Khó khăn, thách thức vẫn 'bủa vây' doanh nghiệp

'Hàn thử biểu' đánh giá môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2023 cho thấy chất lượng điều hành kinh tế cấp tỉnh tiếp tục xu hướng cải thiện. Tuy vậy, một số khó khăn, trở ngại đang có chiều hướng gia tăng khiến doanh nghiệp (DN) kém lạc quan hơn về triển vọng kinh tế.

Khó khăn, thách thức gia tăng

Kết quả điều tra Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) là "hàn thử biểu" để đánh giá môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh tại mỗi tỉnh, thành phố. Kết quả điều tra PCI 2023 được Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khảo sát ghi nhận ý kiến từ khoảng 9.000 doanh nghiệp tư nhân trong nước và hơn 1.500 doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại các tỉnh, thành phố trên cả nước.

Theo ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI, Báo cáo PCI 2023 cho thấy, chất lượng điều hành kinh tế cấp tỉnh tiếp tục xu hướng cải thiện trong việc triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, cắt giảm chi phí không chính thức và cải cách thủ tục hành chính. Đáng chú ý, việc ứng dụng công nghệ thông tin và các giải pháp số hóa đang mang lại hiệu quả thiết thực khi gần 77% doanh nghiệp cho biết đã tiết giảm được thời gian và chi phí từ thực hiện các thủ tục hành chính trực tuyến thay vì theo hình thức truyền thống. Tuy vậy, báo cáo 2023 cũng cho thấy môi trường kinh doanh của Việt Nam còn một số điểm cần quan tâm.

Khó khăn, thách thức vẫn “bủa vây” doanh nghiệp

Khó khăn, thách thức vẫn “bủa vây” doanh nghiệp

“Từ phản ánh của doanh nghiệp, có thể thấy trở ngại trong tiếp cận đất đai có dấu hiệu gia tăng, môi trường kinh doanh chưa thực sự bình đẳng với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, tính năng động, tiên phong của cán bộ chính quyền địa phương có dấu hiệu chững lại”, Chủ tịch VCCI chỉ rõ.

Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký kiêm Trưởng ban Pháp chế của VCCI cho biết, khó khăn lớn nhất mà doanh nghiệp gặp phải trong hoạt động sản xuất kinh doanh, thậm chí khó khăn hơn so với năm 2022 là về tiếp cận tín dụng, tìm kiếm mặt bằng kinh doanh, tìm kiếm nhà cung cấp, tìm kiếm nhân sự, thực hiện thủ tục hành chính, chất lượng cơ sở hạ tầng, biến động thị trường, biến động chính sách pháp luật, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, đảm bảo thực hiện hợp đồng, và thiên tai, biến đổi khí hậu.

Trong đó, năm vấn đề khó khăn lớn nhất mà các doanh nghiệp gặp phải, theo khảo sát PCI 2023, bao gồm: tiếp cận vốn (57,1%), tìm kiếm khách hàng (49%), biến động thị trường (34,5%), khó khăn từ tác động của dịch bệnh COVID-19 (25,5%) và tìm kiếm đối tác kinh doanh (17,1%).

“57,1% doanh nghiệp phản ánh khó khăn lớn nhất mà các doanh nghiệp gặp phải là tiếp cận tín dụng. Xét theo chuỗi thời gian, đây cũng là con số cao nhất từ trước đến nay trong khảo sát doanh nghiệp thường niên của VCCI”, ông Đậu Anh Tuấn cho biết.

Bên cạnh tiếp cận tín dụng, tìm kiếm khách hàng vẫn là khó khăn thường trực của nhiều doanh nghiệp với 49% trong khảo sát 2023 và đứng thứ hai trong số 14 khó khăn cụ thể của doanh nghiệp. Dù vậy, tỷ lệ doanh nghiệp gặp khó khăn về tìm kiếm khách hàng đã giảm dần từ năm 2021, cho thấy các doanh nghiệp đang thích nghi với các khó khăn và chủ động xoay sở tìm kiếm khách hàng. Kết quả này cũng có thể đến từ việc các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp của chính quyền đa dạng hóa khách hàng, thị trường đang phát huy tác dụng.

Khó khăn lớn tiếp theo mà các doanh nghiệp phản ánh trong khảo sát 2023 là biến động thị trường, với 34,5% doanh nghiệp lựa chọn. Con số này đã tăng tới 10,7 điểm phần trăm so với kết quả khảo sát năm 2022 (23,8%). Đây là khó khăn có sự gia tăng tỷ lệ doanh nghiệp lựa chọn cao nhất so với năm 2022.

Suy giảm niềm tin kinh doanh

Đáng lưu ý, ông Đậu Anh Tuấn cho biết, khi doanh nghiệp được khảo sát về kế hoạch kinh doanh trong hai năm tới, mức độ lạc quan của doanh nghiệp ở mức thấp so với những năm trước.

"Cụ thể, chỉ 27% doanh nghiệp cho biết sẽ mở rộng sản xuất kinh doanh trong hai năm tiếp theo, giảm đáng kể từ con số 35% của năm 2022. Con số 27% này cũng thấp hơn cả mức đáy trước đây là năm 2012-2013 khi nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt với tác động kép của khủng hoảng tài chính toàn cầu và những bất ổn kinh tế vĩ mô trong nước", ông Đậu Anh Tuấn chia sẻ.

Dữ liệu khảo sát còn cho thấy tỷ lệ doanh nghiệp dự kiến giảm quy mô kinh doanh hoặc đóng cửa doanh nghiệp trong khảo sát 2023 lên tới 16,2%. Con số này cao hơn đáng kể so với mức 10,7% được ghi nhận trong khảo sát năm 2022 và gần bằng mức cao kỷ lục 16,6% của khảo sát 2021 khi Việt Nam còn nằm trong tâm dịch COVID-19.

Khảo sát về kế hoạch kinh doanh 2 năm tiếp theo của báo cáo PCI qua các năm.

Khảo sát về kế hoạch kinh doanh 2 năm tiếp theo của báo cáo PCI qua các năm.

Cùng với đó, các doanh nghiệp quy mô càng nhỏ thì mức độ lạc quan càng suy giảm. Trong khi đó, các doanh nghiệp phía Bắc lại có sự lạc quan hơn các doanh nghiệp phía Nam.

Dù có sự suy giảm vào năm 2023, song nhiệt kế doanh nghiệp tư nhân cũng có những điểm sáng theo đặc điểm doanh nghiệp. Các doanh nghiệp có quy mô vừa và lớn có mức độ lạc quan tương đối cao. Cụ thể, 38,2% doanh nghiệp quy mô từ 50-200 tỷ đồng dự kiến mở rộng sản xuất kinh doanh trong hai năm tới; 39,5% doanh nghiệp có quy mô từ 200 tỷ đồng trở lên có dự định tương tự. Xét theo lĩnh vực, doanh nghiệp trong một số ngành tỏ ra khá lạc quan. Ba ngành có tỷ lệ doanh nghiệp dự kiến mở rộng sản xuất kinh doanh cao nhất là sản xuất thiết bị điện (50%), sản xuất hóa chất (42,2%) và sản xuất cao su, nhựa (35,7%).

Cần cải cách thực chất hơn môi trường đầu tư kinh doanh

Để tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi hơn, tháo gỡ những rào cản, các chuyên gia cho rằng, chính quyền các địa phương cần tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, giảm gánh nặng chi phí cho DN, cả chi phí chính thức và không chính thức trong các lĩnh vực còn nhiều phiền hà như thuế, phòng cháy, bảo hiểm xã hội, quản lý thị trường, xây dựng, bảo vệ môi trường… Trong đó, để cải thiện khả năng tiếp cận đất đai, cần thực hiện hiệu quả Luật Đất đai 2024 và các nghị định hướng dẫn theo hướng đơn giản hóa quy trình, thủ tục, rút ngắn thời gian giải quyết và cung cấp thông tin minh bạch hơn. Đặc biệt, sự năng động, tiên phong của chính quyền tỉnh, thành phố sẽ đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực giúp các DN vượt khó.

“Để trợ lực cho các doanh nghiệp phục hồi và phát triển trong thời gian tới, chính quyền các địa phương cần triển khai thực chất hơn nữa các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp. Tình hình kinh tế khó khăn rất cần sự hỗ trợ, tinh thần năng động, tiên phong của chính quyền các tỉnh, thành phố. Trong bối cảnh nhiều bất định và biến động của tình hình thế giới, hơn lúc nào hết, các doanh nghiệp cần sự ổn định, nhất quán và tin cậy trong xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật”, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công nêu ý kiến.

Diệp Diệp/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/kho-khan-thach-thuc-van-bua-vay-doanh-nghiep-post1094429.vov