Kiểm soát bệnh sởi ở Kiên Giang

Ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và việc gián đoạn cung ứng vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng cho trẻ năm 2023 là yếu tố có thể làm cho dịch bệnh, trong đó có bệnh sởi phát triển. Ngành y tế tỉnh Kiên Giang đang thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh sởi trên địa bàn.

Theo báo cáo của Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh, đầu năm 2024 đến ngày 5-4, tình hình bệnh sởi tại 20 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam ghi nhận 53 trường hợp, tăng 60% so cùng kỳ năm 2023 (33 ca).

Tại Kiên Giang, từ đầu năm 2024 đến ngày 12-5, toàn tỉnh ghi nhận 78 trường hợp phát ban nghi sởi, trong đó có 40 trường hợp xét nghiệm dương tính với virus sởi (TP. Phú Quốc 39 trường hợp, huyện Châu Thành 1 trường hợp). Các trường hợp bệnh sởi tại TP. Phú Quốc thuộc chùm ca bệnh sốt phát ban nghi sởi được ghi nhận từ ngày 7-4-2024 đến nay trên địa bàn.

Trẻ em được tiêm vaccine phòng bệnh sởi tại Trạm Y tế phường Vĩnh Thanh Vân (TP. Rạch Giá).

Trẻ em được tiêm vaccine phòng bệnh sởi tại Trạm Y tế phường Vĩnh Thanh Vân (TP. Rạch Giá).

Theo thạc sĩ, bác sĩ Trần Thế Vinh - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Kiên Giang, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và việc gián đoạn cung ứng vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng năm 2023 ảnh hưởng đến tỷ lệ tiêm chủng cho trẻ. Nhiều trẻ chưa được tiêm chủng đúng lịch, đủ mũi là yếu tố nguy cơ có thể làm cho dịch bệnh, trong đó có bệnh sởi phát triển. Năm 2023, tỷ lệ trẻ dưới 1 tuổi trên địa bàn tỉnh được tiêm chủng miễn dịch đầy đủ đạt thấp (81,6% chỉ tiêu) do đứt gãy cung ứng vaccine từ tuyến trên. Từ tháng 6-2023, tỉnh bắt đầu thiếu vaccine sởi, MR (sởi - rubella).

Sau khi tình trạng thiếu vaccine tiêm chủng mở rộng được giải quyết, đầu năm 2024 đến nay, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Kiên Giang tiếp nhận 24.000 liều vaccine sởi, 23.000 liều vaccine MR. Đơn vị phân bổ cho địa phương để thực hiện tiêm chủng thường xuyên, tiêm bù, tiêm vét cho trẻ còn thiếu mũi.

Chị Lâm Thị Mỹ Tiên, ngụ khu phố 3, phường Vĩnh Thanh Vân (TP. Rạch Giá) cho biết: “Năm 2023, do thiếu vaccine con tôi chưa được tiêm chủng đủ mũi. Nhân viên trạm y tế giải thích để gia đình có thể đưa trẻ đi tiêm dịch vụ hoặc đợi khi có vaccine sẽ thông báo cho trẻ tiêm bù. Gia đình không có điều kiện đưa con tiêm dịch vụ nên khi được thông báo của nhân viên y tế có vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng, tôi đưa con đi tiêm đúng lịch hẹn để phòng bệnh cho con”.

Để ngăn chặn sự lây lan của bệnh sởi trong cộng đồng, Viện Pasteur khu vực phía Nam cử các đoàn công tác phối hợp Sở Y tế tỉnh Kiên Giang, UBND TP. Phú Quốc tham gia công tác điều tra thực địa tại TP. Phú Quốc. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Kiên Giang phối hợp đội chuyên môn, kỹ thuật của Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh chỉ đạo nhân viên y tế Trung tâm Y tế TP. Phú Quốc truy vết các trường hợp bệnh và tiếp xúc gần với ca bệnh tại trường học và địa bàn dân cư.

Đồng thời, rà soát tiền sử tiêm chủng của trẻ trong độ tuổi tiêm chủng mở rộng và trẻ từ 1-10 tuổi để chuẩn bị tiêm bù, tiêm vét cho trẻ theo lịch tiêm chủng; chuẩn bị sẵn sàng chiến dịch tiêm bổ sung khi được phê duyệt chủ trương và cung ứng vaccine từ Trung ương nhằm tạo miễn dịch cho trẻ tại cộng đồng.

Nhân viên Trung tâm Y tế TP. Phú Quốc điều tra ca bệnh sởi tại xã Cửa Dương.

Nhân viên Trung tâm Y tế TP. Phú Quốc điều tra ca bệnh sởi tại xã Cửa Dương.

Thạc sĩ, bác sĩ Trần Thế Vinh cho biết: “Sau thời gian tích cực triển khai công tác điều tra, truy vết ca bệnh, khoanh vùng và quản lý danh sách đối tượng tiếp xúc gần…, tình hình bệnh sởi tại tỉnh cơ bản được kiểm soát, số ca lây nhiễm tại trường học và cộng đồng không tăng cao, có xu hướng giảm hàng ngày. Các ca bệnh mới xuất hiện hầu hết được quản lý từ đối tượng tiếp xúc gần với ca bệnh trước đó. Ý thức của người dân về phòng, chống bệnh sởi, lợi ích của việc tiêm vaccine phòng bệnh tại cộng đồng được nâng lên”.

Nhằm tiếp tục duy trì, kiểm soát tình hình các ca bệnh mới phát sinh tại cộng đồng và thực hiện tiêm bù, tiêm vét cho trẻ theo quy định, Sở Y tế tỉnh Kiên Giang chỉ đạo các đơn vị chuyên môn tiếp tục thực hiện công tác phòng, chống bệnh sởi; truy vết đối tượng tiếp xúc gần, cách ly tại nhà phù hợp để phòng tránh và hạn chế nguy cơ lây nhiễm cho cộng đồng. Đồng thời, rà soát tiền sử tiêm chủng của trẻ để có kế hoạch thực hiện tiêm bù, tiêm vét nhằm bảo vệ miễn dịch phòng, chống bệnh.

Nhân viên y tế trường học theo dõi, phát hiện và báo cáo kịp thời các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh sởi về trạm y tế theo quy định. Sở Y tế tỉnh Kiên Giang tham mưu và đề xuất tuyên truyền chủ trương tiêm vaccine bổ sung cho trẻ từ 1-10 tuổi trên địa bàn; đề xuất số lượng vaccine để phục vụ chiến dịch tiêm bổ sung. Các đơn vị y tế tiếp tục triển khai công tác truyền thông trên phương tiện thông tin đại chúng về phòng, chống dịch bệnh; lợi ích và tầm quan trọng của tiêm vaccine đúng và đủ liều theo khuyến cáo của ngành y tế nhằm bảo vệ sức khỏe cho trẻ.

Bài và ảnh: MI NI

Nguồn Kiên Giang: https://baokiengiang.vn/y-te/kiem-soat-benh-soi-o-kien-giang-20364.html