Kiểm soát xe tập lái lưu thông trên đường

Thời gian qua, tình trạng tai nạn giao thông đường bộ có liên quan đến xe tập lái thỉnh thoảng vẫn diễn ra. Điều này khiến dư luận quan tâm về độ an toàn của xe tập lái khi lưu thông trên đường, cũng như mong muốn các cơ quan chức năng cần tăng cường hơn nữa công tác quản lý nhà nước đối với loại phương tiện này.

Hiện trường vụ tai nạn giao thông có liên quan đến xe tập lái xảy ra trên địa bàn huyện Xuân Lộc vào ngày 22-4-2024. Ảnh:C.T.V

Nỗi lo tai nạn giao thông từ xe tập lái

Sáng 22-4-2024, xe tải tập lái biển số 60C-584.92 lưu thông trên quốc lộ 1, hướng từ Đồng Nai đi tỉnh Bình Thuận. Khoảng 9h40 cùng ngày, khi xe tập lái này đi đến khu vực xã Xuân Hòa (huyện Xuân Lộc) thì xảy ra va chạm với xe máy biển số 81K4-6805 do ông Đ.C.T. (ngụ huyện Xuân Lộc) điều khiển chạy theo hướng ngược lại. Cú va chạm đã khiến ông Đ.C.T. tử vong tại chỗ. Hiện lực lượng chức năng đang điều tra làm rõ nguyên nhân sự việc.

Trước đó, trưa 21-11-2023, xe tải tập lái biển số 60C-625.46 của một trung tâm đào tạo lái xe tại thành phố Biên Hòa lưu thông trên đường Phạm Thị Nghĩa, đoạn qua khu phố 5, phường Tân Hiệp (thành phố Biên Hòa) thì va chạm với xe máy biển số 60F3-950.87 đang lưu thông trên tuyến đường này. Cú tông mạnh khiến em N.H.K.B. (đi trên xe máy) bất tỉnh tại chỗ và được người dân địa phương đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai.

Khoản 1, Điều 58 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định về điều kiện của tập lái xe khi tham gia giao thông là: người tập lái xe ô tô khi tham gia giao thông phải thực hành trên xe tập lái và có giáo viên bảo trợ tay lái.

Theo Sở Giao thông vận tải, từ đầu năm 2024 đến nay, sở đã cấp mới 8 giấy phép xe tập lái và cấp lại 512 giấy phép xe tập lái cho các cơ sở đào tạo lái xe, trung tâm sát hạch lái xe đóng trên địa bàn tỉnh.

Pháp luật cũng quy định rõ người chịu trách nhiệm khi học viên lái xe tập lái vi phạm giao thông. Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30-12-2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt có quy định các mức xử phạt cho các hành vi vi phạm quy định về đào tạo, sát hạch lái xe. Cụ thể, khoản 8, Điều 37 của Nghị định này quy định: “Giáo viên dạy thực hành để học viên thực hành lái xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm quy định tại Điều 5 của nghị định thì bị xử phạt theo quy định đối với hành vi vi phạm đó”.

Như vậy, trong lúc thực hành xe tập lái, nếu hành vi vi phạm giao thông do học viên gây ra và được giáo viên dạy lái xe cho phép hoặc giáo viên dạy lái xe thấy nhưng không ngăn cản thì giáo viên dạy lái xe phải là người chịu trách nhiệm. Còn hành vi vi phạm do học viên tự ý thực hiện mà không để giáo viên dạy lái biết thì học viên sẽ là người chịu trách nhiệm.

Theo luật sư Nguyễn Đức (Đoàn Luật sư Đồng Nai), Điều 260 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định rõ mức phạt về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ. Chẳng hạn, người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp: làm chết người, gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của một người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên... thì bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1-5 năm…

“Tất cả các phương tiện khi tham gia giao thông trên đường mà gây ra tai nạn đều phải xử lý theo quy định của pháp luật, chứ không phân biệt xe tập lái hay xe không tập lái. Pháp luật đã quy định rõ các mức khung xử phạt từ dân sự cho đến hình sự. Tuy nhiên, mỗi vụ việc cần được cơ quan chức năng làm rõ các tình tiết như: lỗi từ phía nào hay do lỗi hỗn hợp, mức độ thiệt hại nhẹ hay nặng, trách nhiệm của những người liên quan…, để từ đó đưa ra mức xử phạt hợp tình hợp lý theo quy định của pháp luật” - luật sư Nguyễn Đức cho biết.

Tăng cường công tác quản lý nhà nước

Trưởng phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái (Sở Giao thông vận tải) Lê Văn Đức cho biết, Sở Giao thông vận tải cấp giấy phép tập lái cho các cơ sở đào tạo do địa phương quản lý theo đúng quy định của pháp luật. Cụ thể, các tuyến đường trên địa bàn tỉnh được cấp giấy phép tập lái gồm có các quốc lộ: 1, 1K,13, 20, 51, 55, 56; các tỉnh lộ: 10, 25B, 761, 767, 768, 769, 770, 773; hương lộ 10 và đường tránh Võ Nguyên Giáp (thành phố Biên Hòa).

Để việc lưu thông trên đường đảm bảo an toàn, xe tập lái phải tuân thủ các điều kiện theo quy định; chấp hành nghiêm các quy định khi tham gia giao thông trên đường; đảm bảo theo chương trình, kế hoạch dạy lái xe của cơ sở đào tạo. Sở Giao thông vận tải thời gian qua đã có nhiều văn bản triển khai, chỉ đạo về công tác quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe trên địa bàn tỉnh.

Vừa qua, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Lê Quang Bình đã chủ trì buổi làm việc với tất cả các cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch lái xe và các đơn vị có liên quan để quán triệt thực hiện quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe trên địa bàn tỉnh trong năm 2024. Bên cạnh đó, Sở Giao thông vận tải cũng tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo Công an tỉnh, UBND các huyện và thành phố tăng cường kiểm tra xử lý các cơ sở đào tạo, xe tập lái vi phạm các quy định. Công tác quản lý nhà nước đối với các cơ sở đào tạo, xe tập lái hiện đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Trong thời gian tới, Sở Giao thông vận tải ngoài tiếp tục triển khai các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến các cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch lái xe, còn chỉ đạo lực lượng thanh tra tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm liên quan đến công tác đào tạo, sát hạch lái xe, xe tập lái trên đường...

An Nhơn

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/phap-luat/202405/kiem-soat-xe-tap-lai-luu-thong-tren-duong-3686358/