Không chủ quan, lơ là với bệnh dại

Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Tây Ninh, trên địa bàn huyện Dương Minh Châu vừa ghi nhận một trường hợp tử vong do bệnh dại. Đây cũng là ca tử vong do bệnh dại đầu tiên của Tây Ninh trong năm 2024.

Chó thả rông bị lực lượng chức năng bắt.

Chó thả rông bị lực lượng chức năng bắt.

Chó mèo thả rông, thiếu sự quản lý

Trước tình hình trên, ngành Y tế Tây Ninh đã phối hợp với Trạm Chăn nuôi Thú y và Trung tâm Y tế huyện Dương Minh Châu tiến hành điều tra, giám sát ca dại tại gia đình và người thân của bệnh nhân. Đồng thời, khu vực xảy ra ca bệnh dại cũng được lực lượng Thú y kiểm soát, khoanh vùng, tiêm ngừa cho chó, mèo để tránh lây lan bệnh dại.

Thời gian qua, tình trạng chó thả rông ngoài đường vẫn diễn ra phổ biến từ nông thôn đến thành thị. Mỗi buổi sáng sớm hay tối muộn, dễ dàng bắt gặp nhiều con chó chạy lang thang, đùa giỡn trên các tuyến đường. Thậm chí, nhiều người nuôi còn vô tư thả cho chó mèo đi vệ sinh, phóng uế khắp nơi mà không rọ mõm, hay có người dắt. Trong khi đó, ở các khu dân cư người đi lại rất đông, trẻ em thường ra sân vui đùa, nếu không may bị chó cắn, nhất là chó mắc bệnh dại cắn sẽ rất nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng.

Ông N.T.P, ngụ khu phố 2, phường 3, thành phố Tây Ninh cho biết, trên địa bàn có nhiều gia đình nuôi chó, do không gian trong nhà chật hẹp nên mỗi buổi sáng, họ thường mở cổng, thả chó ra đường để chúng phóng uế, gây mất vệ sinh môi trường. Không những vậy, những con chó thả rông còn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.

Theo ông P, hầu hết những con chó chạy rông ngoài đường đều không có vòng cổ, không có thông tin chủ nuôi, nên khi xảy ra tai nạn giao thông hoặc chó cắn người sẽ không có ai đứng ra nhận trách nhiệm.

Bà Đinh Thị Thu Nga, ngụ xã An Bình, huyện Châu Thành cho biết, mỗi khi ra đường, nhìn thấy những con chó đi lang thang, hay đùa giỡn ven đường, bà đều giảm tốc độ xe, vì lo sợ chúng bất ngờ chạy tông vào đầu xe, gây tai nạn giao thông.

Theo bà Nga, cách đây hơn một năm, bà chứng kiến một vụ tai nạn, con chó đang đi trong lề đường đột nhiên chạy ra giữa đường, tông vào bánh trước xe máy khiến người điều khiển phương tiện té nhào, bà cùng với người dân đi đường phải hỗ trợ người bị nạn đến trung tâm y tế băng bó vết thương.

Theo nhiều người dân, tình trạng chó, mèo nuôi trong nhà nhưng không cột, nhốt hay rọ mõm rất phổ biến. Nhất là khu vực nông thôn, nhiều người nuôi không thực hiện tiêm vaccine phòng bệnh dại định kỳ, nếu chó mắc bệnh dại thì kể cả chủ nhà cũng có thể trở thành nạn nhân của chúng.

Ông V.T.H, ngụ ấp Cầy Xiêng, xã Đồng Khởi, huyện Châu Thành cho biết, vào đợt gần tết năm 2023, khu vực ông sinh sống xuất hiện con chó có biểu hiện dại, chạy rông trên đường, miệng lúc nào cũng lè lưỡi, nước dãi chải lòng thòng, cứ thấy nhà nào có chó là xông đến cắn. Theo ông H, việc thả rông chó là thói quen từ lâu nay của nhiều người dân, nên khi chó phát bệnh rất khó kiểm soát, còn khiến bệnh dại lây lan nhanh hơn.

Tỷ lệ tiêm phòng bệnh dại trên đàn chó, mèo còn thấp

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), chó, mèo là động vật nuôi phổ biến của nhiều gia đình, chủ yếu để giữ nhà, làm thú cưng, tổng đàn thường xuyên thay đổi, ước tính trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 80.000 con chó, mèo. Hiện nay, thời tiết nắng nóng kéo dài khiến chó mèo dễ bị kích động cắn người.

Ông Nguyễn Đình Xuân– Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, năm 2023 và 3 tháng đầu năm 2024, tình hình chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh tương đối ổn định, không có phát sinh dịch bệnh. Riêng bệnh dại, trong năm 2023 xảy ra 4 ca trên chó (thị xã Hòa Thành: 3 ca, thành phố Tây Ninh: 1 ca) và 2 trường hợp người tử vong do bệnh dại tại các huyện Gò Dầu, Bến Cầu.

Ngày 27.3.2024 vừa qua, trên địa bàn huyện Dương Minh Châu ghi nhận một trường hợp tử vong do bệnh dại. Đây cũng là ca tử vong do mắc bệnh dại đầu tiên của Tây Ninh trong năm 2024.

Ngành Y tế khuyến cáo, thời tiết nắng nóng hiện nay là môi trường thuận lợi để bệnh dại bùng phát mạnh, người dân cần chủ động tiêm vaccine phòng dại định kỳ cho chó, mèo; đến ngay cơ sở y tế xử lý nếu không may bị chó mèo cắn, cào.

Theo ông Nguyễn Đình Xuân, để kiểm soát bệnh dại, từ năm 2023, UBND tỉnh đã đưa chỉ tiêu quản lý chó mèo và bắt chó thả rông, kiểm soát bệnh dại vào tiêu chí đánh giá, xếp loại hoàn thành nhiệm vụ của UBND các cấp.

Tuy nhiên, việc lập sổ theo dõi đàn chó, mèo tại các địa phương theo tinh thần Nghị định số 05/2007/NĐ-CP, ngày 9.1.2007 của Chính phủ về phòng, chống bệnh dại ở động vật hiện nay, các xã, thị trấn vẫn còn lúng túng chưa thực hiện được, nên công tác quản lý đàn chó mèo còn khó khăn. 3 tháng đầu năm, toàn tỉnh triển khai được 18.757 liều vaccine dại, đã tiêm ngừa cho khoảng 22,98% tổng đàn.

Tại các địa phương, công tác đánh dấu để nhận diện (đeo vòng cổ) cho chó, mèo đã được tiêm vaccine dại vẫn không thực hiện được dù đã được tuyên truyền, vận động; chỉ có một vài con chó cảnh được đeo vòng nhận diện, thực hiện cấp giấy chứng nhận tiêm phòng cho chó đã tiêm phòng và lập sổ theo dõi tiêm phòng dại tại các phòng mạch thú y.

Công tác bắt chó chạy rông theo Quyết định số 2020/QĐ-UBND ngày 3.10.2022 của UBND tỉnh và Kế hoạch phòng, chống bệnh dại trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2030 đã được giao về UBND các huyện, thị xã, thành phố. Tuy nhiên, công tác triển khai của các địa phương còn lúng túng, chưa thực hiện được (trong năm 2023 có 4 huyện ban hành quyết định giao kinh phí cho công tác bắt chó chạy rông: Dương Minh Châu, Bến Cầu, Gò Dầu và thành phố Tây Ninh; tuy nhiên, chỉ có thành phố Tây Ninh triển khai được 1 chuyến).

Nguyên nhân là hầu hết các địa phương chưa bố trí được kinh phí, chưa có quyết định giao kinh phí; không liên hệ được cá nhân, tổ chức có xe chuyên dụng phục vụ bắt chó; không thuê được xe tại chỗ; không bố trí được xe của xã, huyện; không có dụng cụ chuyên dùng; chưa thành lập được đội bắt chó do chưa có hướng dẫn cụ thể về thành phần, nhiệm vụ, phương tiện, chế độ; nơi giữ nhốt chó tạm thời ở địa phương.

Minh Dương

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/khong-chu-quan-lo-la-voi-benh-dai-a171126.html