Khối u khổng lồ trong cơ thể bé gái 12 tuổi

Khối u khổng lồ nặng tới gần 12 kg phát triển trong cơ thể bé gái nhưng chỉ gây dấu hiệu đau bụng nhẹ thoáng qua.

 Khối u khổng lồ lấy ra từ cơ thể bé gái 12 tuổi. Ảnh: BVCC.

Khối u khổng lồ lấy ra từ cơ thể bé gái 12 tuổi. Ảnh: BVCC.

Bé gái được đưa đến Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) với triệu chứng đau bụng âm ỉ thoáng qua, vùng bụng dưới to bất thường.

Kết quả siêu âm cho thấy bé gái có kích thước 30x40 cm, nặng gần 12 kg, chiếm gần hết thể tích ổ bụng và chèn ép các cấu trúc khác. Em được chỉ định nhập viện khẩn cấp để loại bỏ khối u.

Theo bác sĩ chuyên khoa II Huỳnh Cao Nhân, Trưởng khoa Ngoại Niệu, đồng thời là trưởng ê-kíp phẫu thuật cho bé gái, u buồng trứng là loại u ổ bụng hay gặp ở các bé gái.

"Triệu chứng của bệnh thường đa dạng, có khi chỉ đau bụng âm ỉ thoáng qua hoặc đau bụng dữ dội nếu có biến chứng xoắn buồng trứng, rối loạn kinh nguyệt, bụng to dần… Một số trường hợp phát hiện bệnh tình cờ dù không có triệu chứng gì. Do đó các phụ huynh nên lưu ý và cho con đi thăm khám sớm khi có các dấu hiệu nghi ngờ như trên", bác sĩ cho hay.

 Bé gái chỉ có triệu chứng đau bụng thoáng qua nên không phát hiện sớm khối u buồng trứng lớn. Ảnh: BVCC.

Bé gái chỉ có triệu chứng đau bụng thoáng qua nên không phát hiện sớm khối u buồng trứng lớn. Ảnh: BVCC.

Đau bụng ở trẻ nhỏ rất thường gặp nhưng dễ bị bỏ qua. Tuy nhiên, trong một số tình huống, cơn đau bụng có thể là dấu hiệu của việc trẻ bị lồng ruột, viêm ruột thừa, tắc ruột, giun chui ống mật, thoát vị bẹn nghẹt...

Ở trẻ trai, đau bụng có thể là triệu chứng bị xoắn thừng tinh. Trong khi đó, trẻ gái bị xoắn u nang buồng trứng cũng có dấu hiệu đau bụng.

Có hai loại u buồng trứng phổ biến nhất là u nang thanh dịch buồng trứng và u quái buồng trứng. Các khối nang thanh dịch buồng trứng có thể hình thành từ rất sớm, do trẻ bị ảnh hưởng từ hormone của người mẹ khi còn đang mang thai.

Tỷ lệ trẻ dưới một năm tuổi phát hiện nang thanh dịch buồng trứng không hề thấp. Hầu hết trường hợp này đều không chỉ định phẫu thuật mà tiếp tục theo dõi. Đa phần, các khối u có thể teo đi theo thời gian.

Theo thống kê, 90% khối u được phát hiện ở trẻ là lành tính, nhưng nếu phát hiện muộn, trẻ rất dễ xảy ra tình trạng xoắn cuống khối u, vỡ khối u, chèn ép các cơ quan xung quanh và biến thành u ác tính… Trong trường hợp này, các bác sĩ buộc lòng phải chỉ định cắt bỏ toàn bộ một bên buồng trứng.

Bác sĩ khuyến cáo các gia đình nên thường xuyên cho trẻ đi kiểm tra sức khỏe định kỳ để có thể phát hiện sớm khối u. Khi trẻ có các biểu hiện đau tức vùng hạ vị, bụng to bất thường nên đưa con tới ngay cơ sở y tế và không loại trừ khả năng tồn tại khối u nang.

Nhật Minh

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/khoi-u-khong-lo-trong-co-the-be-gai-12-tuoi-post1476200.html