Khủng hoảng kép tại Afghanistan, Liên hợp quốc kêu gọi hành động khẩn cấp

Vào một năm trước, ngày 15/8/2021, Taliban chính thức lên nắm quyền tại Afghanistan sau khi giành quyền kiểm soát thủ đô Kabul.

Ảnh minh họa/INT

Trong những ngày sau đó, hàng chục nghìn người đổ xô đến các sân bay với hy vọng rời khỏi quê hương.

Còn đối với những người ở lại, đặc biệt với phụ nữ, trẻ em gái, việc Taliban nắm quyền chỉ đem lại muôn vàn khó khăn. “Cuộc sống đã mất đi ý nghĩa của nó”, anh Ogai Amail, người dân Afghanistan sống tại Kabul, chia sẻ.

Nền kinh tế Afghanistan đang bị cô lập khiến những thành tựu đạt được trong hai thập kỷ qua đứng trước nguy cơ bị xóa sổ. Sau khi Taliban lên nắm quyền, các khoản viện trợ tài chính bị tạm dừng vô thời hạn.

Liên Hợp Quốc ước tính khoảng 97% người Afghanistan có thể rơi xuống dưới mức nghèo khổ (thu nhập dưới 1,9 USD/người/ngày) vào mùa hè 2022. Báo cáo của Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn (UNHCR) chỉ ra, khoảng 3,5 triệu người di cư trong nước trên khắp Afghanistan vào cuối năm 2021.

Khủng hoảng kinh tế đã kéo theo khủng hoảng nhân đạo tại quốc gia Nam Á này. Tháng 3/2022, Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) cảnh báo tỷ lệ tảo hôn ở các thành phố, khu vực nông thôn và trong các gia đình Afghanistan đang gia tăng.

Còn theo Chương trình Lương thực Thế giới (WFP), hơn 20 triệu người, chiếm một nửa dân số Afghanistan, đang đối mặt với tình trạng “khủng hoảng” hoặc “khẩn cấp” về mất an ninh lương thực.

Tính đến tháng 4/2022, khoảng 95% dân số Afghanistan không có đủ lương thực. Hơn một triệu trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng cấp tính và kéo dài.

Kéo theo đó, khoảng một triệu trẻ em đang tham gia lao động trẻ em khi thu nhập gia đình giảm mạnh, theo Tổ chức Cứu trợ Trẻ em (Save the Children).

Cuộc khủng hoảng của Afghanistan phần lớn đến từ tính hợp pháp của chính quyền Taliban. Đến nay, Taliban vẫn loay hoay tìm kiếm sự công nhận của các quốc gia trên thế giới và các tổ chức quốc tế nhưng chưa một quốc gia nào bày tỏ sẵn lòng công nhận chính phủ mới ở Afghanistan.

Ở phía ngược lại, thế giới chưa thấy được sự quyết tâm và sự tin cậy đối với chính quyền Taliban khi lực lượng này liên tục thất hứa. Sau khi lên nắm quyền, Taliban khẳng định không áp dụng các quy định hà khắc như những năm 1990.

Tuy nhiên, một năm qua, Taliban đã ban hành nhiều quy định nghiêm ngặt hạn chế các quyền tự do về ăn mặc, giáo dục, làm việc hay sự tự do đi lại... đối với phụ nữ.

Nữ sinh trung học không được phép đến trường dù đã có thông báo đi học lại, từ đó, khả năng học lên đại học gần như bằng không. Phụ nữ và trẻ em đang trở thành nạn nhân chính của cuộc khủng hoảng tại Afghanistan.

Một vấn đề quan trọng khác là khủng hoảng thanh khoản và sự sụp đổ của hệ thống ngân hàng. Những con số biết nói cho thấy, Taliban đang ưu tiên chương trình nghị sự tôn giáo và tư tưởng hơn là nền kinh tế và nhu cầu nhân đạo của người dân.

Trước tình hình trên, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đã kêu gọi thế giới có hành động khẩn cấp nhằm hỗ trợ nhân đạo cho Afghanistan. Tuy nhiên viện trợ nhân đạo sẽ không bao giờ là giải pháp tối ưu.

Cộng đồng quốc tế có thể vươn tay hỗ trợ Afghanistan trong ngắn hạn nhưng quốc gia này chỉ có thể phục hồi sau khi giải quyết bài toán kinh tế.

Vinh Hiếu

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/khung-hoang-kep-tai-afghanistan-lien-hop-quoc-keu-goi-hanh-dong-khan-cap-post604461.html