Không để 'đại bàng' đến Việt Nam khảo sát rồi lại xây 'tổ' ở nước khác

Một số tập đoàn lớn đã đến khảo sát, nghiên cứu tại Việt Nam nhưng rồi lại xây cứ điểm ở nước khác. Điều này cần giải pháp cấp bách để ứng phó với ảnh hưởng của thuế tối thiểu toàn cầu, ngăn làn sóng dịch chuyển đầu tư ra khỏi Việt Nam của một nhóm các nhà đầu tư lớn (có thể kéo theo nhiều các công ty vệ tinh đi theo) có vai trò quan trọng trong nền kinh tế.

Báo cáo đánh giá tác động của chính sách về thành lập, quản lý và sử dụng quỹ hỗ trợ đầu tư, Bộ KH&ĐT cho biết, việc Việt Nam chính thức áp dụng chính sách về Thuế Tối thiểu toàn cầu từ ngày 01/01/2024 theo Nghị quyết số 107/2023/QH15 ngày 29/11/2023 sẽ có tác động lớn trên phương diện thuế cũng như môi trường đầu tư.

Lý do đến rồi đi?

Theo đó, việc xây dựng chính sách về Quỹ hỗ trợ đầu tư để đưa ra các chính sách hỗ trợ đầu tư mới, phù hợp với quy tắc của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) là rất cần thiết. Điều này để Việt Nam có thể đảm bảo vị thế cạnh tranh trong thu hút đầu tư, cũng như ổn định môi trường đầu tư để tiếp tục khuyến khích các nhà đầu tư hiện hữu duy trì và mở rộng hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.

Việt Nam cần giữ chân các tập đoàn lớn bằng chính sách hỗ trợ đặc biệt so với các đối thủ cạnh tranh.

Việt Nam cần giữ chân các tập đoàn lớn bằng chính sách hỗ trợ đặc biệt so với các đối thủ cạnh tranh.

Bộ KH&ĐT cho biết, chính sách ưu đãi đầu tư của Việt Nam chưa tương thích với bối cảnh mới. Điều này dẫn đến, trong thời gian vừa qua, có nhiều tập đoàn lớn đã đến khảo sát, nghiên cứu đầu tư tại Việt Nam, nhưng do pháp luật chưa có quy định cụ thể về hỗ trợ đầu tư từ ngân sách nhà nước nên họ đã chuyển sang quốc gia khác.

Đơn cử, LG Chemical đề xuất dự án sản xuất pin với đề nghị Việt Nam hỗ trợ 30% chi phí sản xuất (tiền mặt), sau đó đã chuyển sang Indonesia; Intel đề xuất dự án sản xuất chip với vốn đầu tư 3,3 tỷ USD, đề xuất Việt Nam hỗ trợ 15% bằng tiền, sau đó đã chuyển sang Ba Lan; Tập đoàn bán dẫn AT&S của Áo, vào khảo sát, dự kiến đầu tư, nhưng Việt Nam không đáp ứng được về cơ chế hỗ trợ theo chi phí; số lượng lao động công nghệ cao có sẵn; do đó đã chuyển sang Malaysia…

Ngoài ra, việc mở rộng đầu tư của một số dự án công nghệ cao có quy mô lớn cũng có dấu hiệu chững lại để chờ phản ứng chính sách của Việt Nam. Thời gian vừa qua, một số tập đoàn lớn đã có trao đổi chính thức về việc đang tạm dừng kế hoạch đầu tư mới, mở rộng tại Việt Nam nếu Chính phủ Việt Nam không có chính sách hỗ trợ đầu tư phù hợp khi áp dụng thuế thuế tối thiểu toàn cầu.

Vì vậy, Bộ KH&ĐT cho rằng cần giải pháp cấp bách để ứng phó với ảnh hưởng thuế thuế tối thiểu toàn cầu; ngăn làn sóng dịch chuyển đầu tư ra khỏi Việt Nam của một nhóm các nhà đầu tư lớn (có thể kéo theo nhiều các công ty vệ tinh đi theo) có vai trò quan trọng trong nền kinh tế.

Hiện, Bộ KH&ĐT đang xây dựng hồ sơ xây dựng Nghị định về thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ Hỗ trợ đầu tư để lấy ý kiến các đối tượng chịu tác động, trong đó có chính sách hỗ trợ đầu tư bao gồm: DN có dự án đầu tư trong lĩnh vực sản xuất sản phẩm công nghệ cao; DN công nghệ cao; DN có dự án ứng dụng công nghệ cao; DN có dự án đầu tư trung tâm nghiên cứu và phát triển; DN có dự án xanh/tăng trưởng xanh trọng điểm và; DN Việt Nam dẫn dắt, tiên phong. Các DN được hưởng hỗ trợ đầu tư phải đáp ứng các tiêu chí về vốn đầu tư hoặc doanh thu theo yêu cầu…

Việt Nam còn có những lợi thế khác

TS. Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT), Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đầu tư quốc tế, cho rằng để chính sách ưu đãi hiệu quả, Bộ KH&ĐT cần xây dựng chương riêng áp dụng cho các tập đoàn, DN toàn cầu đầu tư tại Việt Nam hiện đang được hưởng ưu đãi về thuế, chẳng hạn như thuế thu nhập DN.

Đây là khoản thuế mà Việt Nam cũng như hầu hết các nước đang phát triển sử dụng để tạo sức cạnh tranh trong việc thu hút các DN lớn đầu tư khủng hoặc đầu tư công nghệ cao vào đất nước họ. Nay Việt Nam thực hiện cam kết chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu, những ưu đãi này mất đi ý nghĩa trong việc thu hút đầu tư.

Do vậy, bài toán hiện nay, ông Thắng nhấn mạnh, Việt Nam cần giải là đồng thời phải thực hiện được nhiệm vụ kép, thực hiện cam kết chống xói mòn cơ sở thuế tối thiểu toàn cầu khi đã hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới nhưng cũng phải tiếp tục là điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là với “đại bàng lớn”.

Theo GS. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội DN Đầu tư nước ngoài, Việt Nam có thể không cạnh tranh được với các nước bằng lợi thế ưu đãi tài chính và thuế, nhưng chúng ta cần biết đánh đổi lợi thế này để lấy lợi thế khác trong đàm phán với các nhà đầu tư FDI lớn.

Theo ông Mại, cạnh tranh của các nước có cùng nhu cầu thu hút đầu tư giống Việt Nam ngày càng lớn, nên chúng ta cần thay đổi cách tiếp cận với thế giới để cải thiện môi trường đầu tư, thích ứng với cạnh tranh thu hút đầu tư nước ngoài.

“Việt Nam phải nhanh chóng cải cách nền hành chính quốc gia. Xây dựng Chính phủ số tạo điều kiện cho nhà đầu tư, doanh nghiệp và người dân thụ hưởng thủ tục hành chính không phiền hà, sách nhiễu. Những tập đoàn lớn, người ta cần thời gian rất nhanh để phát triển dự án. Nếu không làm được thì cơ hội giảm thiểu, thậm chí tuột mất”, ông Mại nhấn mạnh.

Nhật Linh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/khong-de-dai-bang-den-viet-nam-khao-sat-roi-lai-xay-to-o-nuoc-khac-1099845.html