Khu tập thể ngập 'chuồng cọp' ở Hà Nội trước phương án cải tạo lại

Tường nhiều năm tuổi đã bị nứt, nhiều bức ẩm mốc không thể sửa, còn chuồng cọp mọc lên vây tứ phía là tình cảnh tại Khu tập thể Nghĩa Tân (Cầu Giấy, Hà Nội). Nơi đây đang có khoảng 6.000 dân sinh sống.

Tập thể Nghĩa Tân gồm 23 nhà chung cư, cao từ 3 đến 5 tầng, diện tích trung bình căn hộ 18 - 20m2, xây dựng năm 1987. Hầu hết người dân sinh sống tại đây đều tận dụng khoảng sân trống mặt sau căn hộ để cơi nơi diện tích. Cứ như vậy từ tầng 1 cho đến các tầng phía trên, nhà dưới "đua" ra thì nhà trên cũng được ăn theo.

Bởi thế mà tất cả căn tập thể tại đây đều có "chuồng cọp". Mỗi nhà lấn ra ngoài khoảng không một lượng diện tích nhất định. Có những vị trí cứ càng lên cao số centimet cơi nới lại càng được tăng thêm.

Nhìn từ trên cao, mỗi khoảng lại thấy một màu mái tôn khác nhau. Xung quanh, hệ thống "chuồng cọp" mọc lên lổn nhổn, ríu rít bám chặt lấy những bờ tường đã nhiều năm tuổi.

Những vết tường nứt giữa các căn hộ ngày càng hiện rõ, len lỏi bủa vây "hệ thống chuồng cọp".

Giống với nhiều dãy nhà khác tại tập thể Nghĩa Tân, cầu thang tại dãy D1 luôn trong tình trạng tay vịn lỏng lẻo, lối đi sứt mẻ.

Tại tòa D6 Khu tập thể Nghĩa Tân, vết nứt trần do thời gian hiện rõ ngay dưới chân cầu thang.

Dây điện chằng chịt nối dài ở các lối thoát hiểm, len lỏi qua các tầng của dãy nhà.

Do mật độ hộ dân cư sinh sống đông, diện tích sử dụng bị eo hẹp, các giàn phơi quần áo được tận dụng ở ngay lối lên cầu thang. Hình ảnh tại dãy nhà C4.

Nhiều thiết bị vui chơi dành cho trẻ em tại sân khu tập thể bị hoen gỉ dần theo thời gian và hầu như không còn giá trị sử dụng.

Thuê một căn tầng 1 tập thể để kinh doanh tiệm làm đẹp, chị Anh Đào phải trả mức giá 6,5 triệu đồng/tháng. Khi mở cửa hàng chị đã tự tay sơn, sửa, đi lại thiết bị điện và nội thất.

Gần 40 năm tuổi, các mảng tường tại dãy C5 có dấu hiệu bong tróc, cây dại mọc lên xanh tốt.

Gia đình ông Phạm Văn Giá sinh sống 3 thế hệ tại đây đã hơn 30 năm. 5 thành viên loay hoay trong một căn hộ 30m2 có tường ẩm mốc đổi màu cùng các vệt bong tróc theo thời gian. "Cứ chống ẩm lại dột, cứ sơn rồi lại bong. Do nhà tập thể xuống cấp, những năm qua nhiều người ở đây đã rao bán để chuyển đi nơi khác ở. Riêng gia đình tôi do tài chính eo hẹp buộc phải bám trụ để duy trì cuộc sống", ông Giá chia sẻ.

Anh Chí Hoan (dãy C1) đã nhiều lần phải sơn lại những bức tường ẩm mốc. Tuy nhiên tình trạng này vẫn kéo dài, anh thay đổi bằng cách dán các miếng xốp để che giấu bớt mảng màu xấu xí. Không mưa cũng dột là tình trạng chung ở các dãy nhà tập thể thuộc Khu tập thể Nghĩa Tân.

Các tầng thượng của tập thể tại đây theo nhiều năm tháng cũng xuất hiện tình trạng rêu mốc quấn quanh nóc.

Hà Nội lập quy hoạch xây dựng lại 23 chung cư cũ tại Nghĩa Tân

UBND TP. Hà Nội vừa quyết định lập quy hoạch chi tiết 1/500 để xây dựng lại 23 chung cư cũ với khoảng 6.000 dân tại Khu tập thể Nghĩa Tân (Cầu Giấy – Hà Nội).

Khu vực nghiên cứu lập quy hoạch rộng khoảng 30ha tại phường Nghĩa Tân (Cầu Giấy); phía Bắc trùng với tim đường Hoàng Quốc Việt; phía Tây trùng với mép vỉa hè đường Nguyễn Phong Sắc; các phía còn lại trùng với tim phố Tô Hiệu.

Trong gần 30ha diện tích nghiên cứu lập quy hoạch có gần 5ha đất là nhà chia lô được xây dựng, ăn ở ổn định, đã cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất ở.

Trong giai đoạn 2021 - 2025 Hà Nội lên kế hoạch cải tạo 10 khu chung cư cũ, bao gồm bốn khu nhà cấp D - cấp độ nguy hiểm, nguy cơ sụp đổ, phải di dời khẩn cấp người dân, gồm: Giảng Võ, Thành Công, Ngọc Khánh, nhà của Bộ Tư pháp; và 6 khu có tính khả thi để cải tạo là Kim Liên, Trung Tự, Khương Thượng, Thanh Xuân Bắc, Thanh Xuân Nam, Nghĩa Tân.

Minh Hoàng

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/khu-tap-the-ngap-chuong-cop-o-ha-noi-truoc-phuong-an-cai-tao-lai-2190800.html