Kiểm toán Nhà nước tập trung kiểm toán lĩnh vực 'nóng'

Tổng KTNN Ngô Văn Tuấn nhấn mạnh cơ quan này tập trung vào chất lượng xây dựng báo cáo kiểm toán, xây dựng kế hoạch kiểm toán, lựa chọn lĩnh vực nóng, được dư luận xã hội quan tâm

Ngày 11-5, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã có báo cáo về hoạt động công tác kiểm toán thời gian qua. Theo Tổng KTNN Ngô Văn Tuấn, hàng năm, KTNN đã tổ chức kiểm toán trên dưới khoảng 250 đoàn kiểm toán và kiến nghị xử lý tài chính khoảng 60.000 tỉ đồng.

Trong năm 2024, một loạt dự án trọng điểm quốc gia cũng đã được đưa vào kế hoạch kiểm toán của KTNN

Trên cơ sở kết quả kiểm toán, KTNN đã kiến nghị tăng thu, giảm chi ngân sách. Kiến nghị sửa đổi bổ sung, thay thế, hủy bỏ 2.181 văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý có nội dung sai quy định hoặc không phù hợp với quy định của Nhà nước và thực tiễn.

Cùng với đó, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền chỉ đạo, tổ chức kiểm điểm trách nhiệm đối với nhiều tập thể, cá nhân có sai phạm theo quy định của pháp luật. Đặc biệt, KTNN đã kiến nghị các bộ ngành, địa phương chấn chỉnh kịp thời những bất cập, hạn chế, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công.

Lãnh đạo KTNN cũng cho biết thêm, việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh số 04/2023/UBTVQH15 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN đã góp phần giáo dục pháp luật, duy trì trật tự, giữ gìn kỷ cương và tính nghiêm minh của pháp luật về hoạt động kiểm toán.

Theo Tổng KTNN Ngô Văn Tuấn, thời gian tới và xa hơn là mục tiêu đến năm 2030, sẽ phát triển KTNN là công cụ trọng yếu, hữu hiệu của Đảng và Nhà nước trong kiểm tra, kiểm soát việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công.

Để thực hiện mục tiêu trên, ông Tuấn cho biết con người là nhân tố quyết định mọi thắng lợi, vì thế, KTNN rất chú trọng việc phát triển đội ngũ kiểm toán viên "Nghệ tinh - Tâm sáng", với phẩm chất đạo đức đặt lên hàng đầu, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời gian tới.

"Chúng tôi sẽ đào tạo cán bộ kiểm toán cả về nghiệp vụ, kỹ năng, kiến thức pháp luật, trong đó có pháp luật về phòng chống tham nhũng, tiêu cực và đặc biệt là đào tạo về đạo đức công vụ"- ông Ngô Văn Tuấn cho hay. Đồng thời, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đạo đức công vụ và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong ngành kiểm toán.

Trong thời gian tới, Tổng KTNN Ngô Văn Tuấn nhấn mạnh cơ quan này sẽ tập trung vào chất lượng xây dựng báo cáo kiểm toán, xây dựng kế hoạch kiểm toán, lựa chọn lĩnh vực nóng, được dư luận xã hội quan tâm để phục vụ tốt nhất hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội.

Ngành kiểm toán đã đặt ra yêu cầu về kế hoạch kiểm toán "gọn" nhưng "chất lượng", và khi KTNN đưa ra kết luận, kiến nghị kiểm toán, đơn vị được kiểm toán phải "tâm phục, khẩu phục".

Tổng KTNN Ngô Văn Tuấn nhấn mạnh, với vai trò thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nhiệm vụ đầu tiên và quan trọng nhất của KTNN là phải thực hiện thật tốt nhiệm vụ được Ban Chỉ đạo phân công.

Theo ông Tuấn, điều quan trọng là phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong cơ quan thực hiện công tác này theo đúng chỉ đạo của cấp có thẩm quyền. Năm 2024, triển khai Quy định số 131-QĐ/TW ngày 27-10-2023 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán,KTNN đã xây dựng chương trình kiểm tra, giám sát để đảm bảo cơ quan kiểm toán đi đầu, gương mẫu trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Minh Chiến

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/kiem-toan-nha-nuoc-tap-trung-kiem-toan-linh-vuc-nong-196240511144925961.htm