoạt động trong lĩnh vực xây dựng tại Hải Phòng thời gian qua đã gặp rất nhiều khó khăn, trong đó bao gồm cả các nhà thầu chuyên thi công vốn ngân sách. Nguyên nhân chủ yếu do các yếu tố khách quan như: Giá cả nguyên vật liệu liên tục leo thang, giá nhân công tăng gấp đôi, lãi suất ngân hàng tăng... Mọi chi phí đều tăng khiến cho lợi nhuận của các nhà thầu dần bị bào mòn, thậm chí lỗ.

Mặc dù lỗ nhưng nhiều đơn vị thay vì bỏ cuộc giữa chừng vẫn "chật vật" hoàn thành tiến độ, hợp đồng đã ký kết, đồng thời củng cố lại bộ máy nhân sự, chuẩn bị sẵn sàng tâm lý để tiếp tục vượt bão.

Bão đổ dồn dập

Năm 2021, ngành xây dựng chứng kiến cuộc bùng nổ giá thép xây dựng khi bứt phá từ đáy với hơn 13.000 đồng/kg lên đỉnh 18.000 đồng/kg. So với trung bình năm 2020, giá thép xây dựng năm 2021 tăng khoảng 38%. Việc giá thép tăng vọt khiến các nhà thầu trở tay không kịp khi hầu hết các hợp đồng đã ký kết trước đó đều là hợp đồng trọn gói (không điều chỉnh về giá).

Tại thời điểm năm 2021, nhiều nhà thầu tại Hải Phòng loay hoay nhìn nhau, với tâm lý chờ đợi thép xuống mới tiếp tục thi công... Nhưng thực tế giá thép leo thang trong cả năm, khiến các nhà thầu không còn đường lùi và phải thi công, thậm chí đối với những dự án trọng điểm nếu chậm tiến độ có thể bị phạt nặng.

Sự tăng vọt của giá thép trong năm 2021 đã khiến các đơn vị xây dựng lao đao.

Sự tăng vọt của giá thép trong năm 2021 đã khiến các đơn vị xây dựng lao đao.

Theo lãnh đạo Công ty CP Xây dựng Tân Lộc, ông Đinh Văn Hội, vào cuối năm 2021 và đầu năm 2022, khi chưa kịp “hoàn hồn” trước cơn bão giá thép đi qua, thì giá cát, đá, đất đỏ tiếp tục tăng gần gấp đôi. Trước đó, dự toán cho các công trình đã được phê duyệt, và giá cát san lấp trung bình trong dự toán là 110.000đ/m3. Các chủ đầu tư đã tổ chức đấu thầu và ký kết hợp đồng trọn gói với nhà thầu dựa trên dự toán này. Tuy nhiên, khi bắt tay vào thi công, giá cát san lấp đã tăng lên mức 220.000-240.000đ/m3 (bao gồm VAT). Giá đất đỏ san lấp cuối năm 2021 là 115.000đ-120.000đ/m3, nhưng vào năm 2022 đã tăng lên 190.000đ-205.000đ/m3. Giá base (đá dăm) năm 2021 là 120.000đ - 130.000đ/m3, nhưng vào năm 2022 đã tăng lên 190.000đ - 200.000đ/m3.

Hiện tại, mặc dù giá thép đã giảm, nhưng giá các vật liệu khác vẫn đang ở mức cao. Không chỉ giá tăng đột biến mà nhà thầu còn gặp vô vàn khó khăn để tiếp cận được các mỏ cát, đất đỏ được cơ quan chức năng cấp phép đầy đủ, nguồn gốc hàng hóa rõ ràng, có đủ năng lực cung cấp vào các dự án xây dựng lớn, dự án sử dụng vốn ngân sách...

Nhưng giá cát san lấp, giá đất đỏ mới thực sự khiến các doanh nghiệp xây dựng bàng hoàng.

Nhưng giá cát san lấp, giá đất đỏ mới thực sự khiến các doanh nghiệp xây dựng bàng hoàng.

Bên cạnh đó, giá nhân công thực tế cũng tăng từ 300.000 đ - 350.000đ/ ngày công cũng tăng lên tới 450.000đ/ ngày - 600.000đ/ngày (tùy vị trí thợ). Tất cả các loại giá vật liệu, nhân công trong hợp đồng ký kết đều thấp, giá thực tế sau khi vào làm mới tăng cao, hợp đồng kéo dài trung bình từ 2- 3 năm mà không thể điều chỉnh được đã khiến cho các nhà thầu trở tay không kịp.

Ông Nguyễn Ngọc Việt - Lãnh đạo Công ty CP Việt Hàn cho biết, thời kỳ dịch Covid đã gây ra nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm nhân công do công nhân phải nghỉ làm nhiều. Còn tới năm nay do biến đổi khí hậu, thời tiết ngày càng khắc nghiệt, nắng nóng kéo dài trong suốt mùa hè vừa qua khiến cho việc tìm kiếm nhân công gắn bó lâu dài với đơn vị thi công cũng lao đao. Nhà thầu xoay được tiền trả công nhân nhưng công nhân vẫn nghỉ việc, thậm chí bỏ việc không làm vì điều kiện làm việc ở ngoài trời nắng nóng, thi công đường xá, cầu cống quá vất vả, họ không thể làm được với nhiệt độ 38 - 40 độ C, mà có làm thì hiệu quả cũng không cao vì liên tục phải nghỉ do thời thiết nắng gay gắt.

Nắng nóng, không thể triển khai thi công, nhiều đơn vị phải chuyển sang thi công vào buổi tối (ca 3).

Nắng nóng, không thể triển khai thi công, nhiều đơn vị phải chuyển sang thi công vào buổi tối (ca 3).

Bên cạnh những khó khăn trên, theo lãnh đạo công ty CP Xây dựng và Thương mại Hoàng Kim, ông Phạm Minh Đức, gía xăng dầu có thời gian tăng mạnh, kéo theo đó là giá cước vận tải (xe chở cát, đá, vôi thầu gạch vỡ...) tăng gấp đôi khiến cho việc thi công gặp khó khăn. Khi giá xăng dầu ổn định hơn thì giá cước vận tải vẫn không giảm, hoặc chỉ giảm không đáng kể. Đặc biệt, khi các cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý nghiêm việc cơi nới thành thùng, quá tải của các xe vận tải hàng hóa, khiến cho đơn vị vận tải nhiều khi còn từ chối nhận chở bùn đất, vôi thầu gạch vỡ cho các công trình, giá cả cứ thế leo lên. Công tác đăng kiểm thời gian qua cũng gặp khó khăn khi thời gian đăng kiểm xe tải, tàu vận tải kéo dài từ 3 ngày lên tới cả tháng, thậm chí tàu chở vật liệu xây dựng đến hạn đi đăng kiểm phải mất trung bình vài tháng...Tóm lại doanh nghiệp vô cùng mệt mỏi và phải chịu hết, hợp đồng thì ký trọn gói trước đó không thể điều chỉnh được gì...

Trước vô vàn những khó khăn đã khiến cho “sức khỏe” của các nhà thầu xây dựng vừa trải qua thời kỳ dịch Covid vốn dĩ đã yếu rồi thì nay không khác gì ngọn đèn dầu treo trước gió.

Nỗi lòng người trong cuộc

Một lãnh đạo có kinh nghiệm hơn 30 năm trong ngành xây dựng tại Hải Phòng đã chia sẻ với phóng viên rằng vào giai đoạn 2010, doanh nghiệp của họ đã xây dựng vị thế vững chắc trong ngành xây dựng tại Hải Phòng. Trong thời kỳ hoàng kim đó, doanh nghiệp đã phân bổ lợi nhuận từ lĩnh vực xây dựng để mở rộng đầu tư hoạt động vào các lĩnh vực khác như giáo dục, đào tạo nghề, và kinh doanh bến bãi. Từ năm 2018 đến nay, với sự phát triển sôi động của TP Hải Phòng và việc triển khai nhiều dự án xây dựng, doanh nghiệp đã tham gia xây dựng nhiều dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách nhằm đóng góp cho sự phát triển của thành phố.

Nhờ tiềm lực tài chính tốt và kinh nghiệm tích lũy trong nhiều năm, doanh nghiệp đã trúng thầu nhiều dự án quan trọng của thành phố như mở rộng và nâng cấp đường kênh Hòa Bình 363, đường 359, quốc lộ 10, đường bộ ven biển... Một số công trình đã hoàn thành và bàn giao, trong khi một số khác đang được triển khai theo tiến độ. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của sự tăng giá vật liệu xây dựng, doanh nghiệp hiện đang phải đối mặt với mức lỗ lớn, lên tới hàng trăm tỷ đồng, trong khi các hợp đồng trọn gói không thể điều chỉnh. Đến quý II năm nay, doanh nghiệp đã củng cố lại bộ máy và bắt đầu triển khai các dự án tiếp theo với niềm tin mong manh rằng, công việc, thị trường có lúc này, lúc khác, mọi khó khăn sẽ dần qua đi, phải làm tiếp để còn trả nợ.

Dù khó khăn các đơn vị vẫn cố gắng hoàn thành đúng hợp đồng đã ký (ảnh chụp đường kênh Hòa Bình).

Dù khó khăn các đơn vị vẫn cố gắng hoàn thành đúng hợp đồng đã ký (ảnh chụp đường kênh Hòa Bình).

Đây cũng là tâm lý chung của nhiều doanh nghiệp xây dựng khác tại Hải Phòng - dù bị lỗ tại các dự án trong giai đoạn 2021-2023 nhưng vẫn xác định tiếp tục làm, thực hiện đúng hợp đồng đã ký kết. Thậm chí sau khi dự án kết thúc nhiều đơn vị tiếp tục tham gia đấu thầu, triển khai thi công tại các dự án khác mà không lựa chọn phương án “dừng lại” hay “ từ bỏ”.

Theo ông Phạm Minh Đức, công ty Hoàng Kim, nếu dừng lại thì nhiều doanh nghiệp khó lòng xoay được tiền để bù đắp cho các khoản lỗ trong thời gian qua, và đặc biệt dừng lại là chấp nhận hệ lụy suy giảm hồ sơ năng lực trong tương lai và sẽ gặp thêm nhiều khó khăn trong việc quay trở lại “đường đua” sau này.

Nhưng làm thế nào để công trình đảm bảo chất lượng, kỹ thuật, mỹ thuật và nhà thầu có lãi thì là cả một bài toán nan giải. Để tránh phát sinh thêm các chi phí, kinh nghiệm của các nhà thầu kỳ cựu là sau khi nhận bàn giao mặt bằng cần lên phương án tổ chức thi công càng nhanh càng tốt, tránh tâm lý ngồi chờ giá cả giảm xuống mới làm sẽ sẽ phát sinh thêm nhiều chi phí quản lý công trường, nuôi nhân công... Đồng thời luôn tăng cường giám sát đảm bảo làm đúng theo thiết kế, tránh tình trạng làm sai rồi làm đi làm lại nhiều lần như vậy sẽ phát sinh rất nhiều nhân công và vật tư...

(Còn tiếp)

Thanh Vân

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//quan-tri/kho-khan-bao-trum-len-doanh-nghiep-xay-dung-lpar-bai-1-rpar-bao-van-chua-tan-1095881.html