Khoan hầm Bãi Gió khắc phục sạt lở, sắp thông tuyến đường sắt Bắc- Nam

Trong thời tiết nắng nóng, thiếu ánh sáng, hàng trăm công nhân, kỹ sư tất bật khoan những điểm sạt lở trong hầm đường sắt Bãi Gió (qua huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa) rồi phun bê tông vào để khắc phục sạt lở.

Xuyên ngày đêm khắc phục sạt lở

Để sớm thông tuyến đường sắt Bắc - Nam, các đơn vị tham gia khắc phục sạt lở hầm đường sắt Bãi Gió đã huy động đến công trường gần 200 công nhân, kỹ sư lành nghề.

Lực lượng này xuyên ngày đêm làm việc cật lực trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, đường hầm chật chội.

Một số công nhân tham gia khắc phục sạt lở cho biết, tất cả đều cố gắng lao động với cường độ và trách nhiệm cao nhất.

Các ca kíp phân chia, phối hợp nhịp nhàng, tận dụng tối đa thời gian, hướng đến mục tiêu sớm thông hầm.

Lãnh đạo Chi nhánh Khai thác đường sắt Phú Khánh (đơn vị tham gia khắc phục sạt lở) cho biết, việc khắc phục sạt lở được làm khẩn trương nhưng luôn chú trọng đến yếu tố an toàn cho công nhân.

Trong hầm đường sắt Bãi Gió bị sạt lở.

Theo phương án đã được thống nhất, các đơn vị thi công khoan vào các vị trí có đất đá sạt lở trong hầm rồi phun bê tông vào đó. Đồng thời, thăm dò địa chất từ phía trên đỉnh hầm, tìm vị trí đất rỗng do sạt lở, rồi tiếp tục đưa bê tông vào, lấp lỗ sạt lở lại.

Sau khi khoan, phun bê tông để cố định các điểm sạt lở, công nhân sẽ thu dọn lượng đất đá, vật liệu rơi vào trong hầm.

Các đơn vị khắc phục sạt lở dùng máy khoan chuyên dụng, khoan vào điểm sạt lở, rồi phun bê tông vào.

Đến nay, các đơn vị khắc phục sạt lở hầm đường sắt Bãi Gió đã khoan gần 40 mũi khoan (bằng máy khoan chuyên dụng), trong đó, chủ yếu là khoan phía trong hầm và đã phun bê tông tươi vào các điểm khoan.

Với tinh thần khắc phục sạt lở đang được làm xuyên ngày đêm như hiện nay, dự kiến ngày 22/4, đường sắt Bắc – Nam sẽ được thông tuyến.

Trung chuyển hành khách đi tàu đến khi thông hầm hoàn toàn

Trong thời gian chờ khắc phục hoàn toàn sạt lở tại hầm đường sắt Bãi Gió và thông hầm, khách đi tàu tiếp tục được trung chuyển bằng ô tô.

Cụ thể, khách đi tàu theo hướng từ Nam ra Bắc sẽ xuống ga Giã (Vạn Ninh, Khánh Hòa), sau đó nhân viên đường sắt đưa ô tô đến trung chuyển về ga Tuy Hòa (Phú Yên) để tiếp tục hành trình.

Nếu khách từ Bắc vào Nam sẽ xuống tàu tại ga Tuy Hòa, sau đó được ô tô trung chuyển đến ga Giã để tiếp tục hành trình.

Ông Trần Việt Tùng, Giám đốc Chi nhánh vận tải đường sắt Nha Trang (đơn vị phụ trách trung chuyển hành khách qua địa điểm sạt lở) cho biết: "Ngay khi nhận được thông tin hầm đường sắt khu vực Bãi Gió sạt lở, chúng tôi đã túc trực triển khai công tác điều tiết, bố trí ô tô vận chuyển hành khách qua điểm sạt lở. Nhân viên đường sắt hỗ trợ tối đa các nhu cầu của hành khách đi tàu. Một số khách còn được hỗ trợ phát nước uống".

Trong thời gian chờ hầm đường sắt Bãi Gió thông tuyến, khách đi tàu tiếp tục được trung chuyển bằng ô tô.

Ông Trần Minh Duy, Trưởng phòng chăm sóc khách hàng, Chi nhánh vận tải đường sắt Nha Trang cho biết thêm, thống kê từ thời điểm hầm đường sắt Bãi Gió sạt lở (chiều 12/4) đến 20/4, ngành đường sắt đã trung chuyển bằng ô tô cho khoảng 26.791 hành khách đi tàu.

Như trước đó Báo Sức khỏe và Đời sống đã thông tin, chiều 12/4, hầm đường sắt Bãi Gió xảy ra sạt lở đợt 1 với khối lượng đất đá khoảng 180m3. Sáng 13/4, tiếp tục xảy ra sạt lở đợt 2 với khối lượng khoảng 50m3 đất đá. Từ đêm 13/4 đến sáng 14/4 tiếp tục sạt lở đợt 3 với khối lượng lớn đất đá.

Được biết, hầm đường sắt Bãi Gió được khánh thành từ năm 1936, trần hầm làm bằng bê tông. Do sử dụng quá lâu, bê tông trên trần hầm bị phong hóa, mất tính kết dính nên đất đá rơi xuống hầm, gây nên sạt lở.

Bên trong hầm đường sắt Bãi Gió bị sạt lở.

Đ.Hưng-S.C

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/khoan-ham-bai-gio-khac-phuc-sat-lo-sap-thong-tuyen-duong-sat-bac-nam-16924042010542641.htm