Khó khăn của ngành bán dẫn đẩy kinh tế Đài Loan vào suy thoái
Đài Loan, một trong những nhà xuất khẩu thiết bị công nghệ cao hàng đầu thế giới, rơi vào suy thoái kỹ thuật sau khi tăng trưởng quí 1 yếu nhất trong 14 năm do nhu cầu chip bán dẫn toàn cầu giảm mạnh.
Dữ liệu của Cục Thống kế Đài Loan công bố hôm 28-4 cho thấy GDP quí 1 của nền kinh tế này giảm 3,02% so với cùng kỳ năm ngoái. Mức suy giảm này cao hơn dự báo và đánh dấu mức suy giảm mạnh nhất kể từ tháng 6-2009. Đây là quí thứ hai liên tiếp Đài Loan ghi nhận GDP tăng trưởng âm, đồng nghĩa với suy thoái kỹ thuật. Điều đó cho thấy rõ triển vọng khó khăn của nền kinh tế Đài Loan, vốn phụ thuộc vào thương mại quốc tế, trong bối cảnh nhu cầu của toàn cầu đối với các sản phẩm điện tử và bán dẫn được sản xuất ở hòn đảo này suy yếu.
Cục Thống kê Đài Loan giải thích tăng trưởng suy giảm là do lạm phát toàn cầu, áp lực tăng lãi suất kéo dài và nhu cầu người tiêu dùng tiếp tục suy yếu
“Đài Loan đang trong thời kỳ suy thoái kỹ thuật”, Ho Woei Chen, nhà kinh tế của ngân hàng United Overseas Bank ( Singapore), nói và lưu ý thêm số liệu xuất khẩu và đầu tư yếu ớt đã kéo GDP của Đài Loan đi xuống. Ngay cả khi Đài Loan lấy lại đà tăng trong ba quí tới, GDP chỉ tăng trưởng nhẹ trong cả năm, ông Chen nhận định.
Các nhà xuất khẩu Đài Loan đang xoay sở cải thiện kinh doanh khi nhu cầu bên ngoài suy giảm. Tuần trước, TSMC (Đài Loan), nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới, cảnh báo quí 2 này mới là điểm đáy của chu kỳ kinh doanh hiện trước khi nhu cầu phục hồi vào cuối năm.
“Sự yếu kém trên diện rộng về nhu cầu bên ngoài đối với hàng xuất khẩu ở lĩnh vực điện tử, thiết bị công nghệ thông tin và truyền thông của Đài Loan sẽ kéo dài ít nhất trong quí tới”, George Xu, giám đốc phụ trách bộ phận nợ chủ quyền của hãng xếp hạng tín dụng Fitch Ratings, nhận định.
Lạm phát và lãi suất tăng bắt đầu gây áp lực lên các nền kinh tế phương Tây vào năm 2022, từ đó, làm giảm nhu cầu của người tiêu dùng, khiến lượng hàng tồn kho của các nhà sản xuất công nghệ Đài Loan tăng vọt. Công nghệ chiếm 30% trong nền kinh tế trị giá hơn 800 tỉ đô la Mỹ của Đài Loan và các nhà máy của Đài Loan sản xuất gần 2/3 sản lượng chip của thế giới. Chip là thành phần không thể thiếu trong các sản phẩm điện tử.
Theo hãng nghiên cứu thị trường Canalys, doanh số điện thoại thông minh trên toàn cầu giảm 13%, xuống còn 269,8 triệu chiếc trong quí đầu tiên của năm 2023. Số lượng máy tính cá nhân xuất xưởng trong quí vừa qua cũng giảm 28% so với cùng kỳ năm ngoái xuống còn 56,7 triệu chiếc, theo dữ liệu của Counterpoint Research.
S&P Global dự báo Mỹ sẽ chịu suy thoái nhẹ trong năm nay, trong khi Ủy ban châu Âu (EC) nhận định tăng trưởng của khu vực sử dụng đồng euro chỉ đạt mức 0,8%.
Vấn đề nan giải hơn đối với Đài Loan là tình trạng thiếu hụt lao động sẵn sàng làm việc trong ngành dịch vụ. Điều này kìm hãm nhu cầu trong nước, vốn được kỳ vọng sẽ bù bắp cho hiệu suất mờ nhạt của khu vực xuất khẩu.
Dữ liệu GDP ảm đạm của Đài Loan đi ngược lại với dấu hiệu cải thiện đang xuất hiện các nền kinh tế xuất khẩu khác trong khu vực. GDP của Hàn Quốc tăng 0,3% trong quí đầu tiên, cao hơn mức dự đoán của các chuyên gia kinh tế. Trung Quốc, thị trường xuất khẩu lớn nhất của Đài Loan, ghi nhận GDP quí 1 tăng trưởng 4,5%, phần lớn nhờ sức tiêu dùng nội địa tăng cao sau khi Bắc Kinh chấm dứt các biện pháp kiểm soát Covid-19 nghiêm ngặt.
Theo Tony Phoo, nhà kinh tế của ngân hàng Standard Chartered, kinh tế suy thoái sẽ khiến các công ty lớn nhất của Đài Loan giảm đầu tư trong phần lớn thời gian còn lại năm. Sản xuất công nghiệp của nền kinh tế này đã giảm tháng thứ bảy liên tiếp trong tháng 3.
Tuy nhiên, kinh tế Đài Loan dự kiến sẽ cải thiện vào cuối năm nhờ sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc, du lịch trong nước và các biện pháp kích thích trong nước như trợ cấp tiền mặt cho người dân.
“Lĩnh vực sản xuất của Đài Loan có thể bắt đầu cảm nhận tác động tích cực từ việc Trung Quốc mở cửa. Nhìn chung, sau khởi đầu yếu ớt, xung lực kinh tế của Đài Loan sẽ mạnh lên trong phần còn lại của năm”, Louis Kuijs, nhà kinh tế trưởng châu Á-Thái Bình Dương của S&P Global Ratings, nhận định.
Theo Bloomberg, SCMP