Khoảng 18.000 căn hộ tái định cư bị bỏ hoang ở Hà Nội, TP.HCM

Chỉ tính riêng Hà Nội và TP.HCM, có ít nhất 18.000 căn hộ tái định cư bị bỏ hoang, không người đến ở, tiêu tốn hàng trăm tỷ đồng để bảo trì, bảo dưỡng mỗi năm.

 Dự án nhà ở tái định cư N01-D17 Duy Tân (quận Cầu Giấy, Hà Nội), dự kiến hoàn thành năm 2013, đến nay vẫn trong tình trạng bỏ hoang. Ảnh: Thụy Trang.

Dự án nhà ở tái định cư N01-D17 Duy Tân (quận Cầu Giấy, Hà Nội), dự kiến hoàn thành năm 2013, đến nay vẫn trong tình trạng bỏ hoang. Ảnh: Thụy Trang.

Theo Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), tại nhiều thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, nhiều căn hộ tái định cư bị bỏ hoang, tỷ lệ lấp đầy rất thấp, thậm chí có những tòa nhà không có người ở.

Chỉ tính riêng Hà Nội và TP.HCM, có ít nhất khoảng 18.000 căn hộ tái định cư bị bỏ hoang, không người đến ở, tiêu tốn hàng trăm tỷ đồng để bảo trì, bảo dưỡng mỗi năm.

Vì sao căn hộ tái định cư "ế"

Tại Hà Nội, theo báo cáo của UBND TP, hiện trên địa bàn có 174 khu nhà tái định cư đang được sử dụng với tổng số hơn 14.200 căn hộ và khoảng 4.000 căn chung cư bỏ hoang.

Nhiều dự án tái định cư có người dân về ở, có diện tích kinh doanh dịch vụ cũng vẫn bị bỏ trống nhiều năm, không có đơn vị nào thuê, sử dụng thương mại.

Thậm chí, có nhiều dự án nằm tại trung tâm thành phố cũng trong tình trạng bị bỏ hoang nhiều năm. Đơn cử, dự án tái định cư N01-D17 Duy Tân (quận Quận Giấy) có tổng vốn đầu tư hơn 220 tỷ đồng do UBND quận Cầu Giấy làm chủ đầu tư, được khởi công xây dựng từ năm 2010 và dự kiến hoàn thành vào năm 2013.

Đây là nơi bố trí tái định cư cho các hộ dân thuộc diện giải phóng mặt bằng, thu hồi đất phục vụ việc mở rộng tuyến đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài. Song đến nay, dự án vẫn chưa được hoàn thiện, phía bên trong nhiều hạng mục đã bị xuống cấp, bỏ hoang không được thi công, chỉ có số ít bảo vệ trông coi.

Còn tại TP.HCM, thống kê của Sở Xây dựng TP cho biết hiện có hơn 14.000 căn hộ tái định cư bỏ trống, tập trung nhiều nhất tại khu tái định cư Bình Khánh (TP Thủ Đức) với hơn 12.000 căn và tại khu khu tái định cư Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh) với hơn 2.000 căn hộ.

Khu tái định cư Bình Khánh (phường Bình Khánh, TP Thủ Đức) có diện tích 38,4 ha, nằm trong chương trình 12.500 căn hộ phục vụ tái định cư Khu đô thị mới Thủ Thiêm, đã hoàn thành từ năm 2015. Khu nhà nằm ngay trục đường lớn Mai Chí Thọ, cửa ngõ phía đông thành phố.

 Căn hộ tái định cư bị bỏ hoang tiêu tốn hàng trăm tỷ đồng để bảo trì, bảo dưỡng mỗi năm. Ảnh: Quỳnh Danh.

Căn hộ tái định cư bị bỏ hoang tiêu tốn hàng trăm tỷ đồng để bảo trì, bảo dưỡng mỗi năm. Ảnh: Quỳnh Danh.

Theo hội môi giới, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này do nhiều khu tái định cư được xây dựng ở những khu vực xa trung tâm, thiếu tiện ích và dịch vụ công cộng. Điều này làm giảm sức hấp dẫn và gây khó khăn cho người dân trong việc di chuyển và sinh hoạt.

"Một số dự án tái định cư gặp vấn đề về chất lượng xây dựng như vật liệu kém chất lượng, thiết kế không hợp lý và thi công không đạt chuẩn. Những vấn đề này không chỉ ảnh hưởng đến an toàn của cư dân mà còn làm giảm giá trị của các căn hộ, khiến người dân không muốn chuyển đến", VARS nhìn nhận.

Bên cạnh đó, nhiều khu tái định cư thường thiếu hạ tầng cơ bản như trường học, bệnh viện, chợ, và hệ thống giao thông, làm giảm chất lượng sống và sự tiện lợi cho cư dân.

Ngoài ra, mức đền bù chưa thỏa đáng và chính sách tái định cư theo Luật Đất đai hiện hành còn chưa hợp lý khiến nhiều người dân không muốn chuyển đến nơi ở mới hoặc không đủ khả năng để sống tại các khu tái định cư vì toàn bộ số tiền được đền bù không đủ để mua suất tái định cư được giao.

Hiện nay, số lượng dự án bất động sản được phê duyệt mới ngày càng khan hiếm trong khi các dự án đang triển khai "chật vật" bởi các vướng mắc liên quan đến pháp lý và nguồn vốn.

"Trung bình mỗi năm, ước tính mỗi đô thị đặc biệt thiếu hụt ít nhất 50.000 căn hộ. Việc hàng chục nghìn căn hộ để không trong khi nhiều người dân không có nhà ở là hiện tượng bất hợp lý", VARS đánh giá.

Đề xuất cho thuê

Theo hội môi giới, để giải quyết tình trạng căn hộ tái định cư bị bỏ hoang, cần thực hiện đồng bộ một loạt các biện pháp cụ thể. Chẳng hạn, cơ quan quản lý cần có kế hoạch quy hoạch rõ ràng và hợp lý hơn khi chọn vị trí xây dựng các khu tái định cư. Đồng thời cần có cơ quan giám sát chặt chẽ quá trình xây dựng để đảm bảo chất lượng và an toàn.

Cơ quan quản lý Nhà nước cần có kế hoạch quy hoạch rõ ràng và hợp lý hơn khi chọn vị trí xây dựng các khu tái định cư

Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS)

Bên cạnh đó, cần có các chương trình hỗ trợ tài chính, tư vấn và đào tạo nghề để giúp người dân thích nghi với cuộc sống mới. Khuyến khích người dân được tham gia vào quá trình quy hoạch và phát triển các dự án tái định cư.

Đối với các dự án căn hộ tái định cư đang triển khai, Nhà nước cần nhanh chóng rà soát, qua đó đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án chậm triển khai.

 VARS cho rằng nhà nước có thể nghiên cứu ghép nhà tái định cư và nhà ở xã hội cùng một phân khúc. Ảnh: Thụy Trang.

VARS cho rằng nhà nước có thể nghiên cứu ghép nhà tái định cư và nhà ở xã hội cùng một phân khúc. Ảnh: Thụy Trang.

Đối với các dự án bất động sản đã hoàn thiện và chưa được sử dụng có kế hoạch đấu giá để thu hồi vốn, cần nghiên cứu mức giá bán phù hợp hơn.

Bên cạnh quỹ nhà bán đấu giá, Nhà nước có thể nghiên cứu ghép nhà tái định cư và nhà ở xã hội cùng một phân khúc. Các dự án tái định cư sẽ được tiếp cận nguồn vốn và lãi suất của gói tín dụng 120.000 tỷ đồng để hoàn thiện các hạng mục dự án.

"Cho thuê cũng là một trong những giải pháp để khắc phục tình trạng bỏ hoang và sử dụng không hiệu quả. Tuy nhiên, cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý nhà nước, cộng đồng dân cư và các nhà đầu tư", VARS nhìn nhận.

Thanh Thương

Nguồn Znews: https://znews.vn/khoang-18000-can-ho-tai-dinh-cu-bi-bo-hoang-o-ha-noi-tphcm-post1476386.html